(Xây dựng) - Cách nội thành Hà Nội hơn 80km là xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam), nơi xảy ra câu chuyện cổ giữa hai làng Nội Rối và Quang Ốc. Từ câu chuyện đó mà có lời nguyền: “Con gái làng Quang Ốc mà lấy con trai làng Nội Rối thì chết 1 đời cha, 3 đời con”, vì thế, đến nay nam nữ hai làng không ai dám vượt qua để đến với nhau.
Câu chuyện đã xảy ra rất lâu, không có thần phả hay gia phả nào ghi lại nên chỉ được truyền miệng từ đời này qua đời khác, đến nay cũng đã được gần 400 năm. Bây giờ chỉ những người cao tuổi trong làng mới nhớ chính xác phần nào chuyện ngày ấy.
Tìm về làng Nội Rối, gặp ông Cao Văn Trạc (88 tuổi), được ông kể lại câu chuyện qua hồi ức cũ, được kể lại từ thời các cụ: “Ngày xưa, toàn là cha mẹ mai mối cho con cái chứ nào có tự tìm hiểu rồi yêu nhau tự do như bây giờ. Người ta chọn vợ chọn chồng cho con chủ yếu là môn đăng hộ đối.
Lúc ấy, con gái của trưởng bạ (cán bộ làm công tác địa chính bây giờ - PV) làng Quang Ốc lấy con trai của trưởng bạ làng Nội Rối. Vào một ngày, cả hai ông đều mang sổ sách ra phơi, ngày đó gọi là sổ tước bạ, ghi lại diện tích đất đai của từng làng.
Ông Cao Văn Trạc đang kể lại câu chuyện cổ của hai làng.
Hồi ấy, làng Nội Rối ít ruộng đất nên trưởng bạ làng này âm mưu cướp đất của làng Quang Ốc. Ông nói con dâu về lấy trộm sổ tước bạ của bố đẻ, nói là xem để học hỏi cách quản lý đất, nhưng sau khi nắm được trong tay, ông lại thay đổi sổ để chiếm đoạt là một mảnh đất khoảng 20 mẫu, sau đó là lấy tất cả đất của làng Quang Ốc.
Làng Quang Ốc mất đất đâm đơn kiện, nhưng sổ sách đã bị làm lại, phần đất ấy không có chứng cứ để chứng minh thuộc quyền sở hữu của làng nên bị mất trắng vào tay làng Nội Rối. Từ đó, hai làng xảy ra xích mích, chức sắc làng Quang Ốc họp nhau ở đình và quyết định đóng 1 cây đinh vào cột để đặt dấu mốc cho lời nguyền nhân duyên hai làng.”
Đến nay, câu chuyện vẫn được truyền lại qua bao thế hệ của hai làng, nhắc nhở về quá khứ và lời nguyền, và vì nguyên nhân này mà đã lâu rồi, trai gái hai làng có thương thầm nhớ trộm nhau cũng không dám đến với nhau, hoặc sẽ bị người lớn phản đối.
Ông Trạc cho biết thêm: “Tôi lo lắng về lời nguyền nên nếu con cháu ông có ý định lấy người làng Quang Ốc, tôi cũng không đồng ý. Nếu hạnh phúc thì không sao, nhỡ có xảy ra chuyện gì không hay, gia đình không êm ấm, hòa thuận thì sẽ bị mang tiếng.”
Nhiều năm trôi qua, tuy tình cảm nam nữ bị ngăn cấm nhưng tình bạn bè vẫn được duy trì rất tốt đẹp và không xảy ra xích mích hay điều tiếng gì.
Rời làng Nội Rối, sang làng Quang Ốc, ngay đầu làng là đình, không giống những nơi khác, đình không đặt ở giữa làng. Ông Trần Đại Cải (63 tuổi) là người trông coi dọn dẹp đình, nói: “Theo các cụ kể lại, vào chính cái đêm dân làng đắp con đường đất làm ranh giới, đình làng cũng được tháo dỡ chuyển ra đầu làng, để ngăn cản làng Nội Rối cướp đất.”
Ông Cải nói về đình làng Quang Ốc.
Chia sẻ về chiếc đinh đóng cột thay cho lời nguyền năm xưa, ông cho biết: “Chuyện này chỉ các cụ chức sắc trong làng thời xưa mới biết chắc chắn được, chứ tôi cũng là nghe kể lại, không biết rõ ngọn ngành thế nào. Theo tôi đoán, chiếc đinh ấy phải là đinh tre để tránh han gỉ theo thời gian, và nó phải được đóng vào 4 cái cột trụ chính trong đình. Các cụ có thể đóng gập đinh và sâu để không ai tìm thấy và cũng không nhổ ra được.”
Bốn cái cột đình nơi ông Cải dự đoán cái đinh được đóng.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là dự đoán. Để biết rõ hơn về việc này, PV tìm gặp ông Nguyễn Văn Cửu (97 tuổi), là người cao tuổi nhất làng Quang Ốc còn minh mẫn và nhớ chi tiết câu chuyện. Ông bảo: “Muốn hoá giải lời nguyền, phải nhổ chiếc đinh ra, tuy giờ không còn quan trọng nhưng chắc chắn các già làng ở đây sẽ không cho phép. Đây là lời của tổ tiên để lại, không ai dám làm trái.”
Ông Cửu (phải) cùng con trai đang kể lại câu chuyện.
Anh Nguyễn Văn Tiến (59 tuổi), con trai ông Cửu, đã được nghe bố kể lại, anh nói: “Chiếc đinh ở hàng cột thứ hai, đầu phía Tây Nam sau hậu đình.”
Anh Tiến vẽ phác về vị trí của chiếc đinh.
Mỗi người một ý kiến, và không ai biết chính xác và dám chắc về lời nói của mình, vì không ai được chứng kiến tận mắt chuyện này. Chỉ biết rằng đến nay, lời nguyền vẫn còn sức mạnh rất to lớn và trai gái 2 làng không ai dám xóa bỏ lời nguyền để đến với nhau.
Lê Giang
Theo