Thứ năm 10/10/2024 05:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Lãi suất 60% năm, giám đốc cắn răng vay tín dụng đen

13:41 | 07/05/2022

Tìm kiếm nguồn vốn là một trong hai khó khăn hàng đầu mà DN Việt Nam gặp phải. Khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng khiến nhiều DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ tìm đến nguồn tín dụng đen.

Khó vay vốn, phải mượn bạn bè người thân

Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 chỉ ra rằng, tìm kiếm nguồn vốn là một trong hai khó khăn hàng đầu mà DN Việt Nam gặp phải.

Cụ thể, có 46,85% số DN tư nhân tham gia khảo sát cho biết, gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng trong năm 2021. Con số này cao hơn đáng kể so với 40,73% của năm 2020. Vấn đề gây trở ngại nhất cho DN khi tiếp cận tín dụng vẫn là không có tài sản thế chấp. Có 81% DN tham gia khảo sát cho biết không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp. Tiếp đến là thủ tục vay vốn phiền hà và ngân hàng thương mại áp dụng các điều kiện tiếp cận tín dụng bất lợi, với 46% số DN lựa chọn.

lai suat 60 nam giam doc can rang vay tin dung den
Các DN gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng.

Vay vốn từ ngân hàng thương mại gặp trở ngại khiến DN phải tìm kiếm các nguồn cho vay khác. Có 51% DN tìm cách huy động vốn qua bạn bè hoặc người thân, 18% vay từ các DN khác hoặc cầm cố, bán tài sản. Tỷ lệ DN tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khác như: công ty cho thuê tài chính hoặc các quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm khoảng 11%.

Đáng chú ý, gần 4% DN cho hay đành chấp nhận vay từ tín dụng đen. Các khoản vay tín dụng đen có lãi suất quy đổi hàng năm rất cao, theo ước tính từ dữ liệu khảo sát, trung bình trên 60%/năm, gấp hơn 6 lần so với lãi suất trung bình khi DN vay từ các tổ chức tín dụng, Báo cáo PCI chỉ ra.

Cũng theo Báo cáo, DN nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018, đã triển khai hơn 4 năm, nhưng có tác động khá khiêm tốn trong hỗ trợ DN nói chung và về tiếp cận tín dụng nói riêng. Khảo sát cho thấy, chỉ có 7,34% DN đã tiếp cận được tín dụng thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa. Đây là con số rất nhỏ, thể hiện hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận vốn không hiệu quả.

Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối năm 2021, tín dụng cho DN nhỏ và vừa chiếm 19,34% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này khá thấp so với tỷ lệ DN nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số DN đang hoạt động. Còn theo khảo sát từ Công ty tư vấn McKinsey cách đây hơn 2 năm, DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới 21 tỷ USD (khoản vốn thiếu hụt). Tuy nhiên, có tới 98% DN trong số đó khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Thiếu vốn nên manh mún

Một DN sản xuất nước uống đóng chai phường Long Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) rất muốn mở rộng sản xuất, nhưng thiếu vốn. Lãnh đạo DN cho hay, nhà xưởng của công ty nằm trong khu dân cư, không phù hợp với quy mô sản xuất lớn. Khi mới đi vào hoạt động, có bao nhiêu vốn đã đầu tư máy móc, công nghệ và hệ thống phân phối. Giờ có nhu cầu mở rộng sản xuất thì nguồn lực cạn kiệt. Vay ngân hàng hiện nay là không thể vì tài sản đã thế chấp hết để lấy vốn sản xuất trong thời gian qua.

Ông Mạc Quốc Anh, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, nhận xét, khó khăn DN nhỏ và vừa gặp phải chủ yếu là thiếu vốn, dẫn đến hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản; đa số DN nhỏ hạn chế về đầu tư công nghệ . Hệ quả, phần lớn DN Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Việc đổi mới công nghệ của các DN diễn ra chậm chạp.

lai suat 60 nam giam doc can rang vay tin dung den
DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới 21 tỷ USD.

Một khảo sát trước đó của VCCI cũng chỉ ra rằng, hơn 50% DN dân doanh vay vốn ngân hàng chủ yếu để trang trải hoạt động, ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, so với các nước trong khu vực chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu.

Thực tế cho thấy, do khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng khiến nhiều DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ tìm đến nguồn tín dụng đen. Giám đốc một công ty sản xuất đồ nội thất tại Thạch Thất, Hà Nội kể rằng, những lúc thiếu vốn thường phải vay “nóng” từ các nguồn bên ngoài. Nhiều lần ông từng cầm cố cả chiếc xe Mecerdes E200 đang sử dụng để có đủ tiền mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Lãi suất cao nhưng đành chấp nhận vì không còn cách nào khác. Vì vậy, năng lực cạnh tranh yếu, lợi nhuận thấp, chỉ đủ sống qua ngày. Muốn mở rộng hay phát triển rất khó.

Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai cho biết, hơn 500 hội viên, đa số là những DN nhỏ, doanh thu chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Hầu hết các DN đều ít vốn, chỉ đủ mua một miếng đất, xây hoặc thuê nhà xưởng rồi mua máy móc sản xuất là cạn tiền. Muốn có vốn hoạt động phải đi vay. Vay ngân hàng khó quá thì buộc phải vay vốn bên ngoài với lãi suất từ 20-30%/năm, quá sức so với khả năng chịu đựng của DN nhưng buộc phải vay để tồn tại.

Theo VCCI, từ những khó khăn mà DN gặp phả, trong tiếp cận tín dụng chứng tỏ các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhiều DN đang chờ đợi những gói hỗ trợ tiếp cận tín dụng của Chính phủ để có một nguồn lực bổ sung, phục vụ cho tiến trình phục hồi, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khơi thông nguồn vốn trung dài hạn cho các DN tư nhân, cần hoàn thiện thể chế; tái cơ cấu thị trường tài chính và thị trường vốn; tăng cường minh bạch thông tin; xây dựng văn hóa minh bạch thông tin và văn hóa xếp hạng tín nhiệm; thúc đẩy xây dựng hạ tầng về tài chính, cơ quan xếp hạng tín nhiệm và đưa ra giải pháp thanh khoản thị trường.

Theo Trần Thủy/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
  • Quảng Nam: GRDP 9 tháng tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ

    (Xây dựng) – Chiều 9/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2024. Trong 3 quý đã qua, tổng sản phẩm trên địa bàn Quảng Nam (GRDP) tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023. Địa phương này xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 8/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung về quy mô GRDP; xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 12/14 tỉnh tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung về tăng trưởng kinh tế.

  • Điện Biên phát triển hạ tầng thương mại biên giới tạo động lực tăng trưởng kinh tế

    (Xây dựng) - Trong những năm vừa qua, việc thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới đã được tỉnh Điện Biên chú trọng nhằm phát huy tối đa lợi thế của tỉnh kinh tế cửa khẩu. Việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới, các chợ biên giới có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá của cư dân khu vực biên giới, qua đó trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Điện Biên.

  • Ngành Hải quan tích cực triển khai các giải pháp quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

    (Xây dựng) – Nhằm góp phần giúp doanh nghiệp Việt gia tăng phạm vi tiếp cận thị trường quốc tế; thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh hàng hóa xuyên biên giới nói riêng.

  • Vực dậy thị trường vốn, giúp người dân và doanh nghiệp phát triển kinh doanh

    Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng do giá lên cao nên khó tiếp cận. Nhiều nơi, nhà ở thương mại được xây nhưng không có người ở cũng là một vấn đề cần phải xem xét.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công

    (Xây dựng) - Chiều 8/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị lần thứ 33 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI (mở rộng).

  • Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ 13 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng

    (Xây dựng) – Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra và làm việc về công tác khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, xuất nhập khẩu, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load