Thứ bảy 20/04/2024 14:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Làm gì để nhà vườn không còn lênh đênh bơi theo “sóng nước” giá trái cây?

11:11 | 17/09/2020

(Xây dựng) – Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 300.000ha cây ăn quả, với sản lượng gần 4 triệu tấn/năm, được xem là vùng cây ăn quả lớn nhất nước. Mặc dù, vườn cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển từ nhiều năm qua nhưng mỗi năm đến mùa trái chín là nhà vườn lại thắc thỏm lo âu không biết giá trái cây trồi sụt như thế nào? Bởi nhà vườn chỉ biết trồng cây ăn trái chứ không quyết định được giá cả mà phó mặc cho thị trường. Giá cả thị trường như “sóng nước” vậy, khi nước lớn, nước ròng.

lam gi de nha vuon khong con lenh denh boi theo song nuoc gia trai cay
Ông Trương Văn Sum bên gốc mít đang sắp thu hoạch.

Hết mưa trời lại sáng

Có thể nói chưa năm nào nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn như năm nay. Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long đón thiệt hại kép là vừa bị hạn mặn xâm nhập, cây trái khô khéo, vừa bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 không xuất khẩu trái cây được làm rớt giá thê thảm. Nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm giá đến 50-70%, nhà vườn lao đao theo đại dịch Covid-19. Chưa bao giờ nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long phải gặp đại họa như vậy.

Hồi đầu mùa dịch Covid-19, về huyện Kế Sách gặp, ông Ngô Văn Hậu - chủ vườn ven đường Nam Sông Hậu (An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết do xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc gặp khó khăn, các chủ vựa không mua trái cây nên thương lái cũng không đến vườn mua. Ông Hậu, bộc bạch: “Năm ngoái, mùa này bán trái cây tiền vô thấy ham. Mít 60.000 -70.000 đồng/kg, vú sữa 15.000 - 20.000 đồng/kg. Mấy đứa em bà con tôi nó chỉ có mấy công mít mà bán được 8 tỷ đồng. Năm ngoái, có người ở xóm tôi bán trái mít hơn 30kg, với giá 60.000 đồng/kg, tính ra một trái mít bán được gần 2 triệu đồng.

Mọi năm, xuất khẩu được, hàng hút nhiều lái đến tận vườn mua mít, không cần lớn nhỏ cứ có mít già là họ hái. Giá cao nhất 70.000 đồng/kg, tệ nhất cũng 20.000 đồng/kg. Còn năm nay, bên Trung Quốc có dịch bệnh gì đó, các vựa trái cây ở đây sợ qua đó bị lây nhiễm không dám đi nên lái đâu có vô vườn mua. Chỉ một số ít lái mua về bán các chợ, giá rẻ bèo chỉ 5.000 đồng/kg mít, mà phải là mít loại loại 1 (9-10/kg trái). Vú sữa cũng vậy chỉ có 5.000 đồng /kg. Thấy rẻ quá, vợ tôi mới hái mít, vú sữa… ra trước lộ bán bán cho khách đi đường. Mít thì bán được 10.000 đồng/kg, còn vú sữa 15.000 đồng/2kg. Tính ra với gần 8 công vườn của tôi với tình hình như vậy phải mất ít nhất 50-70 triệu đồng”.

Nhớ mấy tháng trước, không chỉ có mít mà dưa hấu, thanh long, chôm chôm... cũng đổ đầy ra các vỉa hè thành phố Cần Thơ bán giá rẻ bèo. Thanh long loại trái nhỏ 10.000 đồng/3kg, loại lớn 8.000 đồng/kg, chôm chôm thường 5.000-8.000 đồng/kg... Hệ thống siêu thị BigC, Mega Market, Saigon Co.opMart, Vinmart… cùng với nhiều ngành đã tham gia “giải cứu” dưa hấu, thanh long cho nhiều địa phương. Tại BigC Cần Thơ bán thanh long ruột đỏ miền Tây 10.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ 4.200 đồng/kg. Đây là chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân miền Tây” của BigC. Mega Market với chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ cùng nông dân miền Tây”, Mega Market Hưng Lợi (thành phố Cần Thơ), bán thanh long ruột đỏ giá 11.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ 7.500 đồng/kg… Nhiều mạnh thường quân Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, còn bỏ tiền ra mua hàng tấn dưa hấu tặng cho người tiêu dùng nhằm “giải cứu” cho người trồng dưa hấu...

Giá trái cây sụt giảm tới đáy rồi cũng bật lên. Khi Covid-19 hoành hành, Trung Quốc không nhập khẩu mít, nhà vườn trồng mít ở huyện Châu Thành, nơi xem là xứ sở mít tỉnh Hậu Giang, với khoảng 1.500ha (toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 5.500ha trồng mít) chỉ bán được 4.000 – 5.000 đồng/kg đều thất vọng, nhà vườn cắt trái bỏ để dưỡng cây, có nhà vườn chặt cả mít để trồng cây khác. Khoảng 4 tháng trước, mít của Châu Thành thê thảm như vậy nhưng bây giờ về lại đây giá mít đã tăng lên 10 lần so với đợt Covid-19 lần đầu năm.

lam gi de nha vuon khong con lenh denh boi theo song nuoc gia trai cay
Các vựa mít huyện Châu Thành mua mít để xuất khẩu.

Ông Hai Long - Chủ vựa mít Long (Châu Thành), chuyên cung cấp cho các nhà xuất khẩu mít sang Trung Quốc, cho biết giá mua mít tại vựa loại I (từ 9kg/trái trở lên) là 50.000 đồng/kg, loại II (7-9kg/trái) là 40.000 đồng/kg và loại III (5-7kg/trái) giá 30.000 đồng/kg. Giá này cao gấp gần 10 lần so với giá mít sau Tết. Còn ông Trương Văn Sum, nhà vườn chuyên trồng mít tại thị trấn Ngã Sáu (Châu Thành) cho biết lái đến vườn mua mít loại I giá 45.000 đồng/kg. “Mọi năm mít bán được 50.000 – 60.000 ngàn đồng/kg, khi qua Tết xuất mít sang Trung Quốc không được giá chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, nhà vườn tụi tôi nghĩ mùa mít năm nay tiêu rồi. Bây giờ, Trung Quốc ăn hàng nhiều lại, giá lên 40.000-50.000 đồng/kg, nhà vườn tụi tôi khỏe lại rồi”, ông Trương Văn Sum chia sẻ.

Hiện mùa trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã vào cuối vụ nên dù giá bật tăng mạnh trở lại như các loại trái cây bán tại siêu thị BigC Cần Thơ, như: Sầu riêng RI 6 79.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 36.900 đồng/kg, ruột trắng 32.900 đồng/kg, dưa hấu 13.200 đồng/kg... Hết mưa trời lại sáng nhưng với giá trái cây tăng vọt gấp nhiều lần nhưng tiếc rằng rất ít nhà vườn có trái để bán.

Tổ chức lại chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ

Hơn 5 năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển, Nông thôn đã ban hành Quyết định số 639/QĐ-BNN-KH về phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, đến năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long có trên 300.000ha trồng cây ăn quả và sản lượng đạt 3.872 nghìn tấn. Trong đó, trồng tập trung 9 nhóm cây ăn quả chủ lực cây có múi (cam, quít, bưởi), xoài, sầu riêng, vú sữa, thanh long, dứa, chuối, nhãn, chôm chôm... khoảng 185.000ha. Mỗi tỉnh phát triển 2-3 loại cây ăn quả chủ lực có lợi thế theo vùng tập trung áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các biện pháp rải vụ để nâng cao giá bán cũng như các biện pháp bảo quản tiên tiến để giảm bớt tổn thất sau thu hoạch. Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm cây ăn trái chủ lực có khả năng xuất khẩu như: Bưởi, xoài, vú sữa, dừa và chuối. Đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến trái cây...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quy hoạch như vậy nhưng phát triển vườn cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tự phát. Nhà vườn nay trồng cây này mai trồng cây kia, trồng rồi chặt và chặt rồi trồng. Nhà vườn phải cam chịu mai rủi của thị trường, phải tự lênh đênh bơi theo “sóng” giá cả trái cây. Giá trái cây tăng giá được nhờ, còn sụt giá đành chịu chứ chưa có giải pháp bền vững nào.

Hiện nay, tổ chức sản xuất cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa thật sự bền vững; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được hình thành; doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chưa đầu tư, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhà thu mua yêu cầu, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ.

lam gi de nha vuon khong con lenh denh boi theo song nuoc gia trai cay
Thanh long cuối vụ bán tại BigC Cần Thơ với giá cao gần gấp 10 lần so với chính vụ.

Một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhà máy chế biến trái cây cho rằng với cách trồng trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay thì kém hiệu quả kinh tế. Dù diện tích trồng cây ăn quả lớn nhưng quá nhiều loại nên nếu để chế biến trái cây cần số lượng lớn thì không đủ cung cấp nhà máy và sẽ tốn kém nhiều chi phí trong việc thu gom trái cây vì trồng manh mún không tập trung.

Mặc khác dù kế hoạch đề ra là xây dựng đầu tư một số nhà máy chế biến trái cây nhưng những năm qua số nhà máy chế biến trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở con số đếm trên đầu ngón tay, không đáp ứng nhu cầu chế biến trái cây. Trái cây xuất khẩu hiện nay vẫn là dạng thô như xoài, bưởi, thanh long... và rào cản kỹ thuật xuất khẩu trái cây cũng rất khắt khe nên trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu chưa nhiều. Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chính yếu xuất khẩu trái cây nên khi thị trường này không ăn hàng thì trái cây nhà vườn rớt giá thê thảm.

Trong khi đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa có trung tâm logictics cho trái cây, chưa có hệ thống kho lạnh bảo quản để trữ trái cây vào mùa chính vụ để tránh áp lực cung vượt cầu trong mùa trái chín. Ông Năm Thượng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), một nhà vườn cũng là một thương lái trái cây cho các siêu thị từ nhiều năm nay, trăn trở: “Giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ trái cây gian nan lắm! Hiện nay, trái cây vẫn còn trồng nhỏ lẻ, manh mún nên việc thu mua, vận chuyển của thương lái khó khăn, tốn nhiều chi phí, nhà vườn khó bán trái cây được giá cao. Để vườn cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, nhà vườn thoát khỏi cảnh giá cả bấp bênh thì Nhà nước phải có quy hoạch sản xuất từng vùng, từng loại trái cây. Đầu ra phải theo nhu cầu thị trường chứ không phải bán những gì nông dân có. Hơn nữa phải có hệ thống kho lạnh trữ hàng, để khi trái cây rớt giá thì trữ lại chờ giá lên”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng vườn cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng chưa được đầu tư và khai thác đúng tầm. Nếu được quy hoạch sản xuất theo hướng chuyên canh đặc sản trái ngon, giá trị cao thì đem lại nguồn lợi đáng kể cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đây là điểm tựa để nhà vườn vươn lên giàu có, như đã được đúc kết “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền”. Theo các chuyên gia cây ăn trái của Viện Cây ăn quả miền Nam, thì tồn tại trong sản xuất trái cây còn rất nhiều nên đã gây trở ngại cho phát triển cây ăn trái. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều trái ngon nhưng nghịch lý là thị trường tiêu thụ bấp bênh. Năng lực cạnh tranh trái cây nơi đây còn kém do không có vùng chuyên canh với diện tích lớn. Do không có vùng chuyên canh nên năng suất thấp, giá thành cao dẫn đến trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đắt hơn so với trái cây cùng loại từ Thái Lan, Trung Quốc…

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, một trong những giải pháp để phát triển cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long, là cải thiện tình hình hiện nay, phải thay đổi tận gốc, phải bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh lớn trái cây đặc sản với diện tích tập trung và lớn, có sự hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm tăng số lượng cung cấp, ổn định về chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Chỉ có chuyên canh thì mới tăng được năng suất, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, mới có được một thuơng hiệu chung thì trái cây Đồng bằng sông Cửu Long mới đủ sức cạnh tranh, còn cứ để manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay thì đầu ra tiếp tục còn lao đao, vì chất lượng không ổn định, giá thành cao.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải chấp nhận cuộc chơi của kinh tế thị trường. Nhà vườn phải theo quy luật cung cầu, không thế tự ý muốn trồng loại cây gì thì trồng và bán những thứ thị trường cần chứ không phải bán những gì mình có. Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững hơn khi nơi đây có nền công nghiệp sản xuất, bảo quản tồn trữ và chế biến trái cây, hình thành được chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu trái cây, khi đó nhà vườn gắn kết với doanh nghiệp cùng hội cùng thuyền vươn ra biển lớn.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load