(Xây dựng) - Trước tình trạng lợn hơi rớt giá thê thảm, chỉ còn từ 22 - 25 nghìn đ/kg, khiến hàng ngàn người chăn nuôi phá sản. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng phướng án “giải cứu” giá lợn, trong đó có những biện pháp như dừng nhập khẩu thịt lợn; chỉ đạo các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... có biện pháp hạ giá thành sản phẩm, nhằm giảm chi phí đầu vào cho người chăn nuôi; Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ cho người chăn nuôi; đề nghị các DN giết mổ lớn và quân đội tăng cường thu mua lợn để giết mổ, cấp đông, làm việc với Trung Quốc để thịt lợn của ta được sang đó bằng con đường chính ngạch...
Việc làm này khiến người chăn nuôi thấy được an ủi, và phập phồng hy vọng.
Nhưng, ngay sau niềm vui đó, là những tiếng thở dài. Tại sao nông dân ở các nước khác không bao giờ phải chịu cảnh “được mùa, mất giá”? Còn ở ta, thì năm nào cũng có một hay vài loại nông sản, thực phẩm... ế thiu, rớt giá? Hết cà chua, khoai tây, thanh long, đến gà, cá tra. Chỉ riêng mấy tháng đầu năm 2017 này thôi. Đầu tiên là hàng ngàn héc-ta chuối ở mấy tỉnh phía Nam chín rục, trút đầy vườn vì chẳng ai mua. Tiếp theo, là nông dân Hải Dương phải đem bắp cải, cà rốt làm phân bón ruộng vì không bán được. Rồi đến dưa hấu ở các tỉnh miền Trung. Và bây giờ là lợn.
Vì đâu nên nỗi?
Câu trả lời đầu tiên vẫn là: Nhiều nông sản, thực phẩm... của ta đều lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bằng con đường tiểu ngạch. Cái “mánh” của các thương lái Trung Quốc, chúng ta đã biết quá rành, quá sâu, nhưng ta vẫn bó tay. Vì ngoài họ ra, chúng ta chẳng còn biết bán cho ai. Một số nông sản, thực phẩm của ta, tuy đã đi được vào những thị trường khó tính, nhưng số lượng cực kỳ ít ỏi, chỉ như một vài hạt muối bỏ vào cái bể nước mặn mênh mông.
Thứ hai, là kiểu chăn nuôi, trồng trọt theo “phong trào” của không ít nông dân. Hễ thấy con gì, cây gì năm nay được giá, là lao vào nuôi, bất chấp quy hoạch, bất chấp cảnh báo. Những người chạy theo “phong trào” ấy, là những người hoàn toàn mù lòa về thông tin thị trường, về dự báo, chỉ biết làm kiểu đuổi bóng chim trời trên mặt đất. Họ trồng và nuôi dựa hoàn toàn vào may rủi. Và kết quả là những trái ngọt trở thành đắng ngắt.
“Giải cứu” nghĩa là kêu gọi lòng thương của mọi người. Nhiều người không có nhu cầu sử dụng, nhưng vì lòng thương, đã mua giúp. “Giải cứu” là một biện pháp phi thị trường, nó hoàn toàn lạc lõng trong một nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường. Số lượng nông sản, thực phẩm được “giải cứu”, dù lên đến cả ngàn tấn, cũng chẳng thấm tháp gì so với số lượng khổng lồ đang rớt giá.
Một câu hỏi được đặt ra, là trong những vụ “rớt giá” này, Những cơ quan Trung ương có trách nhiệm dự báo, định hướng đầu ra cho nông sản, thực phẩm, và các địa phương, với trách nhiệm quản lý quy hoạch, ở đâu?
Chừng nào mà các nhà quản lý còn phải loay hoay “giải cứu”, thì chừng đó người nông dân vẫn còn khốn khổ.
Vũ Hữu Sự
Theo