Thứ bảy 07/12/2024 00:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Lập lại trật tự khu vực phía sau chợ Hạ Long I: Vì đô thị văn minh, sạch đẹp

08:08 | 13/04/2017

(Xây dựng) - Trên trang 4, báo Quảng Ninh số ra ngày 11-4-2017 đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Lập lại trật tự khu vực phía sau chợ Hạ Long I - Phải chăng phường “phớt lờ” chỉ đạo của thành phố (?!)”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục làm việc với các bên liên quan, làm rõ những nội dung, thông tin bài báo đã phản ánh, tiếp tục thông tin tới bạn đọc.


Toàn bộ vỉa hè của khu vực đã được UBND phường Bạch Đằng tận dụng để tổ chức trông giữ phương tiện. (ảnh chụp 15 giờ ngày 4-4-2017). Ảnh: Văn Bách

Câu trả lời của lãnh đạo phường

Sáng 10-4-2017, chúng tôi tiếp tục liên lạc điện thoại với Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng Nguyễn Đình Nam thì được chỉ dẫn làm việc với Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trường Sơn, phụ trách vấn đề này. Tại buổi làm việc chiều 10-4 với phóng viên, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Thực hiện Thông báo số 382/TB-UBND ngày 17-8-2016 thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, tại cuộc họp bàn phương án giải quyết các vấn đề bất cập về ANTT, vệ sinh môi trường, ATGT đối với khu vực phía sau chợ Hạ Long I, phường Bạch Đằng đã bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên khu vực phía sau chợ để xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè ở khu vực này. Khi thấy lực lượng của phường, những người buôn bán, kinh doanh ở khu vực phía sau chợ lại ôm thúng hàng đi rong hoặc ngồi vạ vật ở những chỗ khác. Hiện chưa có chế tài nào để xử phạt những trường hợp bán hàng rong như vậy, nên không thể xử lý được. Bên cạnh đó, do không thể bố trí lực lượng túc trực liên tục, nên khi vắng bóng lực lượng của phường, cá nhân kinh doanh lại tiếp tục ngồi bán ở khu vực phía sau chợ Hạ Long I, do vậy việc giải toả triệt để khu vực này vẫn chưa thực hiện được”.

Lý giải về những người đội mũ cối, tay đeo băng bảo vệ xuất hiện ở khu vực chợ tạm này, ông Sơn nói: “Có thể đây là những người thuộc Đội Quản lý bến tàu thuỷ của phường. Đội này được thành lập trên cơ sở thực hiện văn bản số 2610/UBND ngày 30-5-2016 của UBND TP Hạ Long về việc giao khoán số thu nộp ngân sách tại bến cá đầu mối đường bao biển núi Bài Thơ, phường Bạch Đằng. Theo đó, UBND TP Hạ Long giao UBND phường Bạch Đằng ký hợp đồng giao khoán cho đơn vị, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quản lý, thu phí theo đúng quy định, đảm bảo giữ gìn vệ sinh, ANTT trên đất liền và dưới biển khu vực bến cá. Sau khi trừ đi chi phí tự đảm bảo, Đội sẽ nộp ngân sách tối thiểu 50 triệu đồng/tháng. Trước đó, UBND TP Hạ Long cũng có văn bản số 6253/UBND ngày 30-12-2015 yêu cầu UBND phường Bạch Đằng tăng cường công tác quản lý nhà nước tại bến cá đầu mối đường bao biển núi Bài Thơ các mặt: ANTT, vệ sinh môi trường, thu phí, lệ phí... Theo đó, Đội này sẽ thu phí đối với người mang cá từ dưới thuyền lên bán tại Bến cá đầu mối. Số tiền thu được nộp ngân sách theo giao khoán của thành phố và một phần để Đội thực hiện hoạt động quản lý, vệ sinh môi trường khu vực bến cá. Tuy nhiên, phường không chỉ đạo Đội này thu phí của những người bán hàng tại khu vực phía sau chợ Hạ Long I”.

Còn việc tận dụng vỉa hè để trông giữ phương tiện xe máy, xe đạp ở khu vực phía ngoài chợ Hạ Long I, ông Sơn khẳng định: “Điểm trông giữ xe này tồn tại từ nhiều năm nay. Trước kia, Ban Quản lý chợ Hạ Long I trực tiếp trông, thu phí. Tuy nhiên, việc trông giữ xe rất lộn xộn, nên có hiện tượng để xe tràn cả xuống lòng đường gây ách tắc giao thông. Chính bởi vậy, TP Hạ Long chỉ đạo, chỉ cho phép Ban Quản lý chợ trông giữ xe ở trong khu vực chợ. Mặc dù vậy, nhu cầu gửi xe của người dân cao, khi không còn điểm trông xe, họ dựng xe ở bất kỳ chỗ nào. Phường đã tận dụng điểm trông xe này nhưng lùi vào sâu hơn để giao lại cho Đội Quản lý bến tàu thuỷ thực hiện trông giữ xe có thu phí, bổ sung nguồn kinh phí mà Đội phải nộp vào ngân sách thành phố hằng tháng. Điểm trông giữ này đảm bảo quy củ, không gây ách tắc giao thông...”(?!)

Cũng theo ông Sơn, việc cấm triệt để những cá nhân mang cá từ thuyền lên bờ bán ảnh hưởng nhiều đến đời sống của gia đình họ. Bởi hiện nay, chợ Hạ Long I chưa tạo điều kiện cho những người này mang hải sản đánh bắt được vào chợ bán. Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tạm, chợ Hạ Long I cần bố trí điểm để những người trên đưa hải sản vào chợ kinh doanh buôn bán.

Có đủ sức thuyết phục?

Có thể thấy, những lý giải của lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng chưa đủ sức thuyết phục dư luận. Bởi, thực tế quan sát, khu vực phía sau chợ Hạ Long I hiện có gần trăm hộ kinh doanh. Trong đó, không ít hộ có tới 3-4 chiếc chậu to chứa hải sản. Số hộ “buôn thúng, bán mẹt” để có thể bưng chạy khi lực lượng trật tự của phường xuất hiện như trả lời của Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trường Sơn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thêm nữa, trong thời gian 3 ngày chúng tôi điều tra, khảo sát tại khu vực này, không hề thấy bóng dáng bất cứ lực lượng nào của phường đến làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, trong văn bản số 2610/UBND ngày 30-5-2016 của UBND TP Hạ Long về việc giao khoán số thu nộp ngân sách tại Bến cá đầu mối đường bao biển núi Bài Thơ, phường Bạch Đằng và văn bản số 6253/UBND ngày 30-12-2015 của UBND TP Hạ Long yêu cầu UBND phường Bạch Đằng tăng cường công tác quản lý nhà nước tại Bến cá đầu mối đường bao biển núi Bài Thơ các mặt: ANTT, vệ sinh môi trường, thu phí, lệ phí..., UBND TP Hạ Long chỉ giao thu phí ở bến cá đầu mối, mà bến cá này chỉ được phép hoạt động từ 2 giờ đến 6 giờ 30 phút sáng hằng ngày. Thế nhưng, theo trả lời của lãnh đạo phường Bạch Đằng, tuy UBND phường không chỉ đạo thu phí của những hộ kinh doanh phía sau chợ Hạ Long I nhưng vẫn cho Đội Quản lý bến tàu thuỷ được phép trông giữ phương tiện xe đạp, xe máy. Điều này có đúng với chỉ đạo và chủ trương của thành phố? Đó còn chưa kể, việc phường tận dụng vỉa hè, dù là đã lùi sâu vào khu vực phía trong để trông giữ xe đạp là chưa đúng quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thậm chí, vô hình chung hình thành điểm trông giữ xe này cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận và cho phép các hộ kinh doanh buôn bán trái phép tại khu vực phía sau chợ Hạ Long I tồn tại. Việc ông Phó Chủ tịch UBND phường cho rằng, vì không còn điểm trông giữ xe nên phường phải tổ chức trông xe là chưa chuẩn xác. Thực tế, quanh khu vực phía sau chợ Hạ Long I hiện có một số điểm trông giữ xe; trong đó, Trung tâm thương mại Vincom cũng là địa điểm rộng rãi người dân có thể gửi xe. Có thể thấy, việc chềnh ềnh điểm trông giữ xe choán hết toàn bộ vỉa hè, bên cạnh là khu chợ kinh doanh hải sản trái phép đã khiến cho không gian khu vực này thêm phần lộn xộn, nhếch nhác.

Được biết, UBND TP Hạ Long đã có chỉ đạo Ban Quản lý chợ Hạ Long I, trên cơ sở diện tích hiện có, bố trí tối đa các điểm kinh doanh hải sản tươi sống lưu động cho các hộ vào chợ kinh doanh. Ông Trần Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý chợ Hạ Long I, cho biết: “Chúng tôi đã sắp xếp, bố trí được hơn 100 điểm; đồng thời, tạo điều kiện tối đa để các hộ vào chợ kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng, các hộ không vào, bởi vẫn còn tồn tại khu vực kinh doanh phía ngoài chợ. Chúng tôi cũng không thể bắt ép các hộ vào kinh doanh”. Tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh phía ngoài chợ Hạ Long I không vào chợ kinh doanh buôn bán xuất phát từ chính nhu cầu của người đi chợ. Với quan niệm, mua cá hàng chã đảm bảo rẻ hơn, tươi hơn và cũng do thói quen “tiện đâu mua đấy” của các “thượng đế” đã khiến cho các khu chợ tạm, chợ cóc nói chung và khu vực buôn bán phía sau chợ Hạ Long I hình thành và tồn tại. Nếu chính quyền không kiên quyết dẹp bỏ và tuyên truyền thay đổi thói quen của người đi chợ thì khu vực này vẫn sẽ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến văn minh thương mại, đô thị. Điều này cũng gây thất thu cho ngân sách nhà nước. UBND TP Hạ Long cần chỉ đạo kiên quyết để lập lại trật tự khu vực này, góp phần xây dựng Hạ Long thành đô thị du lịch, văn minh, sạch đẹp.

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load