Hiện tại, trên địa bàn huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đang có hàng loạt công trình trường học, trạm y tế… xây dựng dang dở nằm chờ vốn. Trong khi đó, nhiều trường học, học sinh vẫn phải học tập trong những ngôi trường tạm bợ, dột nát. Thực trạng này đã gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ và việc học tập của người dân cùng các cháu học sinh.
Trạm Y tế Bình Lương đang chờ kinh phí để hoàn thành, đưa vào sử dụng
Như Xuân là một trong những huyện miền núi của Thanh Hoá, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mọi nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phần lớn đều dựa vào ngân sách Trung ương và tỉnh. Năm 2010, triển khai chương trình kiên cố hoá hệ thống trường, lớp học, toàn huyện có 29 công trình trường, lớp học và 17 công trình nhà công vụ cho giáo viên, tổng đầu tư gần 27 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do nguồn vốn được giải ngân quá chậm, đến nay, vẫn còn 26/46 công trình xây dựng dở dang (mới chỉ hoàn thành được từ 30 - 80% khối lượng công việc). Trong đó, không ít công trình, sau một thời gian nằm phơi mưa nắng, đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Đáng quan tâm hơn, do đầu tư dàn trải, cộng thêm năng lực tài chính của nhà thầu hạn chế, ngân sách địa phương hạn hẹp, nên không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục mà hàng loạt công trình khác, phục vụ cho quốc kế, dân sinh như giao thông, y tế, thuỷ lợi… kinh phí nhiều tỷ đồng cũng lâm cảnh “đắp chiếu” chờ kinh phí.
Là một xã vừa xin rút ra khỏi chương trình 135. Nhưng Bình Lương vẫn là một xã nghèo, còn bộn bề khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tới trên 30%. Những năm qua, nhờ được nhà nước đầu tư, cơ sở hạ tầng của xã đã từng bước được cải thiện, góp phần không nhỏ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do đầu tư chưa đồng bộ, trên địa bàn xã vẫn còn một số công trình thiết yếu cần được xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp. Nhất là trạm Y tế và hệ thống trường mầm non đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân cũng như điều kiện ăn, nghỉ, học tập của trẻ. Do đó, tháng 8/2009, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, trạm Y tế Bình Lương đã được khởi công xây dựng trong niềm vui mừng, phấn khởi của chính quyền và người dân trong xã. Công trình có tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng, do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư, có 11 phòng, tổng diện tích 500m2, theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 4/2010. Nhưng sau một thời gian triển khai, do vốn rót quá chậm (mới chỉ giải ngân được 300 triệu đồng), không thể tiếp tục thi công, nhà thầu đã phải lặng lẽ “rút quân”, bỏ lại công trình mới chỉ xây xong phần móng và tường, nằm chơ vơ cho đến nay. Đứng trước công trình xây dở, nay trở thành bãi cỏ chăn thả trâu bò, bà Đỗ Thị Thuỷ - Trưởng trạm Y tế xã Bình Lương buồn bã tâm sự: “Không biết đến bao giờ công trình mới được xây dựng trở lại để đưa vào phục vụ nhân dân, trạm Y tế hiện nay đã quá cũ kỹ, chật chội. Ngày nắng còn đỡ chứ khi mưa thì nước ngấm khắp nơi, không thể làm việc được, các công trình phụ trợ như bếp ăn, bể nước cũng vậy, quá tạm bợ, nhếch nhác…”.
Cùng chung “số phận” như trạm Y tế, 5 nhà trẻ mẫu giáo được xây dựng tại 5 thôn của Bình Lương, mỗi nhà gồm 2 phòng, trị giá 197 triệu đồng, mới được xây xong phần thô và một phần công trình phụ cũng bị dừng lại từ hơn một năm nay. Theo lãnh đạo xã, tổng kinh phí xây dựng các nhà mẫu giáo là 1,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nhưng mới được cấp 270 triệu đồng nên nhà thầu không thể tiếp tục thi công. Được biết, do chưa có nhà trẻ tại thôn, hàng ngày các cháu nhỏ vẫn phải cùng phụ huynh vượt năm, bẩy cây số đường đất để đến trường, trong khi nhiều gia đình nghèo, bố mẹ còn mải đi làm, không có điều kiện đưa con đi học. Vì thế, nhiều cháu đã phải bỏ học. Trước thực trạng 2 công trình dân sinh cấp thiết, kinh phí 4 tỷ đồng xây dựng dở dang, UBND xã đã nhiều lần “kêu” lên huyện, lên tỉnh. Nhưng vẫn chưa có kết quả.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Tình trạng nhiều công trình đang xây dựng phải ngừng lại xảy ra không chỉ riêng ở Bình Lương mà nhiều xã khác cũng vậy. Nguyên nhân là do thiếu vốn, nhà thầu dù đã cố gắng nhưng khả năng có hạn nên đành phải ngừng thi công. Trong điều kiện ngân sách quá eo hẹp, huyện cũng chỉ còn mỗi cách là làm tờ trình báo cáo lên trên. Đồng thời đang có kế hoạch tìm nguồn vốn bổ sung để có thể ưu tiên hoàn thành một số công trình thiết yếu trước. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo quản, giữ gìn những công trình đang xây dở, giảm thiểu nguy cơ hư hỏng, mất mát.
Đào Nguyên
Theo baoxaydung.com.vn