Thứ hai 07/10/2024 03:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

QUỐC HỘI KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 02

Luật và việc đưa luật vào cuộc sống

11:20 | 23/11/2011

“Mặc dù nhiệm kỳ có 4 năm nhưng Quốc hội khóa XII đã ban hành được 67 luật, 14 pháp lệnh và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong hoạt động lập pháp đang còn nhiều tồn tại, bất cập…”, đó là kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Chưa nghiêm trong việc xây dựng luật

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu (ĐB) đều cho rằng việc lập chương trình còn thiếu tính khoa học, chưa thực sự chặt chẽ để bảo đảm tính khả thi, chương trình còn phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần. Trong quá trình của quy trình xây dựng luật, pháp lệnh từ khâu soạn thảo đến khâu thẩm định, thẩm tra, còn có những hạn chế, thiếu sót, chưa bảo đảm được chất lượng, tiến độ, nhất là việc xác định rõ chính sách của luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII chưa đạt được kết quả như chương trình đề ra. Dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình và rút ra khỏi chương trình quá dễ không đáp ứng nghiêm tinh thần kỷ luật của việc xây dựng chương trình pháp luật. Một số luật, pháp lệnh được thông qua chất lượng và tính khả thi chưa cao, chậm đi vào cuộc sống, nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết hướng dẫn mới thi hành được.

Đồng ý với ý kiến của ĐB Vinh, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị Chính phủ tự mình và chỉ đạo các cơ quan soạn thảo kiểm điểm trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức đã có công đóng góp vào việc thực hiện không nghiêm luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian vừa qua, có giải pháp cải tiến phương pháp soạn thảo thẩm định và trình Quốc hội, kiên quyết không trình Quốc hội nhưng dự án luật không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo tiến độ, mỗi dự án xin rút ra khỏi chương trình xây dựng luật lùi thời gian trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan soạn thảo cần làm rõ và giải trình rõ lý do trước diễn đàn Quốc hội.

Theo một số ĐB, các dự án luật, pháp lệnh hiện nay còn quá nhiều quy định mang tính nguyên tắc, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời. ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cũng chỉ ra 2 bất cập: Một là, luật đang được sản xuất quá tải. Thứ hai, quá trình đưa luật vào cuộc sống rất chậm chạp. Luật ra rồi, có hiệu lực rồi, chờ nghị định, nghị định ra rồi chờ thông tư… là quãng thời gian rất dài luật mới đi vào cuộc sống.

Việc các dự án luật, pháp lệnh được gửi đến cơ quan thẩm tra, gửi đến Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐB Quốc hội và nhất là các ĐB quá chậm (kỳ họp này các ĐB đến đây mới nhận được các văn bản) cũng được nhiều ĐB quan tâm, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị nên thành lập các nhóm ĐB Quốc hội có chuyên môn sâu theo các ngành, lĩnh vực để hỗ trợ cho các ban soạn thảo trong quá trình làm luật song song với các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Bởi lẽ ở hội trường có 7 phút không thể phát biểu hết những vấn đề, chỉ có những ĐB chuyên sâu mới đi sâu vào những vấn đề mà nội dung luật đã đề cập.

Rất cần Luật Kiến trúc sư?

Năm 2009 Hội KTS Việt Nam đã có Tờ trình gửi UBTVQH khóa XII về việc xin ban hành Luật Kiến trúc sư. Theo các ĐB thì trong thời gian qua ngành kiến trúc và KTS đã đóng góp rất nhiều vào quá trình đô thị hóa cũng như góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước. Tuy nhiên, từ trước đến nay hoạt động kiến trúc và nghề KTS vẫn chưa có hành lang pháp lý riêng để kiểm soát trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của KTS trong xã hội. Hiện nay mọi hoạt động của kiến trúc đều chịu sự điều tiết của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị. Đây là một khoảng trống trong quản lý, từ đó dẫn đến tình trạng mất ổn định trong phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn, đặc biệt là kiến trúc ở các đô thị lớn.

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề xuất nên bổ sung chính thức vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII Luật Kiến trúc sư. Vì theo ĐB Phương, Đảng và Nhà nước rất coi trọng sự nghiệp phát triển đô thị và kiến trúc nhà cũng như nhiệm vụ xây dựng đội ngũ KTS có đức, có tài, có đủ khả năng xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam ngang tầm với kiến trúc tiến bộ trên thế giới. Định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt khẳng định: "Hoàn thiện cơ chế hành nghề KTS trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chế độ KTS, quy định về đạo đức KTS, năng lực nghề nghiệp để xin đăng ký trình thủ tục đăng ký, quy định về chế độ hành nghề KTS. Cho phép kết hợp tư cách đơn vị thiết kế và tư cách cá nhân KTS đăng ký”.

Bổ sung cho phát biểu của đại biểu Phương về Luật Kiến trúc sư. ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho biết: Kiến trúc mang lại diện mạo cho dân tộc, cho một quốc gia, nhưng ngược lại cũng gây tổn thất lớn nếu không quản lý tốt. Tôi tha thiết với ĐB Quốc hội là đồng tình để đưa Luật Kiến trúc sư được tham gia vào trong khóa này, đây là một định hướng sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước…

Ngoài ra, các ĐB cũng đã thảo luận về các luật liên quan đến các vấn đề về xây dựng như: ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị, Luật Thủ đô và Luật Đô thị nên lồng ghép là một vì Thủ đô cũng là đô thị. Vị thế Thủ đô sẽ được ghi nhận trong Luật Đô thị và cùng điều chỉnh như các TP lớn khác thì tốt hơn.

Như Ý

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load