Thứ bảy 20/04/2024 00:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lo ngại đổ vỡ giao dịch sổ đỏ khi giãn cách

13:20 | 16/09/2021

Khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 thì mọi hoạt động gần như phải thắt chặt. Trong đó, các giao dịch bất động sản trục trặc, không thể hoàn tất khiến nhiều người lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười" khi mua, bán nhà lúc này.

lo ngai do vo giao dich so do khi gian cach
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội ở đường Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân - ảnh chụp sáng ngày 15.9). Ảnh: Cao Nguyên

Lo lắng mất tiền đặt cọc

Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội ở đường Hoàng Minh Giám trong những ngày giãn cách vắng vẻ, yên tĩnh khác xa với những ngày bình thường. Tại đây, theo ghi nhận của PV Lao Động vào ngày 15.9 chỉ lác đác một vài người đến làm các thủ tục giao dịch thiết yếu.

Trong bối cảnh Hà Nội cách ly toàn xã hội để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, các giao dịch bất động sản cũng phải tạm hoãn, kéo theo rất nhiều tình huống dở khóc dở cười trong việc mua, bán nhà.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Công Thế (nhà ở Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vào giữa tháng 7 anh đã đặt cọc 200 triệu đồng để mua căn nhà ở đường Vũ Tông Phan, phường Khương Đình. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc xong và đang làm dở các thủ tục khác thì Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo anh Thế, mặc dù đã thực hiện nộp tiền, ký hợp đồng mua bán công chứng, đóng thuế phí… nhưng đến thủ tục sang tên sổ đỏ thì đang “bị tắc” do Hà Nội đang thực hiện giãn cách. “Chúng tôi đã ký hợp đồng mua bán nhà nhưng thời hạn chỉ trong 2 tháng, trong trường hợp việc sang tên sổ đỏ vẫn không được thực hiện do giãn cách xã hội kéo dài, thì tôi lo ngại các thủ tục sắp tới sẽ có nhiều vướng mắc”, anh Thế nói thêm.

Trong khi đó, cũng bỏ ra 100 triệu đồng tiền cọc mua đất, anh Phùng Văn Chiến (sống tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết, anh đang "khóc dở mếu dở" vì không thể hoàn tất giao dịch mua đất. Là một người thường xuyên đi mua đất ở tỉnh lẻ, anh đã xuống tiền cho lô đất gần 100m2 tại trung tâm thành phố Bắc Ninh. Theo hợp đồng, ngày 20.9 anh phải nộp nốt số tiền mua đất. Tuy nhiên, anh và vợ không thể gặp gỡ đối tác để ký kết, hoàn tất giao dịch. “Tôi đang mong hết thời gian giãn cách và cũng phải thương lượng với chủ đất để thông cảm cho việc này”, anh Chiến chia sẻ.

Theo anh Chiến, vì không phải tất cả địa phương đều giãn cách xã hội nên rất nhiều người sẵn sàng mua miếng đất của anh do vị trí đắc địa. Vì thế, nếu chủ đất không thông cảm, họ có quyền không cần chờ và hủy cọc, bán sang cho người khác. Họ cũng không phải trả lại số tiền đặt cọc ban đầu cho khách.

Liên quan tới vấn đề này, chị Vũ Huyền Thu - một nhân viên ngân hàng đang làm việc tại Hà Nội cũng cho biết, nhóm khách hàng của chị cũng rơi vào tình trạng chưa thể thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo chị Thu, các trường hợp như trên là không nhiều.

"Các trường hợp còn đang bị kẹt trong việc sang tên sổ đỏ là nằm ở giai đoạn trước và gần sát với thời gian Hà Nội bắt đầu giãn cách. Cá nhân tôi thấy, nếu Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn tiếp tục xử lý hồ sơ giải chấp, thế chấp ngân hàng, thì cũng cân nhắc thực hiện giải quyết các trường hợp sang tên sổ đỏ", chị Thu nói.

Lên kế hoạch để xử lý

Theo tìm hiểu của PV, có nhiều trường hợp tới Phòng đăng ký quản lý đất đai để làm hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng văn phòng chỉ làm các thủ tục giải chấp và thế chấp ngân hàng. Việc sang tên sổ đỏ sẽ thực hiện sau khi dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị số 17 của UBND TP Hà Nội.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trong thời gian giãn cách đang được thực hiện theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23.7.2021 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Hiện nay, tại bộ phận "một cửa", người dân vẫn thực hiện nộp giãn cách các thủ tục hành chính thiết yếu.

Theo ông Nam, các giao dịch chuyển nhượng, sang tên sổ đỏ là những giao dịch biến động. Theo Chỉ thị 17 trên, Sở chỉ nhận hồ sơ liên quan các giao dịch bảo đảm, còn hồ sơ các giao dịch biến động sẽ không được tiếp nhận.

“Dự kiến sau ngày 21.9 Hà Nội có thể nới lỏng nên chúng tôi cũng đang lên phương án để đảm bảo vừa chống dịch, vừa giải quyết cho người dân một cách nhanh nhất. Bởi lẽ, gần hai tháng thực hiện giãn cách nên có hồ sơ tồn đọng hơn nữa nhu cầu về giao dịch này chắc chắn sẽ nhiều nên phải có kế hoạch cụ thể”, ông Nam nói thêm.

Trước việc này, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - cho rằng, không chỉ các thủ tục hành chính thiết yếu như khai sinh, khai tử… mà các thủ tục sang tên quyền sử dụng nhà đất (sổ đỏ) cũng cần được coi là dịch vụ thiết yếu. Bởi, nó cũng liên quan đến đời sống dân sinh, an ninh trật tự xã hội và gắn với quyền, nghĩa vụ của người dân.

Theo vị luật sư này, việc không thực hiện các thủ tục sang tên sổ đỏ trong thời gian Hà Nội giãn cách vô tình có thể đưa người dân có nhu cầu sang tên quyền sử dụng đất vào thế vi phạm hợp đồng, gây ra sự kiện tụng tranh chấp.

Trước đó, ngày 27.7, UBND TP.Hà Nội ban hành Văn bản số 2398/UBND-KSTT, triển khai một số biện pháp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Bộ phận "một cửa" các cấp để phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND TP yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội hoặc khi có thông báo mới.

CN

Theo Cao Nguyên/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load