(Xây dựng) – Những năm qua, nền kinh tế tỉnh Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực, sức cạnh tranh ngày càng nâng lên, phù hợp với điều kiện thực tiễn, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương... đó là kết quả từ những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Lai Châu thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế (ảnh T/L). |
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế
Để phát huy truyền thống đoàn kết, dưới dự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Lai Châu đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy thế so sánh, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh chương trình xúc tiến đầu tư.
Theo đó, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau dịch bệnh Covid-19. Chuyển đổi, đẩy mạnh hình thức quảng bá thu hút đầu tư sang trực tuyến; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, vừa kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo ra năng lực cho nền kinh tế nhằm tăng trưởng trong dài hạn sau thời gian trì trệ bởi Covid-19; thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng lợi thế.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư và tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng để làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, cấp phép đầu tư trong những năm tiếp theo.
Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản ổn định; nguồn cung dồi dào, hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo về chất lượng với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, trưng bày, giới thiệu, quảng bá trên 100 sản phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.178,5 tỷ đồng, bằng 26,2% kế hoạch, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất nhập khẩu từng bước được phục hồi, chính thức thông quan hàng hóa và xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà từ ngày 20/02/2023. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 9,75 triệu USD, bằng 25,5% kế hoạch, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 1,08 triệu USD, bằng 12,9% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước…
Đặc biệt, Lai Châu tiếp tục triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 được triển khai theo kế hoạch... Trong quý I/2023, toàn tỉnh ước đón 259.716 lượt khách, bằng 31,7% kế hoạch, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt 186,2 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng
Bên cạnh đó, theo báo quý I/2023 của UBND tỉnh Lai Châu, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ các công trình kết nối vùng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an ninh trật tự và đời sống nhân dân. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng kế hoạch vốn 3.505,826 tỷ đồng; kiểm tra, rà soát các danh mục, dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đến 31/3/2023 đạt 10,56% kế hoạch vốn đã giao chi tiết.
Xác định công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, xây dựng các dự án trên địa bàn. Theo đó, Tỉnh đã tăng cường công tác quản lý xây dựng, triển khai thực hiện tốt các hoạt động quản lý xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng, quản lý kiến trúc quy hoạch và nhà ở theo quy định. Phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Uyên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị trấn Tam Đường và vùng phụ cận huyện Tam Đường đến năm 2035. Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Lai Châu năm 2023.
Đối với công tác giao thông vận tải, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 1.256,1 km đường bộ được giao quản lý, trong đó: đường Trung ương ủy thác quản lý là 515,4 km/07 tuyến; tỉnh lộ là 530,88 km/10 tuyến; đường huyện là 209,82km/6 tuyến. Tổ chức thực hiện 16 công trình sửa chữa đường bộ (đường Trung ương quản lý 12 công trình, đường địa phương quản lý 04 công trình).
Hiện nay, tỉnh tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, trong đó đã có 04 dự án thủy điện hoàn thành (Nậm Lụm 1, Nậm Lụm 2, Phiêng Lúc, Chu va 2) với tổng công suất lắp máy là 58 MW, lũy kế có 43 dự án hoàn thành với tổng công suất lắp máy 2.796,95 MW…
Bên cạnh đó, trong quý I/2023, tỉnh Lai Châu đã cấp đăng ký thành lập mới 23 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 779,9 tỷ đồng; lũy kế số doanh nghiệp trên toàn tỉnh lên 1.890 doanh nghiệp, trong đó lũy kế có 1.573 doanh nghiệp kê khai thuế, 77 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động... Trong đó, có Quyết định chủ trương đầu tư 09 dự án với vốn đăng ký đầu tư 2.231 tỷ đồng, tăng 04 dự án so với cùng kỳ năm trước, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 285 dự án với tổng vốn đầu tư 139.451 tỷ đồng, giá trị vốn đầu tư thực hiện trong quý I/2023 ước khoảng 2.100 tỷ đồng; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 08 dự án; giới thiệu 10 doanh nghiệp vào khảo sát, đề xuất phương án đầu tư...
Để đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, về phía tỉnh Lai Châu cho biết, trong năm 2023, tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương để bổ sung danh mục thu hút đầu tư vào địa bàn, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng.
Phượng Nguyễn
Theo