(Xây dựng) - Ngày 8/2 Âm lịch hàng năm, người dân miền biển Hải Phòng và du khách thập phương lại náo nức về dự Lễ hội nữ tướng Lê Chân - một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của thành phố Cảng - để tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của nữ tướng Lê Chân - người đã có công khai sinh ra trấn Hải Tần phòng thủ, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.
Lê Chân - vị nữ tướng tài ba
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu còn ghi lại, tương truyền bà Lê Chân quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha là Lê Đạo, mẹ là Trần Thị Châu. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định.
Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm. Thấy địa hình, đất đai thuận lợi, bà dừng lại lập trại khai phá. Cùng với thân quyến và người làng mà bà cho đón ra, Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang.
Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân cùng nghĩa quân ở căn cứ An Biên đã lập nên chiến công vang dội. Khởi nghĩa thành công, Lê Chân đã ra sức tổ chức, xây dựng lực lượng. Khi Mã Viện đem quân sang phục thù, do tình thế bất lợi, bà phải rút quân về bảo vệ căn cứ Mê Linh. Sau khi căn cứ này bị vỡ, Hai Bà Trưng tử trận, Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn, thuộc Hà Nam ngày nay nhằm khôi phục cơ đồ.
Một lần nữa, Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng nữ tướng Lê Chân trầm mình xuống sông để bảo toàn danh tiết. Sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân ngày nay) dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè bây giờ). Đến đời vua Trần Anh Tông, bà được phong là Thành hoàng xã An Biên, huyện An Dương. Hàng năm, cứ đến ngày sinh mồng 8 tháng 2, ngày hoá 25 tháng Chạp, ngày khánh hạ 15 tháng 8, nhân dân An Biên nô nức đến đền Nghè cùng dâng lễ tưởng niệm vị nữ tướng.
Lễ hội cổ trong lòng thành phố
Lễ hội nữ tướng Lê Chân là một trong những lễ hội truyền thống của thành phố, được tổ chức hằng năm thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay đối với công đức to lớn của nữ tướng Lê Chân.
Việc tổ chức Lễ hội nữ tướng Lê Chân nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các nét đẹp văn hoá, nghi lễ truyền thống, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tri ân công lao to lớn của nữ tướng Lê Chân. Đồng thời tiếp tục phát huy các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài nữ tướng, đền Nghè, đình An Biên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc, sinh hoạt lễ hội truyền thống, lễ hội du xuân của nhân dân địa phương.
Đặc biệt, Lễ hội nữ tướng Lê Chân cũng góp phần tăng cường quảng bá các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói chung, quận Lê Chân nói riêng.
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm 2015 có nhiều điểm mới, đặc sắc. Cùng với phần lễ gồm: lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ thì phần hội luôn là điểm nhấn hấp dẫn du khách thập phương với các sinh hoạt văn hóa mang đậm nét truyền thống như: biểu diễn pháo đất, võ dân tộc, chợ quê, múa lân sư, trống hội hay các tiết mục văn nghệ: hoạt cảnh chèo, hợp ca, diễn xướng châu văn, hát dân ca, chèo cổ.
Phần hội năm nay được quận Lê Chân tổ chức với màn bắn pháo bông ấn tượng, rực rỡ sắc màu. Đêm diễn ra lễ hội chính lúc 20h ngày 27/3/2015.
Ban tổ chức Lễ hội đã phục dựng các nghi lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ, lễ rước theo đúng phong tục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Lễ rước năm nay được chia thành 2 đoàn rước với hàng nghìn người tham gia. Một là đoàn rước của 7 phường và các đoàn dâng lễ xuất phát từ đền Nghè đến Tượng đài Nữ tướng; hai là đoàn rước của 8 phường và đình An Biên, xuất phát từ đình An Biên đến phố Cát Cụt, Nguyễn Đức Cảnh đến Tượng đài nữ tướng, đây là điểm nhấn chính trong Lễ hội.
Sau đám rước là lễ tế gợi nhắc công ơn của nữ tướng Lê Chân đối với dân tộc và đối với thành phố Hải Phòng. Trong lễ tế này, các sắc phong của các triều đại dành cho bà cũng được đọc lên.
Lễ hội nữ tướng Lê Chân diễn ra trong 3 ngày từ 26 đến 28/3 (tức mùng 7 đến 9/2 Âm lịch). Qua dịp này, quận Lê Chân muốn quảng bá, giới thiệu cụm di tích Tượng đài nữ tướng Lê Chân để thu hút du khách đến tìm hiểu, thưởng ngoạn giá trị văn hóa nhằm phát huy văn hóa truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, từ đó phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.
Đại Vũ
Theo