Thứ tư 15/01/2025 23:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Liên kết phối hợp phát triển kinh tế Vùng Duyên hải miền Trung

11:35 | 25/09/2017

(Xây dựng) - Chiều ngày 24/9, tại Đà Nẵng, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hóa, Trưởng Ban Điều phối Vùng năm 2017 chủ trì cuộc họp thường kỳ năm 2017 của Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo của 9 tỉnh Duyên hải miền Trung và các thành viên Nhóm tư vấn phát triển Vùng Duyên hải miền Trung.


Cuộc họp thường kỳ năm 2017 của Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng.

Là đơn vị chủ trì điều hành Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung năm 2017, ông Lê Thanh Quang cho rằng: Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương thực tế chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay nói cách khác chưa xuất phát từ yêu cầu liên kết thực tế trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Những hạn chế trên là khó tránh khỏi vì thực chất, Ban Điều phối Vùng không phải là một định chế trong hệ thống tổ chức Nhà nước. Hơn thế nữa, Ban điều phối Vùng cũng không phải là một tổ chức được Nhà nước công nhận, nên không có tư cách pháp nhân và mọi quan hệ trong hoạt động chỉ thuần túy là quan hệ cá nhân, hoặc dựa vào pháp nhân của quỹ nghiên cứu phát triển miền Trung (một tổ chức thuộc Ban Điều phối Vùng) nên thiếu tính chặt chẽ của một tổ chức, không ràng buộc được trách nhiệm của các thành viên, nên không phát huy được thế mạnh của cơ chế điều phối phát triển chung của cả Vùng.

Nguyên tắc hoạt động “đồng thuận” vẫn là một nguyên tắc cần thiết và đúng đắn, nhưng đôi lúc làm chậm các quá trình liên kết vùng và gây khó khăn cho việc thực thi các giải pháp đột phá ở quy mô Vùng vì tầm nhìn khác nhau của các thành viên.

Theo báo cáo của Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung, năm 2016, tổng GRDP của 9 tỉnh, thành phố trong Vùng Duyên hải miền Trung đạt 465,7 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong Vùng đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm trong giai đoạn 2011 – 2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (5,9%/năm). Cơ cấu kinh tế của các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ yếu là công nghiệp – dịch vụ, chiếm khoảng 72% (riêng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,6%). Tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp tương đối cao, tuy nhiên quy mô các ngành lĩnh vực còn chưa đủ lớn, vì vậy mức GRDP bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố trong Vùng vẫn còn thấp, xấp xỉ 44,8 triệu đồng/người bằng 92,2% so với mức bình quân cả nước.

Về kết cấu hạ tầng, toàn vùng có 6 khu kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu; 1 khu công nghệ cao; 37 khu công nghiệp (trong đó có 22 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, diện tích đất đã cho thuê là 5.588ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 42%); 6 cảng hàng không, trong đó có 4 cảng hàng không quốc tế,13 cảng biển, trong đó có 7 cảng biển loại I; 14 quốc lộ, đường sắt Bắc Nam, phân bổ khá đều giữa các địa phương, nối liền các đô thị, cơ bản đảm bảo kết nối thông suốt giữa các tỉnh trong Vùng.

Về thu hút đầu tư, tổng thu hút đầu tư xã hội vào các địa phương trong Vùng năm 2016 đạt 187,5 ngàn tỷ đồng bằng 13,28% tổng vốn đầu tư cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài trên 1.000 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 29.768 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 5,5 tỷ USD (3,1% cả nước).

Trình độ phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng không đồng đều, sự chênh lệch GRDP bình quân đầu người giữa các địa phương. Một số địa phương GRDP cao như Đà Nẵng, Quảng Nam, một số tỉnh có GRDP thấp hơn như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định…

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục quốc lộ, giữa các điểm nút giao thông với các địa phương trong các tỉnh vẫn còn hạn chế, dễ bị xuống cấp, chia cắt khi gặp phải bão lũ, giảm khả năng tăng trưởng bao trùm.

Qua 6 năm hoạt động của Ban điều phối Vùng Duyên hải miền Trung đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như các chủ trương mới để thúc đẩy liên kết Vùng trong khu vực tiếp tục phát triển. Nhiều liên kết vùng giữa các tỉnh được thực hiện như: liên kết đào tạo nguồn nhân lực; liên kết phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp, liên kết thu hút đầu tư; khai thác kinh tế biển… Các tỉnh, thành phố đều thu được lợi ích nhất định từ chương trình phát triển này.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn nhất là điều kiện phát triển các địa phương trong Vùng và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hợp tác về kinh tế giữa các địa phương còn tương đối đơn điệu, vẫn chủ yếu thực hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, sự vụ giữa các doanh nghiệp, các địa phương giáp ranh trong quá trình thực hiện các chương trình dự án liên quan.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load