"Mặt bằng lãi suất vẫn ở vùng thấp lịch sử", theo đánh giá của các chuyên gia của SSI.
Lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các ngân hàng vẫn rất khả quan, chênh lệch tiền gửi - tín dụng giãn khá rộng. Ảnh TL |
Lãi suất liên tục duy trì ở mức thấp
Không tính đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng 0,2-0,3%/năm với kỳ hạn qua đêm trong suốt 9 tháng qua. Trong 2 tháng gần đây, lợi tức trái phiếu chính phủ có nhích tăng tuy nhiên vẫn đang ở vùng thấp lịch sử.
Lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 200-250 điểm cơ bản trong năm 2020 trong đó mạnh nhất là trong quý III/2020.
Trong quý I.2021, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng/giảm từ 0,1% - 0,4% tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân. Hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.
"Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các ngân hàng vẫn rất khả quan, cùng với đó là sự sụt giảm của cầu tín dụng khiến cho chênh lệch tiền gửi - tín dụng từ đầu năm 2020 đến này giãn khá rộng", chuyên gia của SSI nhận định.
Lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong thời gian qua. Ảnh TL |
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1-1,5%, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5%).
Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.
Bởi vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%. Khảo sát trong Q1/2021, lãi suất cho vay ở hầu hết các NHTM vẫn ổn định so với thời điểm cuối năm 2020.
Lãi suất dự báo sẽ tăng nhẹ
Các chuyên gia của công ty chứng khoán Rồng Việt dự báo lãi suất có thể tăng nhẹ vào năm 2021.
Tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên. Từ đầu tháng 3.2021, lãi suất huy động ngân hàng bắt đầu nhích lên sau một thời gian dài các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1-0,2%, Techcombank là một ngoại lệ khi tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn thêm 0,4-0,7%. Các đợt tăng lãi suất huy động gần đây cho thấy lãi suất đối với tiền gửi khách hàng dường như đã chạm đáy.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ tăng ở mức khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì hướng hỗ trợ", chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Trong số các ngân hàng trên thị trường được khảo sát, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,1%/năm tại SHB dành cho khách gửi tiền online. Điều kiện áp dụng là dành cho các khách hàng có số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 và 24 tháng.
Theo sau đó là NamABank niêm yết mức lãi suất cao nhất là 7%/năm ở kỳ hạn 13 tháng.
Mức lãi suất ngân hàng cao nhất ở kì hạn 6 tháng hiện nay là SCB với mức lãi suất là 6,45% và lĩnh lãi cuối kì.
Ở kỳ hạn 3 tháng, SHB đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng với mức lãi suất 4,05%/năm.
Lãi suất cao nhất kì hạn 1 tháng là 4% thuộc về GPBank và SCB.
Ba ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV đồng loạt có mức lãi suất cao nhất là 5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Riêng Vietcombank niêm yết lãi suất ở mức 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng.
Theo Hương Nguyễn/Zing.vn
Link gốc: https://laodong.vn/kinh-te/lai-suat-se-ra-sao-tu-nay-den-cuoi-nam-899803.ldo