Chủ nhật 19/01/2025 14:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Dự thảo Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự cổ:

Lối thoát cho nhiều biệt thự hết “đát”

01:12 | 19/08/2012

Hà Nội đã rất tự hào vì được sở hữu nhiều công trình, biệt thự cổ có kiến trúc đẹp và nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Tuy nhiên công tác bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội đang trở thành bài toán khó khi cùng lúc phải đáp ứng được hàng loạt mục tiêu từ giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đến giá trị kinh tế, thương mại…nhưng thời gian đã làm cho nhiều ngôi biệt thự xuống cấp, mà quy chế cho quản lý, sửa chữa vẫn còn loay hoay vì Điều lệ quản lý cũ đã bắt đầu tỏ ra bất cập.


Một biệt thự cổ đã xuống cấp nghiêm trọng trên đường Thi Sách, Hà Nội

Tư nhân được tham gia quản lý!

Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 1.586 biệt thự dạng này có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá nằm trên các tuyến như Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng... Tuy nhiên hiện nay rất nhiều biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, ngoài ra hàng trăm biệt thự bị cơi nới, lấn chiếm, thậm chí bị làm biến dạng làm ảnh hưởng rất lớn đến giá trị kiến trúc, văn hóa của các biệt thự cổ này.

Để giải quyết tình trạng này, Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, cũng như các cuộc hội thảo để lấy ý kiến về công tác quản lý cho phù hợp. Tuy nhiên, để đưa ra được một khung tiêu chí thống nhất giúp nhận biết thế nào là một biệt thự có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… để từ đó đưa ra được một giải pháp hợp lý cho công tác quản lý, bảo tồn, bán hay không bán… vẫn đang là một ẩn số không dễ tìm.

Bà Nguyễn Thị Nội, người đang thuê biệt thự cổ kinh doanh trên phố Phủ Doãn (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Do các biệt thự được xây dựng khá lâu, nên hiện chỉ còn một số biệt thự do cơ quan nhà nước, hoặc những biệt thự do một hộ dân quản lý thì mới giữ được nguyên vẹn. Còn lại đa số biệt thự còn lại đã bị xuống cấp, biến dạng. Nếu dự thảo sửa đổi lần này cho chúng tôi được mua đứt, hay tham gia sửa chữa cải tạo các biệt thự đã thuê thì có lẽ tình trạng xuống cấp tại nhiều biệt thự của Hà Nội sẽ nhanh chóng được xóa bỏ. 

Sau 3 năm rà soát, từ tháng 2/2009 đến nay, thành phố đã đưa ra được những tiêu chí trùng tu, bảo tồn biệt thự do Pháp để lại, và mới đây Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã trình UBND thành phố dự thảo Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự do Pháp để lại.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Hoàng Tú, Trưởng Ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Vừa qua chúng tôi mới trình thành phố dự thảo quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự để xin ý kiến, trong đó điểm nổi bật nhất của dự thảo là việc xây dựng các cơ chế bảo tồn, và khuyến khích nhiều nguồn lực cùng tham gia bảo tồn và tư nhân nếu có nhu cầu cũng sẽ được xét là một đối tượng là chủ đầu tư để tham gia mua, và quản lý các biệt thự này.

Việc dùng vốn nhà nước để tham gia bảo tồn, thì cơ quan quản lý sẽ lập một kế hoạch cải tạo các biệt thự thì nhà nước sẽ xem xét đề xuất các cơ chế cho tổ chức được quyền tham gia bỏ tiền ra bảo tồn và đổi lại được cấp các giấy chứng nhận về nhà ở cho chủ đầu tư. Cụ thể, Sở Xây dựng sẽ đề xuất thành phố tạo cơ chế để người dân có thể tham gia hiệu quả nhất vào việc bảo tồn quỹ nhà, thông qua đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho người dân.

Cũng theo ông Hoàng Tú thì, để có căn cứ bảo tồn hàng trăm biệt thự trên, Hà Nội đã hoàn thành việc phân loại biệt thự thành bốn loại. Cụ thể, loại 1: là biệt thự có giá trị đặc biệt về văn hoá, kiến trúc, lịch sử, có quy mô lớn, vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên bản; Loại 2: biệt thự có vị trí đẹp, có giá trị về văn hóa, kiến trúc nhưng ít nhiều đã bị biến dạng, xuống cấp nhưng cần bảo tồn. Thành phố nghiêm cấm phá dỡ hai loại biệt thự trên. Trường hợp xuống cấp, không còn nguyên vẹn thì phục chế nguyên trạng không làm thay đổi kiến trúc ban đầu của biệt thự. Biệt thự loại 3 là có giá trị trung bình về văn hoá, kiến trúc, đã bị lấn chiếm, cải tạo một phần được xem xét bảo tồn hoặc phá bỏ xây mới; Còn biệt thự loại 4 đã bị phá bỏ, xây nhà mới.

Cần một cơ chế phù hợp!

Đáng chú ý, trong số gần một nghìn biệt thự trên thì số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm đến 80%; trong khi số lượng biệt thự còn nguyên trạng chỉ chiếm tỷ lệ 15%; số lượng biệt thự đã phá đi, xây dựng mới chiếm tỷ lệ 5%. Vì thế nhiều ý kiến được hỏi đều cho rằng, vấn đề được cho là “rối” nhất hiện nay trong công tác quản lý biệt thự cổ là những ý kiến trái chiều trong việc bán, không bán, giữ gìn như thế nào, ai sở hữu…

Theo ông Trần Duy Hòa, một hộ dân sinh sống trong biệt thự cổ trên đường Thi Sách (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Nếu Nhà nước giao cho nhân dân được quyền tham gia cải tạo, sửa chữa các biệt thự cổ thì đây cũng là một giải pháp làm giảm các biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên các nhà quản lý nên xem xét kỹ đến những quyền lợi và trách nhiệm của những chủ đầu tư, bởi khi tư nhân tham gia sửa chữa nếu kiểm soát không kỹ thì nhiều biệt thự sẽ mất đi giá trị kiến trúc của nó.

Được biết, theo Quy chế mới lần này thì chủ trương của thành phố Hà Nội là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phục hồi quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố. Đối với những nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện lập phương án di chuyển các hộ dân sống ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, trùng tu, bảo trì nhà biệt thự theo quy định.

Đối với một số biệt thự có nhiều hộ dân sinh sống đã có chủ đầu tư chủ động mua và GPMB nhưng vẫn còn vướng mắc gây khó khăn cho chủ đầu tư như phần diện tích đất xen kẹt do nhà nước chưa bán hoặc định giá thị trường cao. Những vướng mắc này sẽ được giải quyết sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết mới về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, đối với những biệt thự có vị trí đẹp, có giá trị lớn về văn hóa, kiến trúc nhưng đang do nhiều người dân cùng sở hữu thì tạo điều kiện cho tư nhân mua gom, từ đó cải tạo, bảo tồn.

Vũ Chiến

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load