Thứ bảy 14/09/2024 04:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Làm sao để ngăn ngừa sự cố công trình tháp thép dạng dàn?

14:30 | 26/04/2016

(Xây dựng) - Sự việc đổ hàng loạt cột điện đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa xảy ra vào khoảng sáng 22/4. Ngày 23/4, chúng tôi có mặt tại hiện trường nơi sự cố xảy ra thuộc địa bàn xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nhiều cột điện nằm giữa cánh đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do gió gây ra từ đêm trước, cột thì nghiêng, cột gãy một nửa, dây điện bị đứt, võng nằm ngổn ngang. Nghiêm trọng nhất, trụ số 199 bị gió thổi bật tung cả móng, cả cột điện cao vài chục mét nằm dài trên ruộng lúa. Hàng chục công nhân đang khẩn trương tiến hành tháo dỡ phần hư hỏng của những chiếc cột điện này.

Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Cảnh tượng khiến người ta liên tưởng phải có một trận "siêu bão" đi ngang qua mới làm đổ cột điện được thiết kế bê tông cốt thép ở phần móng và thân là khung thép kiên cố. Tuy nhiên điều ngạc nhiên là những vườn cây, ngôi nhà tạm bợ, lợp mái bằng nhựa, tôn và nhà dân ở sát khu vực cột truyền tải điện 500kV đổ gãy này không có biểu hiện ảnh hưởng do gió lớn đi qua. Thậm chí, vườn chuối nằm sát chân cột điện bị đổ này vẫn đứng yên không có một cây nào rạp lá hay gãy thân.

Theo một số người dân địa phương nơi xảy ra cột điện bị gãy đổ cho biết, sức gió hôm 22/4 không thực sự lớn, nếu cột điện làm đúng theo tiêu chuẩn thì không thể nào đổ sập được. Ông Khang, người dân có trang trại ở cạnh đó, cũng là người theo dõi toàn bộ sự việc cho biết: "Lúc đổ cột điện gió khá to, nhưng mức gió như thế mà làm đổ cột điện kiên cố thì không có, tôi nghĩ là cột điện cao thế thì gió phải giật cực mạnh mới đổ. Cột này làm tác động đổ cột kia, tôi thấy có sự chuyển động của cột khoảng 10 phút, cột này nghiêng sau đó vặn rơi cột kia. Không biết còn bao cột điện khác có tình trạng như thế này?".

Tại vị trí chiếc cột điện bị hư hỏng nặng nhất, trụ số 199, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, phần móng của 2 chân cột gãy đổ đã bị phá ngay trong đêm. Khi được hỏi, ông Khang khẳng định: "Có 2 người lạ mặt, lúc tối cho máy xúc tiến vào nhưng tôi không cho, thừa lúc tôi về ăn cơm họ đã cho máy xúc tiến vào vườn cam của tôi nhưng tôi không đồng ý và yêu cầu nếu tiến vào sẽ phải đền bù vườn cam cho tôi". Tuy nhiên, theo ông Khang, khi ông đi về nhà cách trang trại không xa thì nghe tiếng máy móc hoạt động, khi ông quay ra thì máy xúc đã làm việc được khoảng 15 phút. Thấy vậy, ông liền báo cho người trông hiện trường ngủ ở trang trại và sau đó về đi nghỉ. Sáng ra đến hiện trường thấy phần móng của 2 chân cọc đã bị máy múc đào bới.

Theo Công an huyện Yên Dũng, phía Công an huyện đã phối hợp cùng với cấp trên lập biên bản yêu cầu giữ nguyên hiện trường. Việc phá bỏ hiện trường này đã vi phạm pháp luật, tang vật bỏ lại là một chiếc máy xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa là đường dây mạch kép, có chiều dài 139km truyền tải điện năng từ Cụm nhiệt điện Quảng Ninh - Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia, cung cấp điện cho nhu cầu phụ tải khu vực phía Bắc. Đường dây có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Đường dây là dự án năng lượng cấp I do TCty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành. Cty CP Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, Cty CP Xây lắp điện 1 và TCty CP Xây dựng điện Việt Nam là hai đơn vị thi công công trình.

Sự việc khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thi công công trình. Nhiều người đặt câu hỏi, với mấy cọc thép vừa bé, vừa ngắn gắn ở chân cột cùng với chất lượng bê tông như vậy làm sao đủ sức chống đỡ khối thép khổng lồ bên trên?

Theo người am hiểu về ngành Điện lực thì với sức gió nhẹ như thế không thể gây đổ cột, thậm chí bật cả gốc. Điều đáng nói ở công trình này, Ban A miền Trung là đơn vị nghiệm thu, rồi bàn giao cho NPT là vừa đá bóng, vừa thổi còi; vừa làm ra sản phẩm rồi chính TCty lại nghiệm thu. Câu hỏi đặt ra liệu có sự thông đồng với nhau hay không? Cũng theo vị này, hiện nay trên cả nước, lĩnh vực xây lắp cột điện gần như chỉ có 4 nhà thầu và thường đưa ra giá thành rất cao.

Đang đợi xác định nguyên nhân

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 25/4, Bộ Xây dựng có công văn gửi Bộ Công Thương về việc giải quyết sự cố này. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc kiểm tra thiết kế và công tác thẩm định thiết kế, công tác thi công xây dựng và công tác kiểm tra nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình đường dây tải điện 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 46/2015/NĐ-CP căn cứ vào loại công trình, cấp sự cố và thông báo kết quả về Bộ Xây dựng khi hoàn thành.

Trong khi chờ cơ quan chức năng giám định, kiểm tra và đưa ra nguyên nhân sự cố, chúng ta cùng nhìn lại một số sự cố sập đổ công trình tháp thép dạng dàn đã từng xảy ra. Theo thống kê, những năm 1991 - 1993, nước ta đã xây dựng trên 3.000 cột điện có chiều cao từ 30 - 82m cho đường dây tải điện 500kV Bắc Nam. Gần đây, nhiều nơi trong cả nước đã xây dựng nhiều cột tháp khá cao như tháp truyền hình ở Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM…

Trong mùa bão năm 2012 - 2013, những cơn bão lớn cấp 11 - 12 đã gây ra nhiều sự cố sập đổ cột tháp anten truyền thông trên địa bàn nhiều tỉnh thành gây hoang mang, lo lắng trong dư luận. Trong số đó, dư luận vẫn còn bức xúc vì sự cố sập đổ cột tháp truyền hình Nam Định cao 180m ngày 28/10/2012, sự cố sập đổ cột tháp phát sóng cao 150m của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Quảng Bình ngày 30/9/2013…

Cần rút ra những bài học

Hiện tại, ở mỗi TP nước ta có đến hàng trăm cột tháp thép, được xây dựng khá đa dạng với các hình dáng, chiều cao và vị trí khác nhau. Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Quang Viên, việc quản lý chất lượng và an toàn trong vận hành của chúng để đảm bảo an sinh cho xã hội là rất khó. Sự đầu tư xây dựng với tốc độ dồn dập cho loại công trình đặc biệt có độ thanh mảnh lớn, dao động lớn và lắp đặt chủ yếu ở trên cao sẽ dẫn đến nhiều sự cố không mong đợi cũng là điều dễ nhận biết.

Qua khảo sát thực tế ở nhiều công trình, thông qua các sự cố sụp đổ điển hình, PGS.TS Nguyễn Quang Viên thống kê một loạt những yếu điểm, sai sót mà các đơn vị liên quan đến công trình này đã mắc phải ở tất cả các giai đoạn xây dựng như khảo sát địa hình, địa chất, tư vấn thiết kế, chế tạo cấu kiện, lắp dựng công trình, giám sát thi công và sử dụng quản lý.

Ông Viên phân tích, về thiết kế, các lỗi gặp phải như sơ đồ hệ thanh không hợp lý, độ mảnh của các thanh thành phần không được chú trọng đúng mức, chọn vật liệu không tương xứng, tùy tiện lựa chọn bu lông, tải trọng gió không hợp lý về giá trị và cách thức xác định…

Về chế tạo cấu kiện, có thể do chất lượng thép đưa vào công trình không đảm bảo; liên kết bu lông không đảm bảo; hàn không đúng quy trình; không quản lý được chất lượng gia công cấu kiện do nhập nguyên chiếc toàn tháp…

Về sử dụng và giám sát xây dựng, việc thẩm tra chất lượng chỉ được tiến hành với các tháp được thiết kế trong nước. Tuy nhiên, có những chủ đầu tư đến khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng vẫn không trình được cho Hội đồng kiểm tra bản tính của tư vấn thiết kế và bản thẩm tra của đơn vị thẩm tra. Với các tháp được thiết kế ở nước ngoài thì chỉ chọn mẫu như chọn một thiết bị, thường chỉ theo chiều cao mà không lưu ý đến vùng gió và địa hình xây dựng.

Ngoài ra, không bảo trì hoặc bảo trì không thường xuyên; mặt móng của tháp bị thấp hơn so với mặt sân xung quanh làm móng đọng nước… cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự cố công trình. Ngay cả các tiêu chuẩn riêng cho việc nghiệm thu kỹ thuật và quản lý chất lượng công trình đặc biệt này ở nước ra vẫn chưa có.

Tại cuộc hội thảo về Công trình xây dựng - sự cố và các giải pháp đảm bảo an toàn, ông Nguyễn Tiến Mỹ - Cty CP Tư vấn thiết kế Bưu chính viễn thông - PCC nêu dẫn chứng: Ở công trình xây dựng cột ăng ten phát sóng, chúng ta cũng đã gặp những sai sót về thiết kế như sự cố đổ cột ăng ten 100m Quản Bạ - Hà Giang do khảo sát mặt bằng không kỹ, làm trên đỉnh núi, diện tích hẹp, móng sát bờ vực nên làm xong bị nghiêng lún. Hay cột ăng ten cao 85m ở Sơn Trà - Đà Nẵng do thiết kế kết cấu khung yếu khi có bão đã nghiêng tới 1,4m tại đỉnh.

Bên cạnh đó, những sai sót về chế tạo và xây lắp ngày một nhiều. Hiện nay, tuy máy móc, công cụ đã tốt và hiện đại hơn so với trước đây nhưng trình độ cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật ngày càng kém về kiến thức lẫn tư cách nghề nghiệp. Do đó, không thể phủ nhận đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cố hư hỏng công trình.

Để tìm ra nguyên nhân sự cố mỗi công trình tháp thép dạng dàn, cần có thời gian và sự tham gia của nhiều chuyên gia. Tuy nhiên, mùa mưa bão đang đến gần, cơ quan chức năng và các địa phương cần chú trọng hơn trong việc kiểm tra, bảo trì các công trình đặc biệt này, để tránh những sự cố đáng tiếc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khắc phục nhanh sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh (trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), bảo đảm truyền tải và cung cấp điện an toàn, ổn định; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cung cấp điện trong thời gian khắc phục sự cố; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, chất lượng các công trình đường dây nói chung và đặc biệt là công trình đường dây 500kV, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy trong mùa mưa bão.

 

Tống Toàn - Gia Bảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load