(Xây dựng) - Cuối tháng 3/2019, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (Sở NN&PTNT) tổ chức lễ khai mạc Dự án “Cà phê Nông – Lâm kết hợp và nâng cao chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng”, giai đoạn 2018 – 2021 (CAFÉ-REDD).
Toàn cảnh sự kiện.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu, trong đó có ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, bà Alison Rusinow - Giám đốc quốc gia SNV Việt Nam cùng đại diện các sở, ban, ngành địa phương, đại diện các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các công ty tư nhân trong chuỗi giá trị cà phê tại địa phương. Buổi lễ được tổ chức nhằm chính thức triển khai dự án tại tỉnh Lâm Đồng và giới thiệu về mục tiêu, giá trị của dự án.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, đại diện lãnh đạo địa phương tỉnh Lâm Đồng đã chúc mừng triển khai bước đầu của dự án và bày tỏ tinh thần hợp tác với dự án để tối ưu hóa kết quả đầu ra.
“Vùng trọng tâm của dự án triển khai trên địa bàn huyện Lạc Dương để phát triển cây cà phê theo hướng khôi phục cảnh quan rừng; giảm áp lực tác động tiêu cực lên rừng, giảm phát thải hiệu ứng khí nhà kính… sẽ góp phần triển khai thuận lợi các mục tiêu mong đợi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI), Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMU); đồng thời cảm ơn sự hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững nông - lâm nghiệp của tổ chức SNV trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại sự kiện.
Tổ chức SNV là một tổ chức phi chính phủ quốc tế. Được thành lập tại Hà Lan vào năm 1965, SNV đã xây dựng mạng lưới tại 45 quốc gia tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Sử dụng cách tiếp cận dựa vào thị trường có trách nhiệm giới, SNV cam kết hỗ trợ giảm nghèo thông qua xúc tiến các giải pháp bền vững với môi trường cho người thu nhập thấp trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, nước sạch vệ sinh môi trường với các chương trình tích hợp về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), tăng quyền năng kinh tế phụ nữ… Tại Việt Nam, SNV có văn phòng đại diện ở Hà Nội và đang triển khai dự án trên hơn 50 tỉnh thành trên toàn quốc.
Dự án CAFÉ-REDD được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (gọi tắt là BMU) trong giai đoạn 2018 - 2021 với tổng ngân sách tài trợ khoảng 1,7 triệu EUR. Dự án tập trung vào khu vực ưu tiên bảo tồn – thuộc cao nguyên Lang Biang, bao gồm Công viên quốc gia Bi Doup Núi Bà và vùng đệm sinh thái quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.
Thông qua việc nâng cao năng lực thể chế và cơ chế hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư, dự án hướng đến mục tiêu xây dựng tầm nhìn chung về khu vực thích ứng thông minh và bền vững với biến đổi khí hậu nhằm giảm nạn mất rừng, suy thoái rừng và khôi phục cảnh quan rừng.
Sáng kiến về Dự án CAFÉ-REDD đến từ những kinh nghiệm triển khai dự án của SNV và các tổ chức phát triển quốc tế khác tại địa phương nhằm hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng đưa ra các giải pháp, cách tiếp cận nhằm giảm nạn mất rừng và suy thoái rừng.
Theo Kế hoạch hành động REDD+ (PRAP) tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chính dẫn đến nạn mất rừng là xu hướng chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp (chiếm đến hơn 70% phát thải khí thải nhà kính có nguồn gốc từ rừng) để trồng các sản phẩm nông nghiệp tiêu dùng, đặc biệt là cà phê.
Dự án CAFÉ-REDD sẽ áp dụng các phương pháp tiếp cận tích hợp như sau: Đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư xây dựng cảnh quan rừng bền vững; Thu hút sự tham gia của khối tư nhân trong chuỗi giá trị cà phê, giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng; Hỗ trợ cộng đồng địa phương, đồng bào dân tộc và các nông hộ nhỏ chuyển đổi mô hình cà phê nông-lâm kết hợp bền vững và cải thiện sinh kế.
Với các mục tiêu trên, Dự án CAFÉ-REDD là điểm nhấn quan trọng thể hiện cam kết của các sở, ban, ngành huyện Lạc Dương, Tổ chức SNV, Tổ chức IDH, cũng như các tổ chức phát triển quốc tế, các công ty tư nhân trong chuỗi giá trị cà phê như ACOM, Olam và Vietnam Arabica trong việc giảm thiểu nạn mất rừng và bảo tồn rừng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và xây dựng một nền nông-lâm nghiệp bền vững.
Quang Dương
Theo