Một tín hiệu vui cho năm 2013 là lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có thể đạt kỷ lục mới, vượt kỷ lục đã đạt được vào năm 2012.
Điểm dễ nhận thấy nhất là lượng kiều hối đã tăng cao, tăng gần như liên tục qua các năm; chỉ bị ngắt quãng (giảm xuống) trong 2 năm là năm 1997 (do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ khu vực) và năm 2009 (do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới).
Nguồn: Tính từ số liệu của Ngân hàng Nhà nước và dự báo của tác giả dựa trên số liệu 8 tháng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.
Tính từ năm 1993 đến năm 2012, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt trên 73 tỷ USD, bình quân chiếm 6,8% GDP trong thời gian tương ứng, trong đó, có năm còn đạt cao hơn, nhất là từ 2004 đến nay; bình quân 1 năm đạt 3,65 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm 2013, lượng kiều hối chuyển về TPHCM qua các ngân hàng thương mại đã đạt khoảng 2,5 tỷ USD; dự báo đến cuối năm sẽ đạt khoảng 4,5-4,8 tỷ USD, cao hơn mức 4,1 tỷ USD của năm 2012. TPHCM là địa bàn có lượng kiều hối lớn nhất cả nước.
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam từ 2 nguồn: Việt kiều và lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Đáng chú ý, lượng tiền do lao động làm việc ở nước ngoài có tỷ trọng ngày một tăng, chủ yếu người lao động làm việc ở nước ngoài xuất phát từ các vùng nông thôn, nên lượng kiều hối đã tăng lên do sự chuyển dịch cơ cấu của nó. Các tổ chức chuyển, phát tiền kiều hối đã gia tăng sự cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ.
Việc thu hút kiều hối cũng được tạo thuận lợi từ chính sách cho phép người nhận kiều hối trực tiếp bằng đồng ngoại tệ, không bắt buộc phải chuyển đổi ngay ra đồng nội tệ, không bắt buộc phải bán ngay cho ngân hàng thương mại.
Lãi suất tiết kiệm bằng VND cao hơn nhiều so với lãi suất gửi bằng ngoại tệ, cũng có sức hấp dẫn thu hút ngoại tệ; “cánh kéo tỷ giá” (1 USD ở Việt Nam có sức mua tương đương 2 USD ở nước ngoài) và giá tài sản ở Việt Nam, nhất là bất động sản, giá doanh nghiệp, giá cổ phiếu đang ở mức thấp… cũng là những "sức hút" kiều hối.
Kiều hối tăng lên đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, một trong những yếu tố để ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và nâng cao lòng tin-một yếu tố có tầm quan trọng hiện nay.
Theo Chinhphu.vn
Theo