Thứ bảy 20/04/2024 20:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

"Liều thuốc bổ" giảm lãi suất

09:04 | 16/03/2023

"Chúng tôi đang hết sức lo ngại tình hình sức khỏe của doanh nghiệp" - ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ với báo chí.

Nhiều số liệu của nền kinh tế đang cho thấy mối lo ngại của ông Tuấn là có cơ sở. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã tăng mạnh 14,5% so với cùng kỳ (số tuyệt đối lên tới 51.400 doanh nghiệp), trong khi đó số thành lập mới và quay trở lại hoạt động lại giảm 11,2% so với cùng kỳ, số lượng cũng lép vế hơn hẳn số "khai tử" (đạt 37.900 doanh nghiệp).

Cũng trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%). Theo giải thích của Tổng cục Thống kê, sự sụt giảm này là bởi kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường; lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Bắc Ninh - một trong những "thủ phủ" công nghiệp của cả nước - lần đầu tiên sau một thời gian dài, chỉ số IIP của địa phương này trong 2 tháng đầu năm ở mức âm, giảm mạnh 9,1% so với cùng kỳ (2 tháng đầu năm 2022 tăng 0,1%; cùng kỳ các năm 2021, 2020, 2020 đều tăng, lần lượt là 20,7%; 13%; 2,2%).

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn cả về dòng tiền lẫn thị trường tiêu thụ (Ảnh minh họa: CTV).

Có thể thấy tiếng kêu khó khăn của doanh nghiệp vang lên nhiều nơi. Từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (kể cả những lĩnh vực ưu tiên) cho đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản. Một trong những nguyên nhân chính của tình hình này là lãi suất cho vay đắt đỏ và tín dụng thắt chặt hơn so với trước.

Thậm chí, ngay cả khi chấp nhận mức lãi suất cao ngất ngưởng thì việc tiếp cận vốn vay của người dân và doanh nghiệp cũng không đơn giản. Tại nhiều ngân hàng, tình trạng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm như một điều kiện để cho vay trở nên báo động. Theo đó, chẳng những doanh nghiệp khó duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh mà người tiêu dùng cũng phải thắt lưng buộc bụng, giảm mua sắm.

Dễ thấy nhất là lĩnh vực ô tô. Ngay trong tháng đầu tiên của năm, tiêu thụ ô tô đã lao dốc. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết chỉ bán được 17.314 xe các loại, giảm sâu 51% so với tháng 12/2022.

Khi tình hình đứt gãy nguồn cung đã được cải thiện thì các đại lý lại phải đối mặt với bài toán cam go khác: Áp lực tồn kho lớn và khả năng phải ôm thua lỗ với những mẫu xe đời cũ (từ 2022 trở về trước) khi mẫu mới liên tục đưa ra thị trường. Tương tự ô tô là các mặt hàng điện tử, may mặc, hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Với hoạt động mua nhà, xây nhà để ở, ngay cả khi giá nhà, giá đất đã hạ nhiệt thì lượng giao dịch vẫn hạn chế, thanh khoản thấp. Việc xây, mua nhà ở cần vốn lớn nên thông thường người mua có nhu cầu hỗ trợ tài chính, "một năm mua nhà, ba năm trả nợ" là thế. Do việc tiếp cận vốn khó khăn, người muốn mua không mua được, người muốn bán cũng bán không xong, một khối lượng lớn tài sản xã hội rơi vào trạng thái "bất động".

Về lý thuyết, để giảm áp lực nợ ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động các những kênh trung và dài hạn như trái phiếu, cổ phiếu. Oái oăm là các kênh huy động này cũng đang "tắc nghẽn".

Doanh nghiệp gặp khó cả 2 đầu, túng đầu vào, bí đầu ra. Hệ quả là, một khi sức chịu đựng tới ngưỡng thì buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, nhiều nơi nợ lương, nợ bảo hiểm, tệ hơn là đóng cửa, giải thể, có trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Chúng ta cũng biết rằng, mỗi doanh nghiệp là một mắt xích trong cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế, sức khỏe doanh nghiệp đương nhiên ảnh hưởng tới mục tiêu GDP chung của cả nước, nhưng điều quan trọng hơn thế, quan trọng hơn cả những con số thống kê, chính là số phận hàng trăm, hàng nghìn nhân viên cùng gia đình của họ, là chất lượng sống, là hạnh phúc gia đình hay vấn đề học hành, phát triển của trẻ.

Vướng ở đâu thì gỡ ở đó. Tại Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.

Việc hạ lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay là một "liều thuốc" giúp doanh nghiệp bớt khó khăn (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo giảm lãi suất điều hành từ 0,5-1 điểm % áp dụng kể từ ngày 15/3 với lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay cho đêm và trần lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên, không áp dụng với trần lãi suất huy động.

NHNN đánh giá việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đây là chính sách rất thiết thực đáp ứng được sự mong đợi của người dân, doanh nghiệp. Sự phản ứng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã cho thấy rõ điều này: VN-Index phiên 15/3 tăng 2,12%.

Chính sách đi vào cuộc sống cần có một độ trễ nhất định, song cách tiếp cận của NHNN là đúng đắn. Tất nhiên, cùng với giảm lãi suất, cơ quan điều hành sẽ phải khéo léo hơn nữa trong việc giữ ổn định tỷ giá, và có những biện pháp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hạn chế việc rút vốn.

Bên cạnh đó, tăng khả năng tiếp cận vốn không đồng nghĩa với cho vay dưới chuẩn mà vẫn phải đảm bảo được chất lượng tín dụng lành mạnh. Cuộc sàng lọc nào cũng sẽ gây đau đớn, nhưng buộc phải chấp nhận, những doanh nghiệp yếu kém về quản trị, không có kế hoạch kinh doanh tốt sẽ phải rút lui để nhường cơ hội cho đơn vị khác.

Nói gì thì nói, giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Giảm lãi suất, hoãn, giãn nợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và có cơ hội trả nợ vẫn tốt hơn để doanh nghiệp loay hoay, luẩn quẩn với nợ nần, cùng quẫn. Do vậy, các ngân hàng cần sẵn sàng tâm thế chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, với người dân, chấp nhận biên lợi nhuận khiêm tốn hơn so với trước để chung tay, góp sức vực dậy sức khỏe chung của cả nền kinh tế.

Bên cạnh vấn đề vốn, theo đại diện VCCI, Liên đoàn còn ghi nhận những quy định làm khó cho doanh nghiệp một cách bất hợp lý, chẳng hạn như xử phạt doanh nghiệp bưu chính giảm giá cho khách hàng so với giá đã công bố; hay là sự chồng chéo giữa quy định về đăng ký lưu hành và chứng nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi bổ sung và thuốc thú y đã kéo dài nhiều năm nay.

Và điều trớ trêu là trong khi Chính phủ nỗ lực chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính thì trong thực tế ở cấp thực thi bên dưới lại nảy sinh không ít yêu cầu "hành là chính", một phần xuất phát từ tâm lý sợ sai của cơ quan thực thi, một phần khác là sức ỳ quá lớn của một bộ phận công chức, chưa có tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bên cạnh các chính sách như hạ lãi suất, cấp bù lãi suất tín dụng hay miễn giảm, giãn thuế (tiêu tốn nguồn lực)…, việc rà soát chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… mặc dù là câu chuyện "biết rồi, nói mãi" nhưng vẫn phải nhắc lại, bởi chẳng những hỗ trợ doanh nghiệp mà còn tiết kiệm được nguồn lực Nhà nước và xã hội.

Sức khỏe doanh nghiệp đang rất yếu, cần những đơn thuốc kịp thời, đúng liều lượng. Bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương chung tay vào cuộc rốt ráo… Đợi đến khi phải "hà hơi, thổi ngạt" e rằng, khó lại càng khó hơn!

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load