Những ngày này lên với vùng biên xứ Lạng mới thấy cảnh chợ búa đìu hiu, khách hàng thưa vắng. Phải chăng đã qua rồi cái thời cả TP Lạng Sơn và thị xã vùng biên Tân Thanh, Đồng Đăng được coi như “cái chợ” khổng lồ bán buôn và bán lẻ cho tất cả các cửa hàng bán lẻ và chợ trong cả nước.
Ế ẩm chợ vùng biên
Theo thông lệ, cứ vào quý IV năm trước cho đến quý I năm sau, Lạng Sơn lại tấp nập cảnh tàu xe và những đoàn người lũ lượt xuôi ngược đánh hàng về xuôi. Nhưng trong khoảng 2 - 3 năm nay, lượng người và lượt đi lại dường như giảm hẳn. Một ngày cuối tuần, nhóm phóng viên chúng tôi đã dạo một vòng quanh TP Lạng Sơn và cận cảnh chợ Đông Kinh, địa chỉ vốn đã quá quen thuộc với những người ưa mua sắm. Quang cảnh chung hàng hóa vẫn chất chồng với đủ chủng loại, mẫu mã và màu sắc, đa dạng từ cây kim sợi chỉ đến túi giày, quần áo, điện thoại, đồ chơi, chăn ga gối đệm… và hàng điện tử gia dụng. Tuy nhiên, có điểm khác biệt là lượng khách đi thăm quan, mua bán giảm rõ rệt.
Toàn bộ chợ mới Phú Lộc đóng cửa im lìm.
Các quầy hàng điện tử, đồ điện gia dụng có giá trị cao gần như không có khách vãng lai xem, ngó chứ chưa nói đến mua bán. Trên tầng 2, tầng bán giày dép và đồ lót, tất… tình hình có khá hơn đôi chút vì vẫn có người qua lại nhưng chủ yếu là khách mua nhỏ lẻ, lặt vặt. Nương, chủ một kios trên tầng hai tâm sự: Trước vào mùa cao điểm mỗi ngày doanh thu hàng chục triệu, giờ cả ngày ngồi dài chỉ nhặt nhạnh được phần ba. Khách du lịch thưa thớt mà mua bán cũng dè dặt lắm.
Cũng chung cảnh ngộ, tại chợ biên giới Tân Thanh, dù sắp đến lễ Giáng sinh và Tết nguyên đán nhưng quang cảnh cũng “vắng lặng chợ chiều”. Khoảng một nửa tiểu thương kinh doanh trên các gian hàng ở Tân Thanh là người Trung Quốc nhưng vì kinh doanh ế ẩm nên đóng cửa và treo biển “Đại hạ giá”, “Thanh lý hàng tồn để giải thể cửa hàng”…
Chuyển hướng kinh doanh trung tâm thương mại - Tất yếu?
Điều này không còn nghi ngờ gì nữa bởi ngay tại trung tâm TP Lạng Sơn, chợ Phú Lộc do một DN chuyên kinh doanh BĐS làm chủ đầu tư tọa lạc tại khu đất vàng hạ tầng rất thoáng và đẹp, đã đi vào hoạt động từ năm 2009 nhưng không cầm cự được nên các chủ đăng ký kinh doanh đồng loạt đóng quầy. Thời điểm chúng tôi đi qua, toàn bộ chợ mới Phú Lộc đóng cửa im lìm. Hiện tại chợ Phú Lộc đang đóng cửa bảo lưu hợp đồng thuê cho khách trong vòng 6 tháng nhưng thời hạn này đã sắp hết mà tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa nên khả năng mở cửa chợ rất khó. Theo nguồn tin chưa chính thức, hiện đã có đối tác nước bạn Trung Quốc sang đàm phán thuê lại chợ Phú Lộc làm siêu thị. Một số dự án đầu tư mới đang triển khai trên địa bàn TP Lạng Sơn nhưng không phải là xây chợ mà là đầu tư trung tâm thương mại, chuyển hướng nhập khẩu hàng tiêu dùng cao cấp thay vì hàng chợ rẻ tiền giá nào cũng có và chất lượng thì… không gì bảo đảm.
Đây không phải là xu hướng của riêng kinh tế nước ta. Ông Phùng Quang Hội - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết phía Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách kinh doanh mậu biên nên số lượng thương nhân người Trung Quốc kinh doanh tại cửa khẩu nước ta đã giảm mạnh. Nhiều thương nhân Trung Quốc đang xả hàng chuyển hướng về bên kia biên giới kinh doanh trong các trung tâm thương mại. Còn các chủ hàng Việt Nam cho rằng đồng nhân dân tệ lên giá, mọi thứ đều tăng nhưng chất lượng hàng chợ không tăng nên người tiêu dùng Việt Nam không còn mặn mà với hàng Trung Quốc bình dân nữa. Về phía các chủ hàng Việt Nam cũng thận trọng nhập hàng, chờ đợi xu hướng kinh doanh mới. Phải chăng đó là tín hiệu tốt cho các DN Việt Nam chớp thời cơ khẳng định uy tín, thương hiệu và cạnh tranh giá cả, chất lượng hàng Việt tại thị trường nội địa?
Huệ Anh
Theo baoxaydung.com.vn