Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của loài ngựa mà hình tượng con ngựa trong văn hóa Đông hay Tây luôn đại diện cho những gì đẹp đẽ, nhưng cũng có những điểm khác nhau.
Ngựa vốn là loài vật gắn bó với con người. Nó nằm trong “lục súc” - 6 loại gia súc nuôi trong nhà như ngựa, trâu/bò, cừu/dê, chó và lợn. Trước khi kết thúc thời đại đồ đá mới, các cư dân Á Đông đã thuần hóa thành công 6 loại gia súc này trước tiên.
Ngựa là con vật thông minh, khôn ngoan, sống gần người và được con người yêu quý. Trong đời sống vất vả, ngựa không chê chủ nghèo mà luôn trung thành, cần mẫn lao động với chủ. Khi xông pha trận mạc, ngựa lại kề vai sát cánh, cùng chung sinh tử với chiến binh.
Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của loài ngựa mà hình tượng con ngựa luôn đại diện cho những gì đẹp đẽ. Ngựa vừa có dáng vẻ đẹp đẽ, tính cách mạnh mẽ, sức lực sung mãn, vừa có đức tính trung thành, tình nghĩa thủy chung.
Ở các nước phương Tây, ngựa ứng với cung “Nhân Mã” - cung thứ 9 trong 12 cung Hoàng đạo. Về cung này, có khá nhiều truyền thuyết, tất cả đều nhấn mạnh vào sự dũng mạnh, thiện chiến. Như truyền thuyết kể rằng những chiến binh huyền thoại xưa kia sau khi hoàn tất sứ mệnh của mình sẽ bay lên trời, hóa thân vào chòm sao Nhân Mã.
Hình một cung thủ người ngựa, tay giương cung tên, còn được cho là tượng trưng cho vị thần Chiron, người đã truyền dạy cách chiến đấu cho nhiều anh hùng trong thần thoại Hy Lạp. Cũng có truyền thuyết nói rằng Nhân Mã là chòm sao được Thần Dớt tạo ra từ con ngựa thần có cánh Pegasus sau khi nó hoàn tất sứ mệnh giúp người anh hùng Hy Lạp Bellerophon thắng trận.
Truyền thuyết Hy Lạp cổ đại có kể về 12 kỳ công của Héc-quyn, trong đó có 2 kỳ công liên quan đến ngựa là thuần phục đàn ngựa cái của Diomedes - vua trị vì xứ Thracia và dọn chuồng ngựa của vua Augeas.
Bốn con ngựa trong sách khải huyền của thần thoại Kitô giáo biểu tượng cho sự chinh phục, chiến tranh, nạn đói và cái chết.
Với người phương Đông, ngựa cũng gắn với nhiều truyền thuyết về trận mạc, giữ gìn bờ cõi, bảo vệ non sông. Như trong truyền thuyết “Thánh Gióng” của Việt Nam có hình ảnh ngựa sắt. Trong truyện “Tây Du Ký” của Trung Quốc có hình ảnh ngựa Bạch Long Mã hay trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có ngựa Xích Thố… Triều Tiên có truyền thuyết về ngựa thần Chollima (Thiên Lý Mã) sở hữu đôi cánh sải rộng.
Ở cả hai nền văn hóa, người ta đều coi ngựa là biểu tượng của lòng trung thành, sự phóng khoáng, vượt ra khỏi những giới hạn kiềm tỏa để vươn tới những điều lớn lao, ý nghĩa. Ngựa cũng là chủ đề khơi gợi nhiều nguồn cảm hứng trong thơ ca, nghệ thuật. Ở cả phương Đông và phương Tây, người ta có thể thấy có nhiều thơ phú, nhạc họa sáng tác dựa trên hình ảnh ngựa.
Nếu xét kỹ hơn, hình ảnh ngựa trong hai nền văn hóa Đông - Tây vẫn chứa đựng nhiều nét khác biệt.
Nổi tiếng nhất trong truyền thuyết phương Tây là hình ảnh “Con ngựa thành Troy” của thần thoại Hy Lạp - con ngựa gỗ đã giúp quân Hy Lạp dành chiến thắng trước đội quân thiện chiến của thành Troy (ngày nay là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ).
Có lẽ chính nhờ hình ảnh này mà người phương Tây thường gắn loài ngựa với những điều đẹp đẽ như khả năng chinh phục, vinh quang, chiến thắng... Những người sinh ra dưới chòm sao Nhân Mã vì vậy được cho rằng thiên bẩm đã là người có khả năng “tác chiến” độc lập, giàu tính sáng tạo, thể lực - trí lực dồi dào, dễ đạt tới đỉnh cao...
Theo quan niệm của người phương Đông, ngựa tượng trưng cho tính dương, đại diện cho hành Hỏa trong Ngũ hành. Vì vậy, ở một số quốc gia, ngựa tượng trưng cho mặt trời tỏa sáng.
Xưa kia, ngựa còn được sử dụng rất nhiều khi binh lính ra trận. Những vị danh tướng trong các truyện truyền thuyết luôn có ngựa hay. Quan hệ giữa chủ nhân và ngựa không khác gì đôi bạn thân, cùng nhau vào sinh ra tử, xông pha trận mạc. Bên cạnh chiến binh, ngựa được coi là chiến mã, tượng trưng cho sự dũng mãnh, thần tốc và lòng kiêu hãnh.
Trong cuộc sống đời thường, ngựa giúp con người lao động, làm những việc nặng nhọc như thồ hàng, kéo xe, thậm chí bần cùng, ngựa có thể thay trâu bò kéo cày. Ngựa chuyên dùng để di chuyển ở những nơi hiểm trở, khó đi… Vì vậy, ngựa đối với người phương Đông còn là biểu tượng của lòng trung thành, sự kiên trì, nhẫn nại và cần mẫn.
Người Á Đông dùng 12 con giáp để làm lịch. Ngựa hay Ngọ là con giáp thứ 7 trong 12 con Giáp. Câu chúc “chuẩn” nhất cho năm Ngọ là “Mã đáo thành công” (Có ngựa ắt sẽ thành công).
Người Trung Quốc còn có câu chuyện cảm động về ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường. Khi Quan Công mất, Xích Thố bỏ ăn, không cho ai cưỡi lên lưng. Cuối cùng, nó chết để tỏ lòng trung thành với chủ.
Theo quan niệm của người Trung Quốc nói riêng và người Á Đông nói chung, những người sinh ra trong năm Ngọ tính tình phóng khoáng, rộng rãi, thông minh, nhanh nhẹn, trung thực, cần mẫn, nhẫn nại. Gặp việc gì cũng thường bắt tay làm ngay, không chần chừ do dự nhưng chính sự nhanh nhẹn đó lại cấu thành nên điểm yếu nóng vội.
Ở Việt Nam, câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng và đặc sắc nhất về ngựa là hình ảnh ngựa thần của Thánh Gióng. Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa thần bay lên trời tượng trưng cho sự tự do, bất khuất, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường.
Trong điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh, hình ảnh những chú ngựa phi nước đại cũng thường xuyên trở thành đề tài sáng tác bởi hình ảnh này rất truyền cảm hứng, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về sự dũng mãnh, khí thế.
Tuy vậy, trong một số nền văn hóa, vẫn có những truyền thuyết không đẹp về loài ngựa. Như thần thoại ở các nước Bắc Âu có con ngựa nước, hình thù giống với hà mã, tên là Kelpie. Kelpie có màu trắng, thoạt nhìn giống với bạch mã nên nó lừa được nhiều người leo lên cưỡi. Khi đã cưỡi lên lưng con ngựa nước này rồi, con người sẽ bị nó đưa đến vùng nước sâu và ăn thịt.
Trong khi đó, truyện dân gian Philippines lại kể về con quái vật người ngựa Tikbalang thường ẩn nấp trong rừng sâu, đêm tối thì tới các bản làng cướp bóc, rình bắt phụ nữ, trẻ em…
Theo Dantri
Theo