Thứ bảy 20/04/2024 19:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lục Ngạn (Bắc Giang): Diện mạo làng quê “thay da, đổi thịt” nhờ làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới

12:29 | 05/12/2022

(Xây dựng) – Là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, nơi cuộc sống của người dân còn gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã đạt được những kết quả đáng tự hào, diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Lục Ngạn (Bắc Giang): Diện mạo làng quê “thay da, đổi thịt” nhờ làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới
Việc phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Lục Ngạn.

Vượt khó

Là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, phần lớn diện tích của huyện Lục Ngạn là địa hình đồi núi. Huyện có 30 xã, thị trấn với 380 thôn bản, trong đó có 12 xã vùng cao; toàn huyện còn 11 xã và 35 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 2. Dân số 22,5 vạn người, gồm 8 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa), trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 49%.

Do đó, ngay từ khi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Ngạn đã xác định đây sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Lưu Anh Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết, khi bắt đầu thực hiện chương trình, mức độ tiêu chí tại các xã trên địa bàn huyện còn thấp, bình quân toàn huyện năm 2010 mới đạt 5,4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,96%; trong đó một số tiêu chí như giao thông, thủy lợi, tỷ lệ cứng hóa toàn huyện đạt rất thấp so với quy định; hệ thống cơ sở vật chất văn hóa như: Nhà văn hóa, khu thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn tại nhiều nơi còn chưa có hoặc chưa đảm bảo; cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn, chưa đạt chuẩn theo quy định...

Bên cạnh đó, điều kiện ngân sách của huyện cũng như của nhân dân còn nhiều khó khăn, trong khi đó nguồn lực để đầu tư là rất lớn, vì vậy trong quá trình thực hiện đã gặp rất nhiều thử thách.

Tuy vậy, do đã lường trước những khó khăn, huyện Lục Ngạn đã từng bước hóa giải với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tận dụng những thế mạnh của địa phương đặc biệt là phát triển cây ăn quả, góp phần quan trọng trong xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng riêng của huyện Lục Ngạn nhằm thúc đẩy việc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nên ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện chương trình Huyện ủy Lục Ngạn đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, Ban chỉ đạo huyện xác định rõ tiêu chí khó, tiêu chí đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực để ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết sát với thực tế. Ngay từ cuối năm trước, UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát các tiêu chí, đánh giá kết quả đạt được để xây dựng kế hoạch thực hiện của năm tiếp theo với phương châm ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần, phát huy nội lực trong nhân dân, do nhân dân làm chủ, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo quyết liệt áp dụng cơ chế đặc thù, thực hiện thiết kế mẫu trong xây dựng cơ bản; phát huy vai trò giám sát của nhân dân để xây dựng công trình có hiệu quả hơn, nhằm giảm thiểu chi phí trung gian, thuận lợi trong huy động sức dân, hạn chế nợ đọng.

“Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình xây dựng nông thôn mới của các xã, tham mưu cho Ban chỉ đạo, UBND huyện chỉ đạo kịp thời, giúp các xã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình”, ông Lưu Anh Đức chia sẻ.

Hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra

Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát, huy động nguồn lực… huyện Lục Ngạn đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt so với các mục tiêu đề ra.

Đến nay, huyện Lục Ngạn đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Phượng Sơn, Quý Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang, Trù Hựu, Kiên Thành, Mỹ An, Nam Dương, Tân Mộc, Tân Quang, Biên Sơn, Đồng Cốc, Biển Động, Giáp Sơn; 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao (Quý Sơn, Hồng Giang). Đến hết năm 2022, huyện phấn đấu sẽ có thêm 2 xã về đích nông thôn mới là Tân Hoa và Phì Điền (nâng tổng số xã về đích NTM là 16/29 xã, thị trấn); có thêm 01 xã nông thôn mới nâng cao là Thanh Hải.

Các xã đã đạt chuẩn sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, phấn đấu có thêm 3 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, lũy kế đạt 9 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Lục Ngạn (Bắc Giang): Diện mạo làng quê “thay da, đổi thịt” nhờ làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới
Huyện cũng rất quan tâm, chú trọng tới việc phát triển kết cấu – hạ tầng.

Có thể nhận thấy rằng, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi rõ nét, kinh tế phát triển khá; các lĩnh vực văn hóa, y tế, quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều chuyển biến, an ninh trật tự an toàn xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, trình độ sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao rõ rệt, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, các hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; giá trị sản xuất bình quân đầu người năm tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông, khu văn hóa thể thao được đầu tư cải tạo, xây dựng mới khang trang hơn; đặc biệt nhiều công trình được hình thành từ nguồn đóng góp, hiến đất của nhân dân. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng và tạo khí thế thi đua giữa các thôn trong xã và giữa các xã đã góp phần quan trọng thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Phong trào thi đua Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới được triển khai có sức lan tỏa mạnh đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là người dân tham gia thực hiện; tư duy và nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ nét, đã huy dộng được các nguồn lực, phát huy quyền làm chủ và nội lực trong nhân dân “lấy sức dân làm lợi cho dân”.

Trong giai đoạn tới, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới tại các xã còn lại trên địa bàn. Mục tiêu chung của huyện sẽ là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước theo hướng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2030.

Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load