Thứ ba 16/04/2024 13:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lời ca theo cánh sóng Trường Sa

09:36 | 21/01/2020

(Xây dựng) - Trường Sa yêu thương là ca khúc mới được bổ sung vào tập các bài hát về biển đảo quê hương như một món quà ý nghĩa nhân dịp đón năm mới 2020 và Tết cổ truyền Canh Tý, thay lời tri ân, lòng cảm phục gửi tới các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, đặc biệt những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Trường Sa. Hy vọng ca khúc được chia sẻ để lan tỏa tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

loi ca theo canh song truong sa

Lưu luyến trước cầu cảng Trường Sa

Đứng ở cầu cảng Trường Sa nhìn những hàng cây ngút ngát nơi đây, chúng tôi thêm yêu quần đảo Trường Sa, thêm tự hào yêu quý mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mình, bởi các chiến sĩ và nhân dân đang sống, chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió vì sự bình yên và giàu đẹp của đất nước. Phút chia tay bịn rịn và lưu luyến, những cái ôm, cái bắt tay siết chặt, hẹn ngày gặp lại Trường Sa. Các chiến sĩ và nhân dân tiễn đoàn công tác ra tận cầu cảng, họ xếp thành hàng dài vẫy tay thật lâu, chào tạm biệt đoàn trước khi tiếng còi tàu hú vang rời bến. Tiếng hô đồng thanh dưới cầu cảng “Trường Sa vì cả nước” và trên boong tàu chúng tôi đáp lại “Cả nước vì Trường Sa”, “Trường Sa vì cả nước”, “Cả nước vì Trường Sa”...

Đó là cảm xúc của chúng tôi trong chuyến công tác dài ngày lênh đênh trên biển khơi ra thăm chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong tôi, có lẽ đây là chuyến công tác đặc biệt nhất, nhiều trải nghiệm, nhiều kỷ niệm trong cuộc đời làm báo và đó cũng là cảm xúc chung của hơn 200 cán bộ thành viên trong đoàn công tác Trường Sa 11. Kỷ niệm sẽ không bao giờ quên là những ngày đêm được sống tập thể, không vướng bận việc cơ quan, việc gia đình được sinh hoạt tập thể bên nhau trong suốt hành trình trên con tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-491. Tất cả chúng tôi dành tình cảm cho biển đảo, cùng chung cảm xúc về Trường Sa thật yêu thương. Đó là sự nể trọng cảm phục sự hy sinh kiên cường vượt qua gian khó thiếu thốn về vật chất, tinh thần của những người lính đảo ngày đêm canh giữ biển trời; nơi mảnh đất thiêng liêng đầu sóng, ngọn gió trước sự hiểm nguy rình rập của kẻ thù.

Phút linh thiêng giữa biển khơi

Được dự lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa được tổ chức trang trọng ngay trên sân tàu KN-491; giữa một vùng trời biển bao la, nơi tàu hạ neo xung quanh là các đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao. Trước đây 3 đảo này được cho là thế chân kiềng vững chắc hỗ trợ lẫn nhau, giờ thì Gạc Ma đã bị phía Trung Quốc chiếm giữ. Cho nên đảo Cô Lin và Len Đao ngày đêm phải cảnh giác, chong mắt dõi theo phía đảo Gạc Ma vì ở đó có nhiều tàu chiến của Trung Quốc thường xuyên qua lại. Trên sân tàu, lúc đó vào 7h30 sáng, Thiếu tướng Chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều - Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân Việt Nam đang đọc bài điếu thì bầu trời trĩu nặng, mây đen kéo đến bỗng nhiên đổ mưa. Xếp thành hàng, lần lượt từng người lên thắp hương trên mân lễ vật gồm hoa, quả được đặt trên tấm xốp bọc kín bằng ni lông, ai cũng rưng rưng uất nghẹn và càng căm giận quân Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép đảo Gạc Ma của chúng ta.

Sau bài điếu, các lãnh đạo của đoàn cùng nhau hạ mân lễ vật thả xuống biển khơi, mọi người trong đoàn mỗi người cầm một bông hoa cúc vàng, một con chim hạc giấy thả xuống biển, tung lên trời nhờ biển xanh chuyển đến linh hồn cầu mong siêu thoát cho 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh anh dũng tại trận thảm sát của quân Trung Quốc ngày 14/3/1988. Thi thể của Thiếu úy Trần Văn Phương và một số anh em khác đã được đồng đội lúc bấy giờ mang về chôn cất ngay trên sân đảo Sinh Tồn. Giờ thì hài cốt của các anh đã được Quân chủng Hải quân chuyển về địa phương, nhưng máu và xương của hơn hơn 50 anh em giờ vẫn còn nằm lại đâu đó dưới lòng biển sâu giá lạnh Gạc Ma. Cho nên ngay khi đặt chân lên đảo Sinh Tồn, việc đầu tiên của chúng tôi là tới thắp hương tại chùa; vì ở đó không chỉ thờ các bậc thánh hiền mà còn có tấm bia khắc tên 64 liệt sĩ Hải quân hy sinh anh dũng trong trận chiến Gạc Ma.

“Gạc Ma sóng đỏ bình minh/ Cô Lin hoa thơm trôi vào nước mặn/ Nhớ thương anh sống mũi cay cay/ Bóng ai đi về cánh hạc chân mây”.

loi ca theo canh song truong sa
Tác giả bài báo giới thiệu với các chiến sỹ Hải quân về Báo Xây dựng.

Thăng hoa trong cảm xúc

Trở lại đất liền nhà báo Nguyễn Huy Toàn - người bạn đồng hành cùng tôi trong chuyến ra đảo đã gửi cho tôi bài thơ có tựa đề “Nói với em về Trường Sa”. Trong bài có câu: “Những đảo nổi, những đá chìm/ Gọi tên đã thấy bồi hồi con tim…” hoặc “Em ơi ra đảo một lần/ Để lòng ta thấy thêm gần Trường Sa”.

Tôi đọc và đồng cảm xúc với anh, nên gọi điện thoại trao đổi với anh Toàn mặc dù đó là giờ nghỉ trưa. Tôi nói với anh: “Bài thơ hay đấy. Nhưng để thành một ca khúc thì không thể bê nguyên cả bài thơ vào mà phải chọn lọc bổ sung từ để có khúc thức”. Anh Huy Toàn bảo: “Em cứ sửa đi sao cho hợp lý, ra được bài hát thì vui quá”. Ca khúc được chia làm hai đoạn, đoạn đầu là tự sự tâm tình theo giai điệu du dương làn sóng biển; đoạn hai là điệp khúc cuốn lên cao trào thể hiện tình cảm da diết, dâng trào hơn đối với tình yêu biển đảo.

Trước đó, tôi đã sáng tác một số bài hát nội dung trữ tình về Mẹ, về cô giáo và tình yêu… còn về biển đảo thì đây là lần đầu tiên. Tôi biết, đã có nhiều ca khúc của các nhạc sĩ có tên tuổi viết về Trường Sa… nên suy nghĩ là làm sao bài hát của mình không được giống giai điệu của người khác, cảm xúc phải là của mình. Tôi tự nhủ mình như thế.

Vậy là bản thảo đặt lên, đặt xuống, lại chỉnh sửa… mong muốn khi đứa con tinh thần của mình sinh ra được cộng đồng đón nhận, lan tỏa tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Lan tỏa tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền

Ca khúc Trường Sa yêu thương ra đời với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Dương Đức Thụy (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) trong phần hòa âm phối khí và ca sĩ Hoài Phương (giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương). Ca khúc đã nhận được nhiều sự quan tâm chia sẻ của bạn bè, người thân và các đồng nghiệp, đặc biệt là sự khích lệ động viên của Tổng biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng.

Thật vui, trong buổi Tổng kết chương trình “Bình chọn Thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng lần thứ III/ 2019” truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội, ca khúc Trường Sa yêu thương đã được vang lên qua phần biểu diễn rất thành công của ca sĩ Hoài Phương đã cuốn hút người nghe, lan tỏa nhiều cảm xúc về tình yêu biển đảo đối với mọi người.

Ngay sau khi bài hát xuất hiện, nhạc sĩ Tuấn Phương - nguyên Phó trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam; Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Tiếng hát Sao Mai của đài nhận xét: “Chúc mừng em. Đây là bài hát hay. Tuy nhiên, để bài hát hay hơn cần phải chỉnh sửa khúc thức một chút, tránh bị rườm rà”. Còn bà Nguyễn Thanh Thọ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn GTVT có cảm nhận: “Trường Sa yêu thương là một bài hát có trải nghiệm về thực tế và trải nghiệm về kỹ năng xử lý ca khúc. Bài viết xúc động, nhất là đối với những ai đã từng ra Trường Sa, đặc biệt những thành viên trong đoàn công tác. Cảm ơn nhà báo Tào Khánh Hưng về ca khúc đã hiệu triệu tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta”.

Trường Sa yêu thương đó là những ca từ theo cánh sóng giữa biển trời bao la, gắn với những địa danh mà Đoàn công tác Trường Sa 11 đã dừng chân với tình cảm dạt dào da diết, có lúc lại sục sôi khẳng định chủ quyền. “Trường Sa quần đảo linh thiêng/ Giữa biển khơi, ngàn trùng sóng gió/ Trường Sa mảnh đất của ta/ Mưa giông bão tố kiên cường Trường Sa”.

Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần lắm vì Trường Sa luôn trong mỗi trái tim của hơn 90 triệu con dân đât Việt. Hy vọng ca khúc Trường Sa yêu thương sẽ lan tỏa là lời hiệu triệu tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.

loi ca theo canh song truong sa
Ca sỹ Chu Hoài Phương, Giảng viên khoa Thanh nhạc ĐHSP Nghệ thuật TW thể hiện ca khúc Trường Sa yêu thương trong chương trình Vinh danh Thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng lần thứ III/ 2019.

Hà Nội, ngày 02/01/2020

Hà Lan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load