Đó là khẳng định của ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong buổi tọa đàm về chính sách tín dụng BĐS được Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) phối hợp với Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tổ chức tại TP.HCM chiều 06/01.
Tài chính được đánh giá là 1 nút thắt rất lớn cho thị trường BĐS, do vậy, ngoài tình hình thị trường BĐS hiện nay nói chung thì các DN tập trung rất nhiều ý kiến cho vấn đề tài chính, tín dụng này.
Tâm lý chờ đợi
Đánh giá thị trường BĐS năm 2013, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea cho biết: Năm 2013 là một năm khó khăn nhất kể từ năm 2008 đến nay. Nổi lên các vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu mất thanh khoản và kéo theo nhiều DN phải dời khỏi thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có những phân phân khúc giữ được sự phát triển khá ổn định là phân khúc có căn hộ quy mô vừa và nhỏ có giá bán hợp lý trên dưới 15 triệu đ/m2. Ở phân khúc nhà hạng sang cá biệt có những dự án bán tốt do có địa điểm thuận lợi, nhiều tiện ích, thân thiện môi trường, giá cả hợp lý và phương thức thanh toán linh hoạt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Với những khó khăn như vậy nên ông Châu dự đoán năm 2014 vẫn sẽ là một năm rất khó khăn của thị trường BĐS và nhiều DN. Ông Châu nhấn mạnh: “Diễn biến thị trường dự kiến sẽ theo xu thế giảm dần khó khăn về cuối năm. Xu thế phát triển của thị trường còn phụ thuộc vào sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, vào hiệu quả của việc kiểm soát lạm phát ổn định chính sách lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, quản lý thị trường vàng và công tác quản lý thị trường (giá điện, xăng dầu, khí đốt, than đá, sắt thép, xi măng…).
Đặc biệt là việc triển khai quyết liệt hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, nhất là giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, và việc sửa đổi Luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS thông thoáng cho việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam”.
Đồng quan điểm với ông Châu, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Cty Nam Long phân tích thêm: Chương trình nhà ở quốc gia đang triển khai nhưng rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó có tâm lý chờ đợi có cả vấn đề lãi suất của ngân hàng. Thực tế khi các ngân hàng quảng cáo cho vay ưu đãi lãi suất thấp thì chỉ có mấy tháng đầu, sau đó lãi suất bị thả nổi không kiểm soát được.
Mặc dù các cơ quan nhà nước đã nỗ lực kéo lãi suất xuống mức thấp trong năm qua, nhưng người mua nhà không có lòng tin về tín dụng của những năm tiếp theo như thế nào để vay tiền mua nhà. “Đây là ẩn số rất lớn cho người mua nhà, nếu lãi suất còn mơ hồ như hiện nay thì người dân vẫn không dám vay tiền mua nhà”, ông Quang nhấn mạnh.
Lãi suất ổn định và thấp là trong tầm tay
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết: “Từ thực tế thị trường BĐS 2013 cho thấy chính sách của chúng ta đang có một số vấn đề gì đó bất ổn, đặc biệt là trong lĩnh vực định giá tiền sử dụng đất.
Do đó vai trò của chính sách tài khóa là rất quan trọng, việc giữ ổn định lãi suất và thấp là trong tầm tay của chúng ta. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm mức lãi suất cho người mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất 5%.
Theo tôi còn có thể giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa và ổn định trong một thời gian dài. Ngoài ra, chính sách cho người nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS tại Việt Nam là kích thích thị trường. Từ đó kéo nợ xấu đi xuống, tạo niềm tin thì thị trường sẽ khởi sắc”.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá thị trường BĐS còn nhiều khó khăn mặc dù đã đi qua đoạn đường chông gai. Tại TP.HCM, hiện có tới 55,8% các dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, đang ngưng triển khai là tỷ lệ khá lớn.
Nếu tính theo diện tích, có đến 8.600/11.700ha đã và đang ngừng triển khai, chiếm hơn 70% tổng diện tích, là thực trạng cho thấy thị trường BĐS đang còn nhiều khó khăn.
Ông Ngoạn ví von: “Con bệnh trước khi phẫu thuật cũng phải có sức khỏe mới làm được. Phải nuôi dưỡng, hỗ trợ thuốc trợ lực hoặc thuốc bổ. Thị trường BĐS cũng vậy, muốn cải thiện, muốn vực dậy thì cần có những cơ chế đồng thuận, chính sách hỗ trợ quan tâm nhiều hơn đến DN và người mua nhà”.
Ông Ngoạn cũng chỉ ra hướng giải quyết: “Năm 2014 thị trường có những điểm sáng, tuy không kỳ vọng lớn nhưng hơn 2 năm qua về cơ chế vĩ mô và chính sách ổn định kinh tế vi mô. 2 năm qua chúng ta đã tạo được nền tảng ổn định, bước sang năm 2014 chúng ta chỉ đặt mục tiêu là duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý thì thị trường BĐS sẽ khởi sắc”.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đang là 1 trong 3 khâu đột phá của nền kinh tế hiện nay. Để tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay khi được đánh giá dự án khả thi.
Cao Cường
Theo