Trong suốt những ngày vừa qua, dư luận, báo chí và rất nhiều các nhà khoa học, nhà quản lý đã lên tiếng về Quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì. Ý kiến đồng thuận có, phản biện có nhưng hầu hết những tiếng nói “có trọng lượng” đều giúp dư luận hiểu rằng, việc quy hoạch, giữ đất để làm trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ mở ra tương lai cho Hà Nội sau này.
Quỹ đất cho giao thông đô thị
Trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 9/2010, ông Hồ Nghĩa Dũng - Bộ trưởng GTVT cho rằng, cần quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì về lâu dài để giữ đất và đảm bảo nhu cầu giao thông của Thủ đô hơn 10 triệu dân trong tương lai. Theo đó, trong Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội do Bộ GTVT thực hiện, đã được Thủ tướng phê duyệt, chưa có trục Hồ Tây - Ba Vì. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập Thủ đô thì đã có ý tưởng quy hoạch quỹ đất để một số cơ quan hành chính xây dựng ở đó. Như vậy, việc các nhà quy hoạch đã “vẽ” nên trục Thăng Long (trước đây) hay trục Hồ Tây - Ba Vì là hợp lý.
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng. |
Ở góc độ là người đứng đầu ngành giao thông, ông Dũng rất đồng ý với ý tưởng này, ông cho rằng, trục giao thông Hồ Tây - Ba Vì không đơn thuần là giao thông mà còn là trục kết nối, trục giao thông đô thị sinh thái văn hóa, tạo điều kiện phát triển các trung tâm văn hóa dọc 2 trục trong tương lai. Bên cạnh đó, QL32 hiện không còn là đường hướng tâm nữa mà trở thành đường đô thị, cho nên về lâu dài, cần có quỹ đất cho giao thông, như trục Hồ Tây - Ba Vì và một số trục nữa.
"Trong quy hoạch đặc biệt là quy hoạch giao thông, chắc chắn tầm nhìn phải khoảng 50 năm trở lên. Hiện, quỹ đất dành cho giao thông chưa phải là đã nhiều, đặc biệt cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô hơn 10 triệu dân. Chúng ta cần quy hoạch trục đường này về lâu dài, tất nhiên chưa phải đầu tư ngay trong lúc này, cần quy hoạch để giữ quỹ đất và quy hoạch các khu không gian nối trung tâm Hà Nội với Ba Vì trong tương lai", ông Dũng nói.
Trước đó, trong một cuộc nhận xét, đóng góp cho đồ án Quy hoạch chung Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cảnh báo: Nếu tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, Hà Nội sẽ nhanh chóng hết đất. Và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng nói: "Điều quan trọng nhất với Hà Nội là sớm hoàn thiện quy hoạch, trên cơ sở đó, có những cơ chế đặc thù, làm sao đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, đặc biệt là phát triển giao thông và đô thị".
Bản sắc mới trong trục không gian hiện đại
Trước khi công bố đề xuất quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì, các nhà tư vấn đã nhiều lần khẳng định, hầu hết các đô thị danh tiếng trên thế giới đều tạo dựng những không gian có tính chất trọng tâm, tiêu biểu nổi bật để xây dựng bản sắc đô thị. Theo PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường người có nhiều năm làm công tác quy hoạch đô thị Hà Nội, việc bố trí không gian gắn kết với nhau theo một tuyến, trục nhằm tạo nên hình ảnh tổng thể của các không gian có ý đồ, tạo lập hiệu quả nhận thức không gian, khả năng cảm thụ thị giác cao, dễ tạo ấn tượng tổng thể hơn các không gian riêng lẻ. Ngoài ra, mỗi đô thị tìm cho mình những cách thể hiện trục trung tâm khác nhau và những thành công ấy đáng để cho Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn học tập khi lập quy hoạch.
Cụ thể, nếu nhìn sang các thành phố như Washington, thì đó là khu vực công viên với các con đường đi bộ trong các khoảng trống của không gian. Không gian được tổ hợp bởi 2 trục vuông góc trong đó có trục chính là trục từ Điện Capitol, qua đài liệt sỹ đến đài tưởng niệm Lincoln, chiều dài khoảng 1.000m. Trục của Dehli có tuyến ôtô chạy hai bên, phần vườn hoa với các hoạt động đi bộ, văn hoá ở giữa khoảng rộng tới 100m. Trên trục trung tâm là những công trình quan trọng, đặc biệt là ở điểm đầu và cuối mang tính biểu tượng của thành phố hay cả Quốc gia. Trục trung tâm của Dehli khởi đầu là cổng Ingdia Gate và kết thúc là toà nhà của Chính phủ dài khoảng 4km. Đại lộ Champs-Élysées của Paris, mở đầu là quảng trường của bảo tàng Louvre, qua Khải hoàn môn, được kéo dài tới đại lộ Charles de Gaule và có kết thúc trục hoàn hảo bởi công trình La-Defence, một tác phẩm xuất sắc về thiết kế đô thị của thế kỷ XX…
Phối cảnh trục Hồ Tây - Ba Vì.
Nhìn vào Thủ đô Hà Nội chúng ta cũng có nhiều không gian đẹp, mang dấu ấn của quy hoạch thời Pháp để lại. Ví dụ với trục không gian từ Ngân hàng Nhà nước ra bờ hồ Hoàn Kiếm qua tượng đài Lý Thái Tổ hay đường Tràng Tiền với điểm kết là Nhà Hát lớn. Với quy mô đô thị 5 vạn dân, diện tích vài chục km2 thì những trục không gian như thế, tuy không lớn cũng đã là rất thành công. Chính vì vậy, dễ hiểu sự quyết tâm và công phu của các tác giả lập Quy hoạch Hà Nội hiện nay khi lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đã cố gắng tìm kiếm vị trí để tạo lập một trục không gian trung tâm mới của Hà Nội… “Vì vậy, có thể nói việc tìm kiếm thiết lập một trục không gian trung tâm có kiến trúc cảnh quan tiêu biểu cho đô thị Hà Nội mới là một nhu cầu thực sự bức thiết. Dịp quy hoạch mới này là một cơ hội cho TP Hà Nội để xác lập lại bản sắc của mình, khi nội thành đã quá chật chội và khá hỗn tạp.” - KTS Cường nói.
Trong buổi họp báo Chính phủ vừa diễn ra, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, xung quanh quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì có nhiều ý kiến góp ý từ các nhà tư vấn, hội nghề nghiệp, từ UBND TP Hà Nội... Chính phủ sẽ lắng nghe, xem xét cụ thể trước khi quyết định chính thức về việc này.
Ngọc Minh Châu
Theo baoxaydung.com.vn