Trong những ngày đầu tháng bảy âm lịch- tháng mà người dân quen gọi là "tháng cô hồn", chúng tôi đã tìm đến các "làng địa phủ" ở Thường Tín, Hà Nội. Người dân những làng nghề này đang tất bật làm hàng để kịp giao cho các đại lý vàng mã. Vẻ yên bình của làng quê như bị phá vỡ bởi không khí tất bật sản xuất đồ hàng mã.
Phúc Am (Duyên Thái), Văn Hội (Văn Bình), Phố Chợ (Đỗ Xã) thuộc huyện Thường Tín nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, được nhiều người biết đến là nơi sản xuất hàng mã đã có từ lâu đời và sản phẩm được xuất đi nhiều nơi. Những ngày đầu "tháng cô hồn", hàng mã được sản xuất, bày khắp trong nhà đến ngõ phố.
Trong các xã, mỗi gia đình đảm nhiệm một công đoạn sản xuất đồ hàng mã. Trong ảnh: Gia đình anh Nguyễn Duy Hưởng (48 tuổi) ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình chuyên làm "ông ngựa".
Các công đoạn được làm công phu và tỉ mỉ...
Đặc biệt, người dân nơi đây rất khéo tay trong việc đan lát các đồ hàng mã với đủ kích cỡ và màu sắc khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của những người mua khó tính nhất.
Cả làng Phúc Am, Văn Hội... hầu như nhà nào cũng làm mã. Vừa thoăn thoắt cắt dán những tờ giấy nhiều màu sắc, anh Nguyễn Văn Quang (Phúc Am, Duyên Thái) vừa kể, gia đình đã làm mã lâu năm nên rất có uy tín. Không chỉ đem bán ở Hà Nội, gia đình còn đưa hàng đi tận Lạng Sơn, Hải Phòng…
Tháng cô hồn - với phong tục cúng chúng sinh, cùng lễ Vu Lan (rằm tháng 7), khiến nhu cầu hàng mã của người dân tăng cao. Cả gia đình và 8 nhân công đang gấp rút làm để kịp giao cho mấy đền, phủ. “Nhu cầu hàng mã ngày cúng chúng sinh, lễ Vu Lan tăng lên rất cao. Ai cũng luôn tay luôn chân mà vẫn không hết việc”, anh Quang nói.
Anh Quang cho biết, hầu hết các công đoạn của người dân ở đây đều làm bằng tay: Làm khung, cắt, dán, trổ hình, làm thoi...
Phục vụ cho "tháng cô hồn" nên "ngưu đầu, mã diện" (đầu trâu mặt ngựa), thiên binh thiên tướng, võ quan, quỷ la sát... được sản xuất nhiều hơn cả.
Những “Ông voi”, “Ông ngựa” được sản xuất tại làng do mỗi gia đình chuyên làm hoặc có thể được lấy từ các làng khác. Sau khi có khung rồi thì dán giấy và trang trí cho các “Ông ngựa”, “Ông voi” thật lộng lẫy.
Ngựa giấy là một món hàng mã đòi hỏi sự kỳ công, tốn thời gian và mỗi nhà, mỗi người lao động thường chuyên trách một công đoạn. Có những "Ông ngựa" giá bán tới 2 triệu đồng. Còn những ngựa giấy kích thước nhỏ, trung bình cũng 300.000 - 600.000 đồng.
Gia đình Bình Minh - một đại lý vàng mã lớn ở đây cho biết, vào những ngày sôi động, một hộ sản xuất ở đây có thể bán đến 10 triệu tiền hàng. Gia đình dành cả ngôi nhà 3 tầng để chứa hàng sau khi sản xuất xong để bán cho khách.
Hàng của các địa phương chủ yếu xuất đi các đầu mối ở chợ Long Biên rồi mang đi khắp nơi như Hà Nội, Nam Định, một số hộ còn đưa hàng vào cả Thanh Hóa, Nghệ An...
Trong các "làng địa phủ", ô tô luôn luôn trực chờ xếp hàng chở đi khắp nơi.
Nghề hàng mã không biết có từ bao giờ, được truyền từ đời này qua đời khác, các công đoạn sản xuất đều rất công phu, tỉ mỉ... cuối cùng cũng đốt thành tro bụi nhưng vẫn được người dân nơi đây duy trì.
Theo LĐO
Theo