(Xây dựng) - Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi biết tin trong những năm tới, Việt Nam phải nhập khẩu than làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Mà nhập không hề ít. Năm 2015, theo dự báo Việt Nam thiếu hụt 4 triệu tấn than cần nhập khẩu. Những con số tiếp theo là 42 triệu tấn cho năm 2020, khoảng 57 triệu tấn cho năm 2025 và 127 triệu tấn cho năm 2030.
Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tìm thị trường và nhập khẩu thí điểm để tìm ra phương án tối ưu. Theo đó, sớm nhất, 2016, ngành than sẽ phải nhập khoảng 6-7 triệu tấn than để phục vụ sản xuất điện.
Được giao nhiệm vụ là một chuyện, còn việc các chủ đầu tư nhà máy điện có mua than của Vinacomin không lại là chuyện khác, một khi giá nhập khẩu rẻ hơn giá trong nước.
Trong cuộc thông tin với báo chí mới đây, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết: "Hiện nhiều ngân hàng được các con nợ là các mỏ than ở Indonesia và Úc đến chào bán than cho chúng tôi với giá thấp". Thông tin ấy đồng nghĩa với việc dự báo những thách thức không nhỏ đối với Vinacomin.
Trước đây, theo điều hành của Chính phủ, có thời gian EVN nợ Vinacomin tới 2.000 tỷ đồng và mua than theo giá “thấp hơn giá thành” như ông Nguyễn Văn Biên - Phó TGĐ Vinacomin đã nhiều lần khẳng định. Đấy là với “của nhà trồng được”. Còn với than nhập khẩu thì không thể.
Với nền kinh tế hội nhập và chủ trương thị trường hóa thị trường năng lượng, việc nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm là con đường sống còn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với Vinacomin, điều này không hề dễ dàng.
Nhiều người hẳn còn nhớ trong kỳ họp Quốc hội gần đây, ông Trần Xuân Hòa, khi ấy đang là Chủ tịch HĐQT Vinacomin, cho biết, Vinacomin đang phải gánh từ 40 đến 50 nghìn lao động dôi dư, có thể cắt giảm. Tính sơ bộ, với mức lương bình quân 7,2 triệu đồng/người/tháng, thời điểm đó, mỗi năm Vinacomin đang lãng phí trên 3.400 tỷ đồng cho những lao động không thật sự hiệu quả. Gánh nặng này khó có thể trút bỏ trong ngày một ngày hai.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho biết, với cung cách quản lý hiện tại, Vinacomin đang gặp nhiều thách thức về vốn liếng, về công nghệ, về năng lực quản trị… để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, bởi hiện nay, chi phí khai thác than của một số đơn vị trực thuộc đã cao gấp 4 lần chi phí bình quân của thế giới.
Vì thế, nói lo than cho điện chưa chuẩn chỉ lắm, mà đúng ra là lo cho ngành than của nước nhà!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo