Thứ năm 14/11/2024 12:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Nam Sách – Hải Dương:

“Lùm xùm” trong quản lý đất đai tại xã Đồng Lạc

14:16 | 18/09/2015

(Xây dựng) – Những vụ việc liên quan đến quản lý đất đai như cấp sổ đỏ, bồi thường giải phóng mặt bằng không đúng thực tế gây khiếu kiện không được UBND huyện Nam Sách trả lời thỏa đáng khiến người dân vô cùng bức xúc. Khi các cơ quan báo chí vào cuộc thì chính quyền né tránh.


Trụ sở UBND huyện Nam Sách.

Người dân tại xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương liên tục gửi đơn đến Báo điện tử Xây dựng phản ánh hiện tượng chính quyền cấp xã, huyện buông lỏng quản lý đất đai. UBND huyện phớt lờ đơn thư của người dân đề nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xin cấp sổ đỏ, xác minh nguồn gốc đất trong việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án triển khai trên địa bàn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi kinh tế hợp pháp của người dân.

Hơn 4 năm không cấp được 1 quyển sổ đỏ

Báo điện tử Xây dựng đã thông tin về việc xin cấp làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của ông Trần Văn Thường ở xã Đồng Lạc, hơn 4 năm qua chưa được UBND huyện Nam Sách trả lời kết quả, cũng không nói rõ nguyên nhân vì sao đất nhà ông không được cấp sổ.

Khi làm việc với UBND huyện Nam Sách về nội dung đơn thư ông Thường phản ánh, ông Nguyễn Tiến Hoan, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường cho biết do có đơn thư “tranh chấp” đất phát sinh từ năm 2012, vụ việc phức tạp nên đến nay chưa giải quyết xong. Trong buổi làm việc ngày 17/6, ông Hoan cho biết cơ bản phòng đã giải quyết xong để báo cáo lãnh đạo huyện giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, đến nay, gia đình ông Thường chưa nhận được thêm bất cứ thông tin nào về việc này.

Trở lại UBND huyện Nam Sách ngày 19/8, ông Phùng Văn Diện, Chánh văn phòng UBND huyện lại không biết tình hình xử lý vụ việc đến đâu rồi. Ông Diện đề nghị phóng viên liên hệ với ông Hoan để tìm hiểu thông tin cụ thể nhưng hôm ấy ông Hoan đi họp, không có mặt ở phòng làm việc. Khi phóng viên đặt câu hỏi: Tại sao vụ việc lại xử lý lâu như thế, ông Diện cho biết: những việc liên quan đến xác định nguồn gốc đất thường rất phức tạp nên không thể giải quyết nhanh được.


Thửa đất của gia đình ông Thường được chính quyền hợp pháp hóa nhưng hơn 4 năm qua chưa nhận được sổ đỏ.

Hơn 4 năm qua, gia đình ông Thường vẫn mòn mỏi chờ đợi sổ đỏ cho mảnh đất của gia đình mà không biết đến khi nào huyện Nam Sách mới giải quyết xong. Trong khi đó, ông Thường nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ từ năm 2011, theo quy định về việc cấp sổ đỏ tại Điều 123 Luật Đất đai năm 2003 ghi rõ: “Trong thời hạn không quá năm mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định mức nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; thông báo cho người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính; trường hợp không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ và thông báo lý do cho người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất biết. Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nơi đã nộp hồ sơ để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”.

Thậm chí, theo Dự thảo Nghị định quy định thời gian cấp sổ đỏ của Bộ Tài nguyên Môi trường đang soạn thảo, thời gian làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ không quá 15 ngày, giảm 5 ngày so với hiện hành. Hồ sơ xin cấp sổ đỏ nhà ông Trần Văn Thường nộp về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Nam Sách đã 4 năm qua, đến nay vẫn không được giải quyết. Sự tắc trách của chính quyền địa phương, hay chăng tồn tại “lùm xùm” trong quản lý đất đai tại xã Đồng Lạc đã dẫn đến cảnh người dân cứ phải ngồi chờ và không biết đến khi nào quyền lợi chính đáng của mình mới được bảo đảm?

Đâu là lưu không, đâu là đất của dân?

Cũng tại xã Đồng Lạc, việc quản lý đất đai lỏng lẻo đã dẫn đến khiếu kiện khi triển khai các dự án hạ tầng tại địa phương. Các hộ dân có hộ khẩu thường trú tại Quốc lộ 37, thôn Tháp Phan, xã Đồng Lạc gửi đơn đến Báo Xây dựng phản ánh việc xác định nguồn gốc đất của UBND xã Đồng Lạc không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền lợi kinh tế chính đáng của các hộ dân khi tiến hành bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án Xây dựng đoạn tuyến nối nút giao thông lập thể tại điểm giao cắt Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 5 và đường 390 với Quốc lộ 37 tại xã Đồng Lạc (Dự án).


Dự án chưa được công khai các cơ quan chức năng đã tiến hành đào đường gây nguy hiểm và bức xúc cho người dân.

Trong đơn, các hộ dân trình bày: trước những năm 1989-1991, UBND xã Đồng Lạc đã bán và giao cho nhân dân nhiều hộ dân tại mặt đường Quốc lộ 37, thuộc thôn Tháp Phan, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách. Sau đó các hộ dân cũng đã bán lại cho người sau. Mốc đất được giao cách đường dân sinh Phú Yên (tên gọi cũ của đường 183 và nay là Quốc lộ 37) để làm nhà ở có chỉ giới rõ ràng. Sau đó, đến năm 1996, nhà nước mở đường 183, sau đổi tên gọi là Quốc lộ 37, các hộ dân mặt đường đã phải bàn giao đất đã mua để phục vụ việc mở đường mà không được đền bù. Nay nhà nước tiếp tục thực hiện Dự án mới, đất phục vụ cho dự án có đi qua phần diện tích của các hộ dân. Nhân dân chấp hành giao đất phục vụ Dự án nhưng do UBND xã Đồng Lạc xác định mốc giới không đúng với thực tế, phần đất ở của người dân thì UBND xã Đồng Lạc lại xác định là đất lưu không của Quốc lộ 37. Năm 2014, phương án đền bù cũng được Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và đền bù GPMB huyện lập làm nhiều bản khác nhau, không có xác nhận, chữ ký của các cơ quan, cá nhân liên quan khiến người dân rất bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, các hộ dân cho biết: Đất của chúng tôi mua bán, chuyển nhượng có giấy tờ, được chính UBND xã Đồng Lạc trước đây xác nhận, nhưng đến nay, khi vụ việc khiếu kiện xảy ra, UBND xã Đồng Lạc lại không công nhận giấy tờ chuyển nhượng. Trước đây chúng tôi đã được cấp sổ đỏ nhưng do Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cấp sai thẩm quyền, sổ đỏ cấp sai đã bị thu hồi. Nay chúng tôi chưa được cấp lại sổ đỏ, mà các cơ quan chức năng yêu cầu chúng tôi xuất trình sổ đỏ để phục vụ công tác bồi thường GPMB là làm khó cho người dân chúng tôi. Nhiều hộ gia đình mua đất sau chúng tôi không có giấy tờ mua bán nên phải chịu thiệt thòi, buộc phải theo quyết định của chính quyền.

Chưa thống nhất đền bù đã triển khai dự án, gây nguy hiểm cho người dân

Ông Lê Văn Hạ, một trong những người đầu tiên từ trong làng ra “mặt đường” mua đất từ những năm 1988 – 1989. Ngày ông Hạ mua đất ở ngoài mặt đường Phú Yên, nhà cửa còn rất thưa thớt, mãi đến mấy năm gần đây, khu vực mặt đường mới được xây dựng thêm nhiều nhà cửa khang trang, sầm uất như hôm nay. Chúng tôi mua bán, chuyển nhượng đất có thông báo với chính quyền, được chính quyền xã xác nhận, chúng đóng thuế đất hàng năm đầy đủ. Khi triển khai dự án này, UBND xã Đồng Lạc xác định đất lưu không của Quốc lộ 37 không đúng với nguồn gốc và thực tế việc xử dụng đất của các hộ dân, trong đó 3 hộ gia đình ông Lê Văn Hạ, anh Mạc Đức Thọ và anh Lê Văn Thiệu phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng cả đến công trình đang sử dụng.


Ông Lê Văn Hạ rất bức xúc trước việc làm của UBND xã Đồng Lạc.

Chị Lê Thị Lụa, vợ anh Mạc Đức Thọ cho biết: bà Trịnh Thị Thơ mua thửa đất số 55, tờ bản đồ số 6, số bìa A403295 của UBND xã Đồng Lạc từ năm 1988-1989 rồi cho con trai là Mạc Văn Sứng. Sau đó, anh Mạc Văn Sứng nhượng lại cho 2 anh Mạc Đức Thọ và Lê Văn Thiệu, thỏa thuận với nhau bằng miệng. Đến năm 1998, ông Mạc Văn Sứng có đơn chuyển nhượng đất để các em làm nhà, trong đơn có xác định mốc giới, được UBND xã Đồng Lạc đóng dấu xác nhận.

Trước khi làm nhà, chúng tôi đã thông báo với UBND xã, được cán bộ xã đo đạc cẩn thận để chúng tôi làm nhà, không vi phạm vào đất lưu không của Quốc lộ 37, nay triển khai dự án này sẽ lấy vào đất nhà tôi rất sâu, làm ảnh hưởng đến nhà cửa chúng tôi đã xây dựng. Nếu làm theo đúng như thông tin chúng tôi được thông báo thì chúng tôi sẽ phải xây dựng lại nhà cửa, mà UBND xã Đồng Lạc nói là đất lưu không tính từ mép đường Quốc lộ 37 đến đất nhà tôi là 9m, điều này không đúng với thực tế. Chúng tôi không biết UBND xã Đồng Lạc căn cứ vào đâu để xác định đất lưu không là 9m. Chúng tôi đề nghị UBND xã Đồng Lạc và UBND huyện Nam Sách xác định nguồn gốc đất, xác định lại diện tích đất lưu không của Quốc lộ 37 để đảm bảo quyền lợi của chúng tôi nhưng mãi chưa được các cấp giải quyết. Tháng 4/2015, chúng tôi gửi đơn đến UBND huyện Nam Sách, đề nghị xác minh nguồn gốc đất. Sau đó, chúng tôi nhận được thông báo của Thanh tra huyện Nam Sách là Phòng Tài nguyên Môi trường huyện được giao nhiệm vụ giải quyết đơn thư từ tháng 5/2015 nhưng đến nay chưa có kết quả. Dự án này cụ thể như thế nào chúng tôi cũng không được biết, chưa rõ mọi việc thế nào thì ngày 30/7, công an và các ban ngành đã mang máy xúc đến xúc đất trước nhà chúng tôi, phá hoại tài sản của công dân, thậm chí còn không để đường đi cho chúng tôi ra đường. Sau khi đào đường trước cửa nhà chúng tôi, họ không rào tôn, che chắn gì cả, ngay hôm sau đó có người bị tai nạn vì lao xe xuống hố làm cho dân chúng rất bức xúc và lo lắng.


Tai nạn xảy ra ngay sau khi các cơ quan chức năng đào đường một ngày trước cửa nhà ông Hạ. (Ảnh do người dân cung cấp)

Về phía UBND huyện Nam Sách, ngày 19/8, khi được hỏi về dự án này, ông Phùng Văn Diện, Chánh Văn phòng UBND huyện không nắm được thông tin cụ thể. Thông tin về Chủ đầu tư, thời gian triển khai dự án, tổng mức đầu tư,… ông Diện đều không nắm được.

Ngày 10/9 mới đây, UBND huyện Nam Sách cũng đã họp về các nội dung này. Chủ tịch UBND huyện tiếp tục giao cho phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nam Sách tổng hợp hồ sơ để trả lời đơn thư của công dân trong thời gian sớm nhất. Khi UBND huyện Nam Sách chưa trả lời thì ngày 11/9/2015, UBND xã Đồng Lạc tiếp tục thông báo các hộ dân đến trụ sở UBND xã để lấy tiền hỗ trợ tài sản trên đất hành lang giao thông vào ngày 12/9 theo Thông báo của UBND huyện Nam Sách do ông Nguyễn Đình Dũng, Phó chủ Tịch huyện ký. Không dừng ở đó, mặc dù ngày 15/9, khi UBND Huyện Nam sách và xã Đồng Lạc chưa giải quyết đơn của các hộ dân, cán bộ xã Đồng Lạc lại tiếp tục gửi thông báo chiều 17/9 các hộ dân đến UBND xã lấy tiền đền bù.

Việc triển khai dự án không công khai minh bạch theo quy định, không có bảng thông tin dự án tại địa điểm triển khai khiến cho người dân không biết phải “cầu cứu” ai. Đầu mối duy nhất của họ là UBND xã Đồng Lạc thì từ cấp xã đến cấp huyện, cán bộ cũng không trả lời cho người dân biết được đơn vị nào chủ đầu tư, quy trình thu hồi đất, việc đền bù, hỗ trợ và bồi thường GPMB đã đúng thủ tục, quy trình theo quy định của pháp luật hay chưa.

Việc giải quyết đơn thư chậm trễ, cùng với những “lùm xùm” trong quản lý đất đai tại xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách đang làm cho người dân mất dần niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đề nghị UBND huyện Nam Sách khẩn trương trả lời đơn thư của công dân theo quy định, hướng dẫn cụ thể cho người dân các quy định của pháp luật về việc xin cấp sổ đỏ và việc thu hồi đất phục vụ các dự án công cộng, đảm bảo công khai, minh bạch và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tại xã Đồng Lạc.

Phương Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load