(Xây dựng) – Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tiến hành biểu quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XVI nhiệm kỳ 2021 – 2026 biểu quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. |
Theo Quy hoạch, mục tiêu chính của Lào Cai trong giai đoạn tới là phát triển tỉnh trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Tính đến năm 2030, Lào Cai sẽ phấn đấu xếp trong Top 10 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người cao nhất cả nước; xếp trong Top 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến năm 2050, Lào Cai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Các nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được gói gọn trong 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng và 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, trục động lực phát triển của tỉnh sẽ kéo dài dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu và trùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hai cực phát triển bao gồm cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam - Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ và khu vực ASEAN.
Thông qua việc phát triển trục động lực sông Hồng và hai cực phát triển, Lào Cai sẽ trở thành điểm hội tụ văn hóa, hội tụ doanh nghiệp, trung tâm kết nối khu vực và quốc tế; cụ thể là kết nối với thị trường Tây Nam - Trung Quốc.
Lào Cai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của cả nước vào năm 2050. |
Trong khi đó, 3 vùng kinh tế bao gồm vùng trung tâm (thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng), vùng cao (Sa Pa, khu vực phía Tây huyện Bát Xát, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) và vùng thấp (các huyện Bảo Yên, Văn Bàn). 4 trụ cột tăng trưởng bao gồm kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch.
Cuối cùng, 5 nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch bao gồm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, con người Lào Cai.
Phương Trang (Ảnh: Internet)
Theo