(Xây dựng) - Từ cuối tháng 5, tỉnh Long An ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên, bệnh nhân có yếu tố dịch tế liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp. Đến nay số lượng F0 vẫn chưa có dấu hiệu giảm, trước tình hình đó, Long An đã liên tục có những hành động quyết liệt để phòng chống dịch, đặc biệt tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Tấn Hoà, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp Thuận Đạo (Ảnh: Phạm Ngân). |
Quyết liệt trong từng hành động, giải pháp
Là cửa ngõ kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây và là địa phương có số lượng khu công nghiệp và cụm công nghiệp cũng như giao thông đa dạng, với hơn 300.000 công nhân làm tại các doanh nghiệp. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Long An xác định địa phương sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid - 19.
Ngay từ cuối tháng 5, UBND dân tỉnh liện tục ra các loại văn bản, công văn hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Theo hướng dẫn của tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Long An nhanh chóng, bám sát chỉ đạo của cấp trên để triển khai chi tiết đến từng khu, cụm công nghiệp nhằm tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Long An.
Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An cho biết: Ngày 27/5, Long An chính thức công bố ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên. Ngày 28/5 Ban Quản lý Khu Kinh tế Long An đã cấp tốc ra Văn bản số 1181 lập phương án phối hợp xử lý tình huống khi phát hiện người lao động trong Khu công nghiệp, khu kinh tế nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 và xây dựng các chế độ chính sách đối với người lao động trong tình hình dịch bệnh.
Người lao động được đặt làm trọng tâm trong điều hành của Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Long An. |
Đặc biệt, trong các phương án Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An đưa ra đã chú trọng đến quyền lợi người lao động và doanh nghiệp. Cụ thể:
Một, các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên môn, phối hợp chặt chẽ khi xử lý tình huống dịch bệnh. Tôn trọng sự thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động trong giải quyết vấn đề trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật lao động, quyền lợi chính đáng của người lao động và doanh nghiệp liên quan đến chế độ chính sách.
Hai, các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đã chủ động, xử lý kịp thời, tránh gây hoang mang trong công nhân và đảm bảo đúng theo qui trình phòng chống dịch.
Ba, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp tỉnh Long An được thành lập với các thành viên là các lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An, cán bộ Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh… và đại diện lãnh đạo các công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp.
Bốn, khi tại Long An xuất hiện ca bệnh thứ 2, ngay trong ngày 2/6 Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An gấp rút ra hàng loạt công văn gửi đến từng Giám đốc các Công ty đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; lãnh đạo các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Long An yêu cầu tâp trung rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá người lao động; thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ phòng chống dịch tại doanh nghiệp; lập danh sách công nhân lao động trở về từ vùng dịch và đặc biệt, nếu doanh nghiệp nào chưa thực hiện thì thông báo tạm dừng hoạt động, khi nào thực hiện khắc phục xong thì cho hoạt động trở lại.
Đối với doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu thì thực hiện theo các nội dung sau:
Thứ nhất, phải tách biệt khu vực công trường và khu vực nghỉ ngơi, đề phòng trường hợp xấu nhất, công trình không bị ngừng thi công.
Thứ hai, khi làm việc, phải giữ khoảng cách 2m và không tụ tập đông người khi hết ca làm, chia ca làm việc theo nhiều khung giờ hơn.
Thứ ba, yêu cầu các nhà thầu phụ cung cấp rõ lý lịch, hành trình di chuyển của công nhân trước khi vào công trường nhằm hỗ trợ tốt cho quá trình truy vết F1, F2... trong trường hợp không may có ca lây nhiễm trong cộng đồng….
Không chỉ chống dịch bằng văn bản
Sau khi đánh giá tình hình dịch bệnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An đã ban hành Văn bản số 1119 về việc triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế yêu cầu từ người lao động đến các đơn vị thực hiện bộ giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền Thông. Trong đó tập trung triển khai ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và hệ thống ghi nhận việc đến, đi tại các địa điểm công cộng (Mã QR Code): Tại các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, các cơ sở lưu trú ... phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code thông qua một trong các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh gồm: NCOVI, VietNam Health Declaration và Bluezone.
Ngay từ khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp tỉnh Long An được thành lập, các thành viên đã bắt tay ngay vào việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Nắm bắt kịp thời các trường hợp đi về từ vùng dịch, các trường hợp F1, F2, thông tin đến Trung tâm y tế huyện để được hướng dẫn xử lý theo đúng quy định. Phối hợp với UBND các địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế, các sở, liên quan trong công tác hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai các biện pháp ứng phó khi xảy ra trường hợp nhiễm Covid-19 tại các doanh nghiệp.
Trước nguy cơ dịch Covid - 19 bùng phát mạnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Long An. Đoàn có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn việc thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.
Ghi nhận thực tế cho thấy, với sự nỗ lực của các cấp và sự chủ động của doanh nghiệp, ngay khi nhận thông tin hướng dẫn từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đều nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc. Tổ an toàn Covid-19 được lập đến từng tổ, phân xưởng, dây chuyền sản xuất; tuyên truyền, kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm và đầy đủ các biện pháp nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế tối đa khả năng phơi nhiễm và tốc độ lây lan.
Tại Cảng Quốc tế Long An, công tác phòng chống Covid-19 được đặt lên hàng đầu. |
Tại Cảng Quốc tế Long An cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid - 19 được kiểm soát chặt chẽ người ra vào cảng, thực hiện đo nhiệt độ, khử trùng tay, đeo khẩu trang, thực hiện khai báo Y tế đối với cán bộ công nhân viên, nhà thầu và người lao động, thuyền viên ra vào cảng làm việc. Cung cấp thuốc tăng đề kháng, vật tư, trang thiết bị chống dịch cho các bộ phận. Thực hiện do thân nhiệt ngày 2 lần cho cán bộ công nhân viên, nhà thầu, người lao động làm việc tại kho cảng; không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa,...
Hiện nay, các địa phương tại Long An đều có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, vì vậy Long An đang khẩn trương xét nghiệm sàng lọc trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà trọ đông công nhân, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid - 19 và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch… lãnh đạo tỉnh Long An khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) để bảo đảm an toàn.
Bài: Long An quyết liệt bảo vệ doanh nghiệp tại khu công nghiệp trước Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ.
Mai Thanh
Theo