(Xây dựng) - Nước sạch là hàng hóa đặc biệt, ảnh hướng tới cuộc sống hàng ngày của người dân, chính vì vậy, để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ cung cấp đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội.
Tuy nhiên, đa phần giá nước vẫn không đủ để bù bắp các chi phí đầu tư sản xuất nên khó thu hút được các thành phần kinh tế tham gia. Giá nước được xác định theo điều kiện dịch vụ, chất lượng đầu tư theo từng vùng phục vụ cấp nước, khi xã hội hóa cấp nước mỗi tỉnh, thành phố sẽ có nhiều giá nước sạch theo các vùng phục vụ. Do đó, đòi hỏi cần có cơ chế về giá cũng như chính sách để năng cao năng lực ngành Nước.
Đổi mới cơ chế về giá
Theo quy định tại Nghị định 117/2007 thì giá nước sạch phải được tính đúng tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.
Tuy nhiên, hiện nay giá nước sạch chưa tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như: Thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối quản lý rủi ro, lợi nhuận…và lộ trình điều chỉnh giá.
Nói về điều này, ông Trương Công Nam – Chủ tịch HĐQT Cty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế cho biết: Giá nước hiện nay ở Việt Nam đang thấp, cao nhất chỉ có Hải Phòng là 12.000/m3, Bà Rịa - Vũng tàu 11.500/m3, Huế trên 9.000/m3, Hà Nội gần 9.500/m3, TP Hồ Chí Minh trên 8.500/m3.
Trong khi đó, các nước trên thế giới tách biệt giữa giá nước và giá dịch vụ, xây dựng giá nước dựa trên 4 trụ cột là an ninh nước, khả năng tiếp cận dịch vụ, tính liên tục của dịch vụ và bền vững môi trường.
Theo ông Nam, giá nước hiện nay đang tồn tại những bất cập như: Giá nước chưa mang tính thị trường, còn phụ thuộc vào quan điểm chính trị của từng địa phương. Do giá nước chưa tính đúng, tính đủ nên không đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó khó thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp ngành Nước.
Các đơn vị thực hiện cấp nước an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ thì phải đầu tư lớn trong khi giá nước chưa tính đúng, tính đủ nên sẽ không bền vững và hiệu quả trong đầu tư.
“Mục tiêu của Chính phủ là cấp nước an toàn bền vững nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp ngành Nước hiện nay có giá bán thấp hơn giá thành nên không mang tính bền vững và lâu dài. Do đó, để đảm bảo thực hiện và duy cấp nước an toàn bền vững, hướng tới cấp nước an toàn và ngon cần giá nước phải được tính đúng tính đủ theo cơ chế thị trường. Từ đó mới đảm bảo được sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của ngành Nước và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Nam, ông Nguyễn Minh Đức – Trưởng phòng quản lý cấp nước, Cục hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cũng cho biết: Hiện nay cung cấp nước sạch được quy định là dịch vụ công ích đồng thời lại được quyết định là hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Việc quy định đồng thời cấp nước là dịch vụ công ích và sản xuất kinh doanh gây khó khăn trong quản lý phát triển cấp nước.
Nâng cao năng lực doanh nghiệp ngành Nước
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà nước đã quan tâm phát triển các hệ thống cấp nước để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất ở các đô thị thông qua các chương trình ODA của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các nước đối tác. Bộ Xây dựng đã thành lập Ban quản lý các công trình cấp thoát nước cho các đô thị trong toàn quốc, các tỉnh đã thành lập các Ban chỉ đạo dự án nhằm xây dựng quy trình thực hiện dự án, đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, tổ chức xuất bản các tài liệu kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các chương trình đào tạo, hội thảo để nâng cao năng lực trong xây dựng và quản lý vận hành.
Ông Cao Lại Quang - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Hiện các doanh nghiệp cấp thoát nước tại Việt Nam hoạt động theo hình thức sản xuất kinh doanh có sự kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là cơ chế giá dịch vụ.
“Để đầu tư phát triển bền vững ngành Nước, chúng ta cần nghiên cứu hoàn thiện, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho ngành Nước. Nghiên cứu các mô hình, cách thức đầu tư khác nhau để thu hút được thành phần kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa, dần thay thế cho các nguồn vốn ODA, ngân sách cấp phát. Đổi mới tư duy, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, của doanh nghiệp trong việc chung tay, chung sức giải quyết các vấn đề cấp thoát nước và môi trường”, ông Quang chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Minh Đức nhìn nhận: “Việc xã hội hóa cũng sẽ dẫn đến khả năng điều chỉnh giá để trang trải toàn bộ chi phí dịch vụ cấp nước, thu lợi nhuận và cung cấp tài chính cho các khoản vốn đầu tư. Để đạt được những hiệu quả của việc xã hội hóa cần phải có một khung pháp lý chặt chẽ, quy định về tư nhân hóa còn kém hiệu quả và có thể gây ra tình trạng chỉ phát triển dịch vụ cấp nước có chọn lọc ở những khu vực có thu nhập cao và Chính phủ vẫn phải cấp vốn đầu tư từ ngân sách cho các khu vực có thu nhập thấp. Để xây dựng được các quy định chặt chẽ cần phải có một cơ quan pháp lý đủ năng lực uy tín và đòi hỏi phải có cam kết ràng buộc đủ mạnh về pháp lý”.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia cơ bản sẽ làm tăng hiệu quả cung cấp các dịch vụ cấp nước. Tuy nhiên do tính chất quan trọng về mặt an sinh xã hội của ngành Nước, Chính phủ cần có chế tài quản lý các thành phần kinh tế tham gia phù hợp.
Cao Cường
Theo