Thứ hai 07/10/2024 16:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Làm sạch đường ống cấp thoát nước - Kinh nghiệm từ Tây Ninh

19:30 | 23/02/2016

(Xây dựng) - Súc rửa đường ống cấp thoát nước là để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng cũng như nguồn nước ngọt tại các Cty cấp nước. Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Tây Ninh đã đưa ra những kinh nghiệm đáng ghi nhận về việc súc rửa đường ống cấp từ hệ thống đường ống truyền tải và phân phối.


Ảnh minh họa.

Ở Tây Ninh, nguồn nước thô của nhà máy lấy từ kênh Tây hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng. Nước thô sau khi qua hệ thống xử lý của nhà máy nước Tây Ninh thì chất lượng đầu ra vẫn đảm bảo theo các quy định hiện hành. Trong đó đáng lưu ý nhất là hàm lượng sắt (0,1mg/l) và mangan (0,05mg/l) thấp hơn rất nhiều lần theo quy định cho phép của TCVN 01:2009/BYT (hàm lượng sắt ≤0,3mg/l, mangan≤0,3mg/l).

Tuy nhiên trong quá trình nước vận chuyển thì vẫn có tình trạng các chất này bám trên thành đường ống tạo thành các lớp cặn. Theo thời gian, lớp cặn bám này ngày càng dày hơn. Dưới tác động của áp lực dòng chảy trong quá trình xáo trộn của việc dừng nước để sửa chữa cũng như việc mất điện hay đóng van đột ngột đã gây ra tình trạng làm bong tróc các lớp bám trên bề mặt đường ống và cuốn theo nước đến các hộ sử dụng.

Để xử lý tình trạng này thì biện pháp đầu tiên mà Cty áp dụng đó là biện pháp xả nước cuối mạng cho đến khi thấy nước trong trở lại thì dừng. Việc áp dụng biện pháp này hiệu quả rất thấp cũng như tiêu hao rất nhiều nước sạch do Cty sản xuất, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức của tập thể cán bộ công nhân viên Cty.

Ngoài ra, Cty cũng đã áp dụng 2 biện pháp khác là súc rửa bằng hóa chất và súc rửa bằng các biện pháp cơ học. Với biện pháp súc rửa bằng hóa chất thì phải sử dụng các hóa chất ngoại nhập mà trong nước chưa sản xuất được cho nên chi phí rất cao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa thể nào lường trước được những phản ứng hóa học có thể xảy ra trong và sau quá trình thực hiện.

Còn biện pháp súc rửa bằng các biện pháp cơ học (nhờ vào việc cọ sát hay tiếp xúc giữa thành ống với các thiết bị súc rửa, cụ thể là polly-pigs để làm cho thành ống sạch hơn) có tính khả thi cao, dễ thực hiện, không xảy ra các phản ứng hóa học nào trong và sau quá trình súc rửa, đem lại hiệu quả súc rửa cao. Nhưng polly-pigs lại là thiết bị ngoại nhập giá thành lại rất cao. Chính vì vậy Cty cấp nước Tây Ninh đã đề xuất đưa ra quả mút xốp có hình dạng và công dụng tương tự như polly-pigs nhưng chi phí rất thấp từ việc tận dụng các mút xốp có giá 30.000 đồng/kg để chế tạo nên.

Việc thực hiện súc rửa đường ống bằng mút xốp được tiến hành qua 4 bước như xác định vị trí tuyến ống cần súc rửa. Vị trí đưa quả mút vào trong ống có thể là một đoạn ống nối nằm ngay sau vị trí van chận tuyến. Theo đó, đặt mút vào vị trí miệng tê và chèn từ từ về phía đường ống ra như hình bên dưới. Mở từ từ van chặn để đến áp lực nước cần thiết. Nhờ chênh lệch áp lực phía trước và phía sau của quả mút nên mút sẽ dần di chuyển về phía cuối. Trong lúc di chuyển, nhờ sự cọ sát giữa mút và thành ống nên các chất bám trên bề mặt thành ống sẽ bong tróc ra và được dòng nước cuốn theo ra ngoài. Do tính năng mềm của mút nên với áp lực đủ lớn thì mút cũng có thể di chuyển qua được các van, co, tê có cùng đường kính với đoạn ống súc rửa.

Tại vị trí cuối, có thể bố trí các hố thu hoặc các đoạn ống mềm để đưa nước bẩn trong quá trình súc rửa đến cống xả và tiến hành thu hồi quả mút tại vị trí cuối tuyến, hoàn tất chu trình súc rửa.

Biện pháp này sử dụng hiệu quả rất tốt đối với hệ thống đường ống lần đầu tiến hành súc rửa. Đối với hệ thống đã súc rửa thường xuyên thì lớp cặn bám còn lại rất chắc thì hiệu quả của phương pháp này sẽ kém đi. Trong trường hợp này cần nghiên cứu biện pháp súc rửa mới có hiệu quả tốt hơn.

Trên cơ sở lý thuyết của phương pháp, việc tiến hành thực hiện thử nghiệm cho hệ thống đường ống được bố trí các co, van, tê trên mặt đất để thấy hiệu quả và tính khả thi của phương pháp. Sau khi thực hiện thì hầu hết các kỹ sư nhận định rằng với áp lực dòng nước từ 1,5 - 2kg/cm2, mút xốp có thể di chuyển qua tất cả các chướng ngại được bố trí sẵn.

Cty quản lý đã súc rửa thực nghiệm cho hệ thống đường ống cấp nước tại đường Trưng Nữ Vương thuộc phường 1, TP Tây Ninh, có đường kính ống 150mm và chiều dài 1200m. Áp lực trong hệ thống lúc thực hiện khoảng 2kg/cm2 thì mút xốp có thể di chuyển qua cầu cùng với 4 co gang 45 độ trong thời gian 17 phút với lượng nước là 25m3.

Thêm một thực nghiệm cho hệ thống đường ống trên đường 785 thuộc TP Tây Ninh với chiều dài ống 4.809 m, vượt qua 2 đoạn qua cầu cùng với 8 co gang 45 độ, đường kính 200mm. Trong lần thực hiện đầu tiên, sử dụng 1 quả mút xốp có đường kính 250mm với thời gian thực hiện 66 phút. Lần thực hiện thứ 2 sử dụng 2 quả mút xốp theo thứ tự ưu tiên 250mm và 300mm, giãn cách giữa 2 lần chèn quả mút là 1 phút. Tổng thời gian thực hiện việc súc rửa là 104 phút. Sau hai lần thực hiện, hiệu quả súc rửa của phương pháp rất cao.

Theo kinh nghiệm của Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Tây Ninh, việc sử dụng kích thước mút xốp sau khi chế tạo thành phẩm phải đạt từ 1,5 đến 2 lần đường kính đường ống cần súc rửa. Để phục vụ súc xả định kỳ thì trên mạng phải phát sinh thêm một số công trình như hầm, hố thu để đưa mút xốp vào phía trong ống cũng như thu hồi sau khi thực hiện xong.

Đối với những hệ thống có áp lực yếu thì cần bổ sung bồn chứa từ 5-10m3 với máy bơm tiếp áp để hổ trợ trong quá trình súc rửa. Trong thiết kế lắp đặt mới, tuyến ống ban đầu cần phải lắp đặt tê để phục vụ cho việc súc rửa ống trước khi đưa vào sử dụng và phục vụ súc rửa đường ống sau này.

Việc thực hiện được công tác súc rửa này là giải pháp tức thời nhưng cũng đã giải quyết rất nhiều vấn đề bất cập hiện nay trong Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Tây Ninh. Về lâu dài và là cốt lõi của vấn đề, các Cty phải giải quyết triệt để hàm lượng các chất dễ bám cặn trong chất lượng nước đầu ra tại nhà máy xử lý nước để đảm bảo chất lượng nước tới người tiêu dùng.

Thanh Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load