(Xây dựng) - Để đảm bảo quyền lợi của cả Chủ đầu tư và khách hàng, một hợp đồng mẫu do Nhà nước ban hành trong giao dịch bất động sản đã được đưa ra bàn luận từ lâu nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong giao dịch bất động sản ngày càng nhiều hiện nay và khó có phương án giải quyết dứt điểm.
Khách hàng biểu hình phản đối tại một dự án BĐS.
Tranh chấp xảy ra khách hàng thường chịu thiệt
Hiện nay, lượng giao dịch bất động sản ở hai căn hộ chung cư, đất nền là rất lớn trên thị trường. Nhưng kéo theo đó tranh chấp xảy ra từ những giao dịch này ngày một nhiều và có chiều hướng phức tạp hơn. Một trong những nguyên nhân khiến tranh chấp xảy ra và khó giải quyết là do hợp đồng ký kết của Chủ đầu tư và khách hàng chưa thực sự đầy đủ, minh bạch về quyền lợi nghĩa vụ của các bên.
Hiện nay, khi ký kết hợp đồng mua bán bất động sản khách hàng thường chỉ quan tâm đến giá thành, diện tích, vị trí, uy tín của chủ đầu tư… ít khi xem xét những điều khoản trong hợp đồng ký kết. Không chỉ với các giao dịch có giá trị lớn như mua bán bất động sản mà với mọi giao dịch hợp đồng chính là căn cứ quan trọng nhất xác lập quyền và nghĩa vụ giữa bên bán và bên mua.
Bên bán thường là bên nắm lợi thế khi soạn hợp đồng. Ít có khả năng khách hàng, người mua nhỏ lẻ có thể sửa các điều khoản hợp đồng. Vì lí do đó, khi có tranh chấp hoặc người mua muốn khiếu nại, thì thế yếu thường thuộc về người mua. Trong nhiều trường hợp chủ đầu tư hay đơn vị môi giới có mục đích xấu ngay từ đầu thì thiệt hại cho khách hàng là khó tránh.
Cần thiết ban hành hợp đồng mẫu trong giao dịch bất động sản
Không thể phủ nhận sự nhanh gọn, tiện lợi của những hợp đồng mẫu do Chủ đầu tư soạn thảo như tiện cho cả bên mua đến bên bán, không mất công soạn thảo hợp đồng, đàm phán các điều khoản. Nhưng khi xảy ra tranh chấp bên thiệt thòi thường là bên mua với những điều khoản rất yếu trong hợp đồng bảo vệ lợi ích khách hàng.
Khi các Cty soạn thảo hợp đồng mua bán căn hộ, bất động sản luôn có sự tham vấn từ các văn phòng, Cty luật, trong trường nếu có tranh chấp xảy ra nghĩa vụ của Cty là thấp nhất và đương nhiên kéo theo đó là bên mua sẽ phải gánh chịu.
Nguyên tắc của giao kết hợp đồng thì hai bên A và B là bình đẳng thỏa thuận, hai bên A và B không nhất thiết phải ký kết theo hợp đồng mà Chủ đầu tư đưa ra mà có thể đàm phán thỏa thuận sau đó là soạn thảo các điều khoản của hợp đồng với mục đích đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng.
Theo một chuyên gia đàm phán hợp đồng: “Với những hợp đồng có giá trị lớn, khi ký kết, khách hàng rất cần có luật sư hoặc chuyên gia tư vấn vì trong những hợp đồng mẫu trách nhiệm của bên bán là rất ít”.
Trong trường hợp bên bán vẫn nhất quyết giao kết hợp đồng theo mẫu phía Cty soạn thảo sẵn thì khách hàng vẫn có thể soạn thảo thêm phụ lục hợp đồng với mục đích đảm bảo quyền lợi của bản thân, vị chuyên gia này chia sẻ thêm.
Ở một số quốc gia trên thế giới, hai bên giao kết chỉ cần sử dụng hợp đồng mẫu do nhà nước ban hành để ký kết hợp đồng. Nó bảo vệ quyền lợi của cả bên bán và người mua. Nếu có xảy ra tranh chấp, cả hai bên và cơ quan thực thu pháp luật đều dễ giải quyết.
Thực tế, nước ta nhiều lần ban hành hợp đồng mẫu, nhưng đều không thực hiện được do các quy định luật pháp chưa nhất quán, các chính sách về tín dụng ngân hàng, bảo lãnh thế chấp thay đổi quá nhanh. Các hợp đồng mẫu chưa được nghiên cứu thấu đáo, vừa ban hành ra đã lạc hậu.
Hợp đồng không phải yếu tố duy nhất để làm căn cứ xác định quyền lợi và nghĩa vụ của Chủ đầu tư và khách hàng nhưng đây vẫn là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vì vậy, khách hàng khi đã bỏ ra một khoản tiền lớn để mua hàng cần có những biện pháp cần thiết để đề phòng và bảo vệ túi tiền, thời gian của chính mình.
Thanh Bút
Theo