(Xây dựng) - Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là điều kiện cần để hình thành các khu chức năng trong phạm vi một vùng hoặc một tỉnh.
Ảnh minh họa.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Vân (Yên Bái) đồng tình với việc sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xây dựng số 50 năm 2014. Theo đại biểu Vân, về quy định quy hoạch xây dựng tỉnh, vai trò quy hoạch xây dựng trong quản lý tổ chức không gian vùng và đô thị là việc sắp xếp, tổ chức không gian vật thể trong phạm vi một lãnh thổ, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được thiết lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tạo lập không gian môi trường thích hợp cho người dân sinh sống, trong đó sản phẩm hệ thống bản đồ và quy định làm công cụ pháp lý để quản lý kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng phát triển đô thị nông thôn, khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi lập quy hoạch.
Đồng thời, quy hoạch xây dựng được lập ở từng cấp độ khác nhau có thể phụ thuộc hoặc không phụ thuộc giới hạn của ranh giới hành chính, sử dụng nguồn lực tài chính lớn để tạo lập, sắp xếp không gian vật thể bao gồm bất động sản, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch gồm các báo cáo thuyết minh và hệ thống sơ đồ bản đồ quy hoạch với tỷ lệ phù hợp với từng cấp độ vùng chung, phân khu và chi tiết.
Có nội dung yêu cầu riêng định mức chỉ tiêu và thông số kỹ thuật áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định và có mối quan hệ biện chứng không tách rời là điều kiện và tiếp nối nhau.
Thực tế trên thế giới, hiện nay mỗi quốc gia phát triển đều cần quy hoạch xây dựng tỉnh và liên tỉnh thuộc quy hoạch tỉnh và quy hoạch liên tỉnh để kiểm soát, kết nối về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế trong vùng và không phụ thuộc vào ranh giới hành chính.
Một vùng được xác định có tiềm năng phát triển thì việc lập quy hoạch xây dựng là rất cần thiết nhằm định hướng phát triển hệ thống đô thị, dân cư, cơ sở kinh tế là cơ sở thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, cầu cống, ngầm điện và hạ tầng xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, đồng thời để đảm bảo nguyên tắc tránh sự chồng chéo, trùng lắp giữa quy định của Luật Quy hoạch, các luật có quy định về quy hoạch có tính chất kỹ thuật, tính chuyên ngành, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã bỏ 4 loại quy hoạch xây dựng vùng dọc tuyến, vùng hành lang kinh tế, vùng chức năng đặc thù và quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và được lồng ghép vào nội dung quy định quy hoạch xây dựng tỉnh nhằm đảm bảo đủ công cụ tổ chức lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở pháp lý để xác định hệ thống đô thị, nông thôn, khu vực chức năng trên địa bàn tỉnh.
Về quy định quy hoạch xây dựng khu chức năng, theo thống kê, trên cả nước hiện có 17/17 khu kinh tế ven biển và 16/29 khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng, các địa phương đã lập quy hoạch phân khu xây dựng làm cơ sở để thu hút đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất là 1.254.517ha, trong đó diện tích xây dựng đến năm 2020 và 2030 là khoảng 221.803ha, chiếm 18 đến 20%, còn lại là đất sinh thái tự nhiên, đất nông nghiệp, đất rừng, đầm lầy, đất dân cư, nông thôn.
Theo quy định hiện hành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là điều kiện cần để hình thành các khu chức năng trong phạm vi một vùng hoặc một tỉnh, do đó các khu chức năng cũng cần được lập quy hoạch xây dựng khu du lịch, khu liên hợp thể dục thể thao, tổ hợp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo là điều kiện đủ để triển khai quản lý, kiểm soát các dự án đầu tư xây dựng trên cả địa bàn đô thị và nông thôn.
Về quy định quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện đối với đơn vị hành chính cấp huyện, việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện còn đáp ứng việc hoàn thiện tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới theo Quyết định 558 ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35 ngày 26/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về việc thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Công tác đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng phát triển đô thị trên địa bàn các huyện có vai trò rất quan trọng trong triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và làm cơ sở pháp lý để xác định khu vực vị trí cho các dự án, đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng, huyện được lập trên nền bản đồ có tỷ lệ chi tiết hơn là quy hoạch xây dựng tỉnh, nhằm đảm bảo yêu cầu thực tiễn của địa phương và hiệu quả quản lý đất đai, tránh nảy sinh bức xúc phức tạp trong xã hội.
Do đó, theo đại biểu Vân, các quy định được điều chỉnh bổ sung của Luật Xây dựng cũng đã làm cho rõ quy hoạch xây dựng gồm hai nhóm quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, là cơ sở để xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn.
Vân Anh
Theo