Thứ sáu 19/04/2024 22:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lỗ hổng trong quản lý đất đai nhìn từ các đại án tham nhũng: Nhiều quy định vẫn nằm trên giấy

11:05 | 05/05/2021

Theo phân tích của ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, xử lý khó khăn hơn và thiệt hại lớn hơn. Nguyên nhân chủ yếu là người dân không thể thực hiện quyền giám sát của mình mà pháp luật đã quy định cho nên khó phát hiện ngay tham nhũng.

lo hong trong quan ly dat dai nhin tu cac dai an tham nhung nhieu quy dinh van nam tren giay
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Cao Nguyên

Tham nhũng vặt về đất vẫn chưa được xử lý

Việc xét xử các vụ án tham nhũng lớn về đất đai thời gian qua cho thấy, phần nhiều cán bộ quản lý cấp cao rơi vào vòng lao lý xuất phát từ việc thực hiện thẩm quyền quyết định về đất đai trái pháp luật, gây thất thoát “đất công”. Các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, xử lý khó khăn hơn và thiệt hại lớn hơn.

Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) - cho rằng, các vụ tham nhũng về đất đai thường có giá trị lớn và được tính toán thông qua quy trình định giá đất, cụ thể định giá đất lúc giao đất, cho thuê đất rất thấp, nhưng khi định giá lại theo giá trị thị trường lại rất cao. Theo ông Võ, điều này có nghĩa là định giá đất đang có vấn đề lớn, cần xem xét và đổi mới.

Vừa qua, chúng ta mới tập trung vào các vụ tham nhũng lớn liên quan tới thực hiện thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước, trong khi các hình thức tham nhũng vặt liên quan tới thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chưa được phát hiện và xử lý, những bức xúc của người dân về tham nhũng vặt vẫn chưa được giải tỏa.

Bên cạnh đó, tham nhũng về đất đai không chỉ xuất hiện trong khu vực nhà nước mà còn xuất hiện nhiều tại các dự án đầu tư phát triển bất động sản (BĐS) dưới dạng BĐS lậu (BĐS hình thành trên “đất công” trái quy hoạch, hình thành trên tầng cao không được phép) và BĐS “ma” (tự nhà đầu tư làm dự án trái phép để bán, người dân tự xây dựng nhà trên đất không đúng mục đích sử dụng). Có nhiều trường hợp BĐS lậu và “ma” đã được xử lý, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa được xử lý, có cả trường hợp đã bị phát hiện nhưng chậm hoặc không được xử lý. Với các dự án ma, ông Võ nói có thể kể đến vụ địa ốc Alibaba.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) để không xảy ra các vụ lừa đảo do dự án ma, những nhà đầu tư, những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý của các dự án đầu tư bất động sản xem tình trạng pháp lý của các lô đất mình sẽ nhận chuyển nhượng có được phép giao dịch hay không? Đó là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp, có thuộc đất nhà nước thu hồi để xây dựng công trình công cộng hay không? Nếu hồ sơ pháp lý của dự án không đầy đủ thì không nên nhận chuyển nhượng. Nhà đầu tư và khách hàng có thể liên hệ với cơ quan Nhà nước như UBND cấp huyện, Phòng TNMT cấp huyện để tìm hiểu về tình trạng pháp lý của các lô đất mà mình dự kiến mua để tránh mua phải lô đất không hợp pháp.

Nhiều quy định vẫn nằm trên giấy

Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ nhận định, những hành vi tham nhũng trong thực thi pháp luật, chính sách đất đai thường là: Chuyển đất đai là tài nguyên, quyền sử dụng đất là tài sản công thành đất đai có quyền sử dụng đất là tài sản tư nhân thông qua việc thu hồi đất (diện tích đất thu hồi nhiều hơn quy hoạch, thu hồi đất trái pháp luật, thực hiện thu hồi đất không đúng quy định); giao đất và cho thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường, thực hiện trái pháp luật; xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nói chung và trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất nói riêng nhằm trục lợi cá nhân.

Theo ông Võ, tất cả những hành vi thực thi trái pháp luật với ý đồ tham nhũng như vậy không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời là do không thực hiện tốt các quy định về quản trị đất đai đã được thể hiện tại một số điều của Luật Đất đai 2013. Cụ thể Luật Đất đai 2013 đã có Điều 199 nói về vai trò giám sát trực tiếp của người dân và Điều 200 về vận hành hệ thống giám sát đánh giá. Tuy nhiên đến nay, 2 điều này vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được đưa vào thực tế.

Ngoài ra, Luật 2013 còn thiếu một yếu tố nữa là về trách nhiệm giải trình. Hệ thống quản trị cần có 3 yếu tố: Một là sự tham gia của người dân vào giám sát và quản lý giám sát như quy định tại Điều 58 của Hiến pháp. Yếu tố thứ 2 là công khai minh bạch để người dân có thông tin để thực hiện giám sát. Yếu tố thứ 3 là trách nhiệm giải trình, sau khi có ý kiến giám sát của người dân thì các cơ quan Nhà nước cần phải có trách nhiệm thực hiện giải trình trước các ý kiến đóng góp của người dân.

Cơ quan Nhà nước có 2 thẩm quyền, thứ nhất là quyền quyết định về đất đai, đại diện cho quyền sở hữu của toàn dân để quyết định đất đai. Vai trò thứ 2 là quản lý về đất đai, tức là người giữ trật tự trong vai trò sử dụng đất. Rất nhiều vụ tham nhũng có liên quan đến đấu giá đất. Cũng cần nhìn nhận là việc đấu giá đất không phải ưu việt hoàn toàn. Nó sẽ dẫn tới những người có tiền sẽ được ưu tiên, nhưng sau đó sử dụng đất như nào thì không kiểm soát được. Vì vậy cần giao đất cho những người thực sự cần sử dụng đất này. Theo đó để phòng, chống tham nhũng liên quan đến đất đai, cần phải dựa vào phương thức kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan nhà nước được trao thẩm quyền ban hành quyết định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tổng kết thi hành Luật Đất đai

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Văn bản nêu rõ, ngày 29.12.2020, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-BCĐ về kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó đã phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Để công tác tổng kết thi hành Luật Đất đai đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo tổng kết về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo (UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành trước 15.5.2021; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành trước 30.6.2021). Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát các nội dung công việc nêu trong Quyết định số 548/QĐ-BCĐ để phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động và báo cáo theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Theo kế hoạch, tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các nội dung cơ bản như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập đó. Xuân Hải

Theo CAO NGUYÊN - HƯƠNG ÁNH/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load