Thứ tư 09/10/2024 20:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Làng ven đô và nỗi lo mai một

09:09 | 19/03/2013

Những ngôi làng nằm kề với Hà Nội đang đứng trước rất nhiều thách thức giữa việc bảo tồn và phát triển. Sự phát triển ồ ạt của các dự án trong thời gian qua cho đến khi thị trường BĐS “đóng băng” như hiện nay đã gây nên sự lãng phí lớn với tài nguyên đất.


Làng ven đô thời mở cửa.

Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và thay vào đó là những khu công nghiệp. Sự tĩnh lặng, yên bình vốn có của làng quê đã thay thế bởi sự ồn ào, đông đúc và những tệ nạn xã hội mới phát sinh. Chỉ cần đi dạo một vài vòng các làng ven đô như: Lai Xá, Hạ Đình, Phú Đô, Vạn Phúc, Tây Mỗ, Phú Điền… có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của những ngôi làng. Trước hết phải khẳng định quá trình đô thị hóa là tất yếu do yêu cầu phát triển. Hệ thống hạ tầng đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho việc sản xuất, trao đổi mua bán. Mặc dù các dịch vụ công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu (đây cũng đang là bài toán của các đô thị lớn) nhưng đã bắt đầu có sự thay đổi tích cực. Bác Hoa (cư dân làng Vạn Phúc) chia sẻ: “Tôi sinh sống bao đời nay với nghề dệt lụa truyền thống của cha ông và cũng chứng kiến bao thăng trầm của làng. Chính quyền đã đầu tư để phát triển làng nghề thành địa điểm du lịch không những thu nhập của chúng tôi được cải thiện mà bộ mặt làng quê cũng đẹp đẽ, khang trang lên hẳn”.

Những ngôi làng nằm kề với Hà Nội đang đứng trước rất nhiều thách thức giữa việc bảo tồn và phát triển. Sự phát triển ồ ạt của các dự án trong thời gian qua cho đến khi thị trường BĐS “đóng băng” như hiện nay đã gây nên sự lãng phí lớn với tài nguyên đất. Thêm vào đó là sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đã biến những diện tích đất nông nghiệp màu mỡ thành những dự án đắp chiếu cả thời gian dài. Trong Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, không gian xanh đặc biệt được chú trọng. Và theo đó, hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị… Mỗi ngôi làng trở thành một lá phổi tự nhiên hết sức quan trọng giúp điều hòa không khí, môi trường ô nhiễm ở các đô thị lớn như Hà Nội. Thế nhưng, những diện tích cây xanh tự nhiên đang bị thu hẹp dần khi mật độ xây dựng tăng quá cao, thiếu quy hoạch chi tiết và kiểm soát chặt chẽ. Mỹ từ “làng lên phố” đang được hiểu với những ngôi làng bị bê tông hóa, xanh xanh đỏ đỏ với muôn hình vạn trạng các loại kiến trúc tây ta kết hợp rồi chia lô... Không còn đất nông nghiệp, người dân xoay sang mở ki ốt buôn bán. Theo đó hình thành lối sống bám mặt đường của các đô thị. Sự đô thị hóa diễn ra ồ ạt và nhanh chóng!

Sự thay đổi diện mạo không gian sống của làng còn kéo theo cả sự thay đổi đáng lo lắng về giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp. Những ngôi làng nằm ven Hà Nội phần lớn là các làng nghề. Bên cạnh những làng nghề được bảo tồn và phát triển thì cũng có rất nhiều làng nghề đang “thoi thóp” trong nền kinh tế thị trường. Lớp trẻ không mặn mà với nghề, đổ xô lên TP hoặc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hệ quả, thiếu hụt đi một lượng lớn đội ngũ kế cận và phát triển nghề truyền thống.

Ai cũng nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt của làng từng ngày. Quy hoạch nào cho những ngôi làng ven đô để hài hòa giữ bảo tồn và phát triển? Không có đất nông nghiệp người dân tha phương tìm kế sinh nhai, buôn bán nhỏ lẻ. Các làng nghề ngày càng bị thu hẹp và nguy cơ mất nghề. Diện tích cây xanh tự nhiên đang bị thu hẹp dần…Đô thị hóa là tất yếu, xây dựng nông thôn mới là định hướng đúng đắn của Nhà nước nhưng chính quyền cần có những chính sách cụ thể, thiết thực để tạo kế sinh nhai lâu dài và một tương lai ổn định cho người dân ở những ngôi làng thời mở cửa.

Tường Vy

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load