"Sau khi chốt danh sách, chiều hôm đó, anh Nham, Tiểu đội trưởng của trung đội, quê ở Hải Hậu, Nam Hà nói với tôi: "Anh Thỏa ơi, tự nhiên em nhớ thằng cu quá! Em còn bộ quần áo mới chưa mặc, nay em sẽ mang đi theo chiến trận này". Nghe Nham nói thế, tôi giật mình, linh cảm một điều xấu có thể xảy ra" - ông Thỏa ngậm ngùi.
Một thời máu lửa
Thời gian đã lùi xa, nhưng với ông Nguyễn Chí Thỏa (SN 1946, ngụ phường Trưng Vương, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường chống Mỹ năm nào trên đất Bình Định vẫn còn vẹn nguyên. Câu chuyện về một thời trận mạc của người lính già đất mỏ chậm chạp ngược dòng...
Hồi đó, ông là Trung đội phó Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, biệt danh 'Trung đoàn trung dũng, trung đoàn anh hùng' của Sư đoàn 3. Cuối tháng 10/1972, đơn vị ông đang chốt giữ đồi 9, đồi 10 Tam Quan, huyện Hoài Nhơn và đèo Bình Đê, giáp ranh 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thì có lệnh rút về huyện Hoài Ân nhận nhiệm vụ mới.
Ông và ông Phùng Sỹ Tuyển, Trung đội trưởng, được Đại đội trưởng Dũng, quê ở Thanh Hóa thông báo, ngày 1/11/1972, trung đội ông cùng 8 chiến sĩ kết hợp thành 2 mũi đặc công có nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm 174 Trà Nà, Hoài Ân. Nghe xong mệnh lệnh, những người lính chiến xác định, đây sẽ là một trận đánh ác liệt.
Ông Nguyễn Chí Thỏa, thương binh hạng 1 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo trinh sát, chiếm giữ điểm cao này, địch có 1 đại đội tăng cường khoảng 150 tên. "Sau khi chốt danh sách, chiều hôm đó, anh Nham, Tiểu đội trưởng của trung đội, quê ở Hải Hậu, Nam Hà nói với tôi: "Anh Thỏa ơi, tự nhiên em nhớ thằng cu quá! Em còn bộ quần áo mới chưa mặc, nay em sẽ mang đi theo chiến trận này". Nghe Nham nói thế, tôi giật mình, linh cảm một điều xấu có thể xảy ra" - ông Thỏa ngậm ngùi.
Trước khi tham gia quân ngũ, anh Nham là giáo viên, hoàn cảnh neo đơn, có một mẹ già, vợ và 1 con trai khoảng 3 tuổi. Nghe đồng đội nói thế, ông Thỏa vội vàng nói với Trung đội trưởng Phùng Sỹ Tuyển là 'xem có ai thay trận đánh này cho anh Nham không'. Nhưng, nhiệm vụ đã giao, không có người thay thế.
Như kế hoạch, khoảng 10h sáng 1/11/1972, những người lính chiến xuất quân với khí thế hừng hực và một tinh thần quyết tâm chiến thắng.
Ông Thỏa kể tiếp: "Vào khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi còn cách cao điểm 174 Trà Nà chừng 3km. Chỗ này bằng ống nhòm trên cao điểm, địch có thể phát hiện được quân ta chuyển động nên tôi và anh Tuyển nhắc nhở anh em hết sức cẩn thận. Chúng tôi ngồi chờ đến 7h tối thì bắt đầu nhằm hướng cao điểm tiến lên".
Cận kề cái chết
Ông Thỏa kể tiếp, theo phân công, đơn vị ông ở giữa, 2 mũi đặc công ở 2 bên. Đồng hồ điểm 4h15' sáng sẽ nổ súng B40 để làm hiệu lệnh. "Gần đến giờ nổ súng, một tên lính gác đi về hướng chúng tôi chừng hơn 10m để vệ sinh.
Chúng tôi hồi hộp dõi theo từng cử chỉ, hành động của nó. May quá, tên lính lại đứng quay mặt hướng lên phía trên đỉnh cao điểm. Tôi thở phào và nghe thấy nó ca một câu vọng cổ thì đúng lúc đồng hồ điểm… Quả B40 đã thui chết tên lính gác vừa hát. Tất cả 3 mũi xông lên. Địch bị bất ngờ, thất thanh la hét" - ông Thỏa nhớ lại.
Rồi những quả mìn mo của địch tới tấp được ném đến quân ta, nhiều chiến sĩ đặc công đã hy sinh. Và như linh cảm của ông Thỏa, chiến sĩ Nham cũng không còn....
"Một tiếng nổ lớn vang lên, tôi thấy anh Tuyển mất 1 mảng mông bằng cái bát lớn và gãy cổ chân. Tôi vội lao đến băng cho anh. Anh không nghe, bảo tôi tiến lên ngay để nhanh chóng chiếm lĩnh điểm cao, không để địch có cơ hội phản công.
Tôi lao lên, hô anh em bắn và ném lựu đạn mạnh về phía địch. Nhân lúc quân địch sợ rút hết xuống hầm, quân ta chỉ việc ném lựu đạn và vào các hầm địch trú ẩn".
Cựu chiến binh Nguyễn Chí Thỏa (trái) và Phùng Sỹ Tuyển gặp lại nhau sau hơn 30 ở chiến trường.
Theo lời ông Thỏa, kể thì rất nhanh nhưng diễn biến vô cùng ác liệt. Chiếm được điểm cao, các anh em vội vàng ổn định các hầm tác chiến và trú ẩn. Cả buổi sáng hôm đó, địch không có động tĩnh gì. Đến đầu giờ chiều, máy bay trinh sát địch bắt đầu lượn và bay rất thấp.
"Tôi bảo, chắc nó chụp trận địa của ta, kiểu này thế nào cũng có chuyện. Tôi vừa nói xong thì phát hiện 1 máy bay AK6, bay cao, chậm đang nhào xuống trận địa. Tôi chỉ kịp tụt xuống hầm thì đã thấy sụn người xuống. Mãi hồi lâu tôi mới cựa quậy được" - ông Thỏa kể.
Sau khi bị thương, ông cố bò sang hầm bên cạnh có Trung đội trưởng Tuyển và 2 thương binh đang nằm. "Thấy tôi, anh Tuyển bảo khả năng sau ném bom, bộ binh địch sẽ đánh chiếm lại điểm cao. Anh bảo tôi chuẩn bị cho anh 1 chiếc hầm, 2 khẩu AK, mỗi khẩu 2 băng đạn đầy và 20 quả lựu đạn đã rút chốt sẵn để khi địch đến là giật nụ xòe ném ngay cho nhanh".
Ông Thỏa nói tiếp, đúng như phán đoán, sau ném bom, địch có khoảng gần 1 đại đội chia làm 2 mũi tiến lên cao điểm. Trung đội trưởng Tuyển nói, quân ta đang ít, phải chờ thật gần. Khi nào ông nổ súng thì anh em mới được bắn, ném lựu đạn, còn chiến sỹ Dương chịu trách nhiệm bắn khóa đuôi.
“Rồi địch tiến lên cách 100m, 70m, rồi 50m. Tôi bảo: “Được chưa anh Tuyển?”. Anh bảo: Tí nữa, khi nào anh nổ súng thì tất cả cùng bắn. Lúc này địch chỉ còn cách khoảng 30m, rồi 20m. Đúng lúc đó, 2 súng của anh rào rào nhả đạn. Tất cả các hướng cùng đồng loạt nổ súng" – cảm xúc hồi hộp lúc đó như hiện hữu trong tâm trạng người lính già.
Thấy súng nổ, địch vô cùng bất ngờ, nghĩ quân ta đã chết hết và bỏ lại cao điểm vì bom pháo đánh suốt chiều. Bị bất ngờ, quân địch kêu thất thanh, táo tác tháo chạy. Đến 7 giờ tối, tiểu đoàn cho 1 trung đội khác lên thay và đưa 1 đội vận chuyển liệt sĩ, thương binh về Sư đoàn đóng ở huyện An Lão, Bình Định. Ông Thỏa và các đồng đội bị thương cũng được đưa về điều trị tại đây.
Khi về lại đơn vị, anh em xôn xao kể, đài phát thanh từ Hà Nội đã nói đến trận đánh tại cao điểm 174 Trà Nà ngày 1/11/1972. Trận đánh chiếm cao điểm 174 Trà Nà đã nối thông con đường huyết mạch của 2 huyện Hoài Ân và An Lão đã được giải phóng. Kể đến đây, ông dừng lại một lúc, rót nước.
Rồi ông bảo, thế mà đã gần 50 năm rồi. Những người lính một thời trận mạc nay đã thành ông thành bà. Nhưng những phút giây cận kề sự sống và cái chết của thời trai trẻ với đạn bom ác liệt vẫn còn in đậm trong ký ức.
Ông lặng im rất lâu. Mãi sau ông mới bảo: Nếu có dịp, nhờ VietNamNet đăng giúp ông địa chỉ và điện thoại, để những ai ngày đó còn sống biết tìm về nhau, ông vẫn đang ngóng chờ... Và ông đọc cho tôi ghi: Nguyễn Chí Thỏa, điện thoại: 0333.851187, số nhà 187 khu 3 phường Trưng Vương, TP. Uông Bí, Quảng Ninh.
Qua VietNamNet, ông Nguyễn Chí Thỏa cũng muốn nhắn: Nhắn tìm anh Ca đặc công, quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương, đánh trận cùng anh Thỏa và anh Tuyển; đã bị thương ở trán tại cao điểm 174 Trà Nà, Hoài Ân, Bình Định. Và anh Chính, Trung đội trưởng đơn vị nên thay chốt cho đơn vị anh Thỏa là thương binh mất một cánh tay vào tháng 11 hoặc 12/1972.
Theo VNN
Theo