Thứ sáu 29/03/2024 16:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Làm đường hầm qua sông Hàn - xin hãy thận trọng

09:55 | 28/12/2016

(Xây dựng) - Trước khi đặt bút ký, rất mong lãnh đạo Đà Nẵng cân nhắc thận trọng, bởi không ít dự án được thực hiện những năm trước đã để lại nhiều bất cập không thể sửa chữa được, gây lãng phí tiền bạc của nhân dân, bức xúc trong xã hội.

Những ngày cuối năm, dư luận xôn xao bàn thảo chuyện lãnh đạo Đà Nẵng quyết tâm xây đường hầm qua sông Hàn có chiều dài 1.300m,với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.100 tỷ đồng. Đường hầm này dài 1.300m, từ đường Đống Đa phía bờ Tây chạy ngầm qua sông Hàn sang bờ Đông nối với đường Vân Đồn, do Cty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm BRITEC (Bộ GTVT) thiết kế.

lam duong ham qua song han xin hay than trong
Sông Hàn, TP.Đà Nẵng.

Chuyện làm đường hầm qua sông, thậm chí qua cả eo biển như Pháp và Anh đã làm qua eo biển Manche dài tới 50,5km, khánh thành vào tháng 5/1994 sau 6 năm xây dựng với số tiền lên tới 21 tỷ USD, nối nước Anh với nước Pháp và cũng là với cả châu Âu (bằng đường bộ), thì trên thế giới người ta làm đã nhiều và công nghệ thi công hầm qua sông, qua biển ngày một tiên tiến, hiện đại, đáp ứng mọi điều kiện dù khó khăn đến mấy của thiên tạo (miễn là có tiền!). Năm 2011, ở nước ta, TP.HCM cũng khánh thành đường hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn dài 1.460m, được coi là đường hầm qua sông hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, mở ra một trang mới cho ngành cầu - hầm Việt Nam.

Làm đường hầm qua sông chắc chắn là tốn nhiều lần so với làm cầu, bởi thi công phức tạp. Còn làm cầu qua sông thì đơn giản hơn nhiều và chi phí đầu tư cũng thấp, hơn nữa, không chỉ thuận tiện trong giao thông mà nếu có thiết kế tốt thì những cây cầu bắc qua sông sẽ là những tác phẩm kiến trúc - cầu, tạo điểm nhấn đặc sắc cho không gian đô thị. Thậm chí còn là biểu tượng của TP như cầu Long Biên ở Hà Nội, cầu Rồng hiện nay ở Đà Nẵng. Đường hầm qua sông có một lợi thế là giao thông thuận tiện, lưu lượng thông xe lớn và không ảnh hưởng đến không gian mặt nước. Vì thế, việc xây hay không xây đường hầm qua sông phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch phát triển của từng đô thị (quy mô dân số, diện tích, cảnh quan kiến trúc, tiềm năng phát triển kinh tế và đặc biệt là nguồn vốn đầu tư xây dựng). Chính quyền TP.Đà Nẵng khi hạ quyết tâm xây đường hầm (chứ không xây thêm cầu) chắc cũng đã cân nhắc đến các yếu tố đó?! Mà một trong những nguyên nhân (ngoài việc giải tỏa ách tắc giao thông vốn đang ngày một trầm trọng, đè nặng lên hạ tầng giao thông đô thị của TP) là để giữ gìn không gian cảnh quan mặt nước sông Hàn, tạo thuận lợi lâu dài cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch của Đà Nẵng như Lễ hội pháo hoa quốc tế, đua thuyền buồm quốc tế và đường hầm cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thế nhưng, dự án đường hầm qua sông Hàn lại đang vấp phải rất nhiều tiếng nói phản ứng của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, giao thông và cả ngành du lịch của TP. Tại sao vậy? Theo nhiều ý kiến được phản ánh của báo chí, và nhất là tại Hội thảo “20 năm quy hoạch và phát triển đô thị” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng mới đây thì việc xây dựng đường hầm qua sông Hàn không chắc sẽ giải tỏa được ách tắc giao thông, hơn nữa thiết kế do BRITEC lập có nhiều lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng đến sử dụng lâu dài khi đường hầm hoàn thành. Việc phải xây dựng đường hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn của TP.HCM tại vị trí hiện nay mà không xây cầu là vì lý do đảm bảo an ninh quốc phòng khi đó, chứ không phải là bài học tốt để Đà Nẵng làm theo. Thực tế qua thời gian ngắn đưa vào sử dụng, đường hầm Thủ Thiêm cũng đã bộc lộ nhiều bất cập (thấm nước, tai nạn giao thông…). Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Đà Nẵng chưa cần thiết phải vội vàng xây đường hầm qua sông Hàn lúc này, với vốn đầu tư tới hơn 4.100 tỷ đồng và chắc sẽ phải nhiều hơn nữa, bởi thực tế đã cho thấy, các dự án ở Đà Nẵng sau khi hoàn thành, thường đội vốn tới 2,5 đến 3 lần dự toán ban đầu. Đây là nguồn lực rất lớn, trong khi đó TP còn rất nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết. Lại có chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thì cho rằng, việc xây cầu hầm qua sông Hàn để thu hút du lịch là không khả thi, bởi lẽ, khi xây dựng đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân, lúc đó rất nhiều người kỳ vọng đây sẽ là điểm tham quan thu hút du lịch. Nhưng du khách thường chỉ đi qua đây một lần, còn sau đó thì họ thích đi qua đèo bởi đường đèo uốn lượn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, có thể nhìn ngắm toàn cảnh vịnh Lăng Cô (Huế) và bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng).

Việc có xây hay chưa xây cầu hầm qua sông Hàn trong thời điểm kinh tế của Đà Nẵng và cả nước còn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đà Nẵng trong nhiệm kỳ này. Nhưng, trước khi đặt bút ký, rất mong lãnh đạo Đà Nẵng cân nhắc thận trọng, bởi không ít dự án được thực hiện những năm trước đã để lại nhiều bất cập không thể sửa chữa được, gây lãng phí tiền bạc của nhân dân, bức xúc trong xã hội, mà dự án Trung tâm hành chính và các cầu qua sông Hàn như Thuận Phước, Cẩm Lệ, Hòa Xuân là những ví dụ đắt giá!

KTS Phạm Thanh Tùng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load