Thứ sáu 13/12/2024 17:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Lào tham vọng trở thành nguồn cung cấp điện năng của Đông Nam Á

19:35 | 20/11/2023

Trong năm 2022, xuất khẩu điện đã đem lại nguồn thu trên 2,3 tỷ USD cho Lào, trong khi nước này chỉ phải chi hơn 40 triệu USD cho việc nhập khẩu điện.

Lào tham vọng trở thành nguồn cung cấp điện năng của Đông Nam Á
Nhà máy điện Hongsa tại Lào. (Nguồn: Laotian Times)

Lào đang nỗ lực tăng cường xuất khẩu điện năng sang các nước láng giềng ở Đông Nam Á và đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, với hy vọng trở thành nguồn dự trữ và cung cấp điện năng của khu vực trong tương lai gần.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Lào đã tích cực tập trung phát triển nguồn điện và cơ sở hạ tầng liên quan.

Số liệu của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết nước này hiện có 94 nhà máy sản xuất điện, với tổng công suất lắp đặt hơn 11.600 megawatt (MW), trong đó có 81 nhà máy thủy điện, số còn lại là các nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, sinh khối...

Năm 2022, xuất khẩu điện đã đem lại nguồn thu trên 2,3 tỷ USD cho Lào, trong khi nước này chỉ phải chi hơn 40 triệu USD cho việc nhập khẩu điện.

Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, nước này hiện đang xuất khẩu điện sang 6 quốc gia gồm Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Singapore.

Trong thời gian tới, Lào sẽ tiếp tục đàm phán để tăng cường xuất khẩu điện, đồng thời lựa chọn phát triển những nguồn năng lượng có hiệu quả cao, chất lượng tốt, đầu tư thấp và phù hợp với xu hướng hiện nay.

Thủy điện hiện chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện ở Lào và quốc gia này có khoảng 10 dự án điện gió trên đất liền với tổng công suất thiết kế 3,6 gigawatt (GW) đang trong giai đoạn lập kế hoạch.

Mới đây, Lào đã lắp đặt turbine đầu tiên của Dự án Điện gió Gió mùa có công suất 600 MW tại huyện Dakcheung, tỉnh Xekong, Nam Lào, tiếp giáp với Việt Nam.

Đây được cho là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay với 133 turbine gió, chi phí đầu tư ước khoảng 900 triệu USD.

Dự án này không chỉ nằm trong kế hoạch phát triển năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn để phục vụ xuất khẩu, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nguồn dự trữ điện năng của Đông Nam Á.

Theo Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load