(Xây dựng) - Trước ngày khánh thành công trình thủy điện cuối cùng trên đầu nguồn Sông Đà, chúng tôi có dịp trở lại Nậm Nhùn - Lai Châu, nơi mà người lính thợ Trường Sơn đã gắn bó 6 năm suốt từ ngày chuẩn bị công trường tháng 5/2010.
Khu nhà ở ban điều hành đã vắng bóng nhiều màu xanh áo lính thợ, duy chỉ có nếp sạch bóng từng gốc cây, từ phòng làm việc đến nơi ở vẫn được duy trì. Rặng xoài giống từ Sơn La theo lính thợ lên Lai Châu đã ba mùa kết trái. Xuân này chắc hẳn những bông hoa trắng xinh sẽ không còn làm bạn với người lính thợ nơi công trường nắng gió.
Đại tá Đào Văn Tuấn - Phó tư lệnh Binh đoàn 12, TCty Trường Sơn hồi hộp trở lại công trường, thăm lại những cột mốc, từng góc đập tràn nơi ông và đồng đội đã cùng gắn bó. Vị tư lệnh này vốn xuất thân từ kỹ sư thủy lợi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên với Thủy điện Hòa Bình từ thời trẻ. Gắn bó với các công trình thủy điện từ Hòa Bình, Sơn La rồi Lai Châu. Trong bữa cơm gặp mặt anh em ngày trở lại đại tá kể: Tớ vinh dự là người đã được gắn bó cả 3 công trình thủy điện lớn nhất nước đều nằm trên các bậc thang của Sông Đà. Hoàn thành công trình trọng điểm cuối cùng này, điện đã về với bà con Tây Bắc, thật khó kể hết những cảm xúc gắn bó của người lính thợ!
Trong lễ tổng kết chiến dịch thi đua liên kết của công trình, nghe kể về phút giây sinh tử trên công trường khổng lồ này. Từ năm 2011 tới nay, các cán bộ, công nhân đã phải đối mặt nhiều mốc tiến độ, với những nỗ lực lớn lao, những sáng tạo không ngừng. Làm thủy điện trước hết phải làm đê quai dẫn dòng sông sang hướng khác. Nhưng đê quai ở cả Sơn La và Lai Châu đều gặp hai con lũ rất lớn. Vỡ đê quai là tan tành tất cả các công trình trước đó đã làm, giá trị hàng trăm, ngàn tỷ đồng.
Thượng tá Phạm Văn Trường - Lữ đoàn trưởng 99 Binh đoàn 12 bồi hồi nhớ lại, giai đoạn căng thẳng chạy đua với lũ đơn vị anh được Binh đoàn huy động để thực hiện cao độ chống lũ. Với quyết tâm của những người lính, dù có vài trục trặc nho nhỏ nhưng toàn Lữ đoàn đã vượt qua. Khẳng định lời hứa với vị thủ lĩnh Binh đoàn tại công trường. Hôm chia tay công trường về với dự án mới, anh bảo: “Điều rút ra kinh nghiệm sâu sắc nhất ở Lai Châu chính là ý chí quyết tâm, qua công trình này cũng rèn thêm bản lĩnh của những người lính thời bình. Sau Lai Châu chúng tôi hoàn toàn tự tin ở bất kỳ công trình quy mô lớn, đòi hỏi khắt khe hơn nhiều về tiến độ và chất lượng”.
Khi TCty Xây dựng Trường Sơn nhận nhiệm vụ di chuyển quân từ công trường Thuỷ điện Sơn La và một số công trường khác lên xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè để tham gia thi công công trình Thủy điện Lai Châu. Mọi thứ vẫn còn ngổn ngang và hoang sơ. Vậy là người lính Trường Sơn phải bắt tay vào san gạt mặt bằng và thi công các hạng mục lán trại phụ trợ phục vụ nhu cầu ăn, ở của cán bộ, công nhân. Chỉ sau 3 tháng, mọi công tác chuẩn bị của Cty đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho việc thi công những hạng mục chính đầu tiên của nhà máy.
Nếu như với thủy điện Sơn La, các đơn vị của TCty hoàn thành những hạng mục sớm nhất thì họ cũng là một trong những người đầu tiên đến với thủy điện Lai Châu. Với 4 đơn vị thành viên có nhiều kinh nghiệm là Cty Xây dựng 472, Cty Xây dựng 492, Cty CP Xây dựng 565 và Xí nghiệp 992. Những người lính thợ đã tham gia mở đường vào công trường cũng như đảm trách nhiều hạng mục quan trọng như cống dẫn dòng, hệ thống đê quai hạ lưu, đào đắp hố xói, một phần công trình xả lũ…
Là lực lượng quân đội duy nhất có mặt trên công trình thủy điện Lai Châu. TCty Trường Sơn luôn chạy đua cùng tiến độ, khi tìm ra được giải pháp thì có khi sung sướng đến mất ngủ - Đó là lời kể lại của những người lính Trường Sơn. “Từ tháng 5 tới tháng 6/2015 là thời gian làm việc căng nhất, khi chuẩn bị đóng cống, để sao đủ nước mà tích nước cho cuối năm. Nước đầy chạy thử nghiệm đóng máy tổ máy số 1. Riêng cái việc đóng cống trữ nước khi nào, đã có ba kịch bản về thời gian đóng. Mọi sơ sảy đều phải trả giá, nên không thể lơ là hay thiếu sót kỹ thuật được”.
Có những chi tiết tưởng như rất bình thường nhưng cũng có thể tiết kiệm rất nhiều cho đất nước. Đó là sự khác biệt trong cửa xả giữa thủy điện Sơn La và Lai Châu.
Ở Sơn La cửa xả xối nước thẳng xuống hạ lưu. Lính thợ phải làm dưới đáy đập, hạ lưu, một hố xói tới 30m nước sâu với đáy bê tông vô cùng bền chắc, để khi xả, lúc lũ mạnh về chân đập và hai bờ hồ đập vẫn an toàn.
Còn ở Lai Châu, nước từ cửa xả xối vào một bờ chắn bê tông thép kiên cố, rồi vọt lên, trước khi rơi xuống mặt nước chân đập. Nước, một phần tan thành mưa bụi rơi xuống hạ lưu. Sự tính toán ấy giảm được tối thiểu lực tàn phá, thế năng của dòng xả, bảo vệ được lòng hồ hạ lưu sát chân đập. Chỉ thay đổi này đã tiết kiệm cho đất nước hàng ngàn tỷ đồng. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ này chính là lính thợ Trường Sơn.
Trung úy Hoàng Công Thành nhớ về ngày Tết năm trước, anh bảo: Ai chẳng mong sum vầy cùng gia đình khi Tết đến Xuân về. Nhưng để công trình hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi tình nguyện ở lại công trường. Trong những ngày Tết, chúng tôi vẫn làm việc, kể cả đêm giao thừa. Có khác chút ngày thường là anh em đồng đội kéo đoàn đến chúc Tết Ban điều hành và các đơn vị cùng có mặt tại công trường. Khi về đến nhà ai đấy đều lâng lâng, cảm giác thật hiếm có nếu không được góp mặt đón Tết công trường”.
Sức hấp dẫn của Nhà máy Thủy điện Lai Châu đối với những người trẻ ưa chinh phục là rất lớn. Hết giờ làm, anh em lại tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ “công trường rộn rã tiếng ca”. Cao điểm có tới 500 - 600 quân Trường Sơn có mặt tại đây. Bởi vậy những cán bộ, kỹ sư, công nhân xa quê luôn luôn gắn bó với nhau như anh em một nhà.
Dù chia tay chuẩn bị cho công trình mới nhưng khi gặp lại bạn đồng đội ở LILAMA, lính thợ Trường Sơn vẫn trân trọng: “Họ mới là những người xiết con ốc cuối cùng để thắp sáng lên dòng điện cho Tổ quốc!”.
Tự hào về đội ngũ lính thợ Trường Sơn, Đại tá Đào Văn Tuấn cho biết: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Binh đoàn trong những năm qua là: Sản xuất kinh doanh phải đi đôi với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; luôn coi trọng “Chữ tín” với chủ đầu tư, coi đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của DN trong giai đoạn hiện nay.
Tin vui ngay sau dự án thủy điện Lai Châu, TCty Trường Sơn đã trúng thầu cạnh tranh một số dự án giao thông. Đây cũng là bước chuyển đổi quan trọng khi đơn vị đã hoàn thành cả ba bậc thang thủy điện trên dòng sông Đà. Rồi mai này những người lính thợ sẽ lại có mặt trên nhiều công trình khác nhưng với bản lĩnh đã qua từ Lai Châu. Chắc chắn tinh thần quyết thắng của bộ đội Trường Sơn theo họ đi qua nhiều công trình đem lại nền CNH, HĐH cho Tổ quốc!
Lê Mỹ
Theo