(Xây dựng) - Trên đà phát triển ổn định, tăng trưởng cao của ngành Xây dựng trong năm 2020 và nhiệm kỳ vừa qua, đặt ra kỳ vọng về bước ngoặt phát triển mới bền vững của ngành Xây dựng trong năm 2021 và nhiệm kỳ tới.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trao quà Tết cho công nhân lao động tại Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1. |
Tốc độ tăng trưởng cao
Thực hiện Nghị quyết lần thứ XII của Đảng, trong đó định hướng phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế, phát triển mạnh công nghiệp VLXD, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao, ngành Xây dựng triển khai các nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội ổn định, lạm phát được kiểm soát; nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả tích cực; khu vực xây dựng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành Xây dựng nói riêng còn thấp, năng suất lao động chưa cao, vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số hạn chế về quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị từ nhiều năm đã khắc phục từng bước nhưng chưa dứt điểm; hậu quả của biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt là tác động lớn của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của kinh tế, xã hội, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động của ngành Xây dựng...
Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng, ngành Xây dựng cả nước kịp thời quán triệt nghiêm túc, tập trung xây dựng các chương trình hành động, chương trình công tác toàn khóa và chuyên đề, xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cụ thể, khả thi phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý công trình xây dựng, các Bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân” đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, quan trọng.
Kết quả đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, 1 nhóm chỉ tiêu không đạt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng bình quân 8,5-8,7%/năm; Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đến năm 2020 đạt khoảng 90%; Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị đạt khoảng 91%; Các loại sản phẩm VLXD chủ yếu đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần dành cho xuất khẩu; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước đạt 24 m2 sàn/người…
Xác định đúng vấn đề lớn, then chốt
Có thể nói, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Xây dựng đã xác định đúng, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các vấn đề lớn, then chốt, để tạo các chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá của ngành Xây dựng hiện nay và thời gian tới. Trong đó, nổi bật là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều đổi mới. Đến nay, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng đã tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và đồng bộ; đủ sức điều chỉnh các hoạt động trong thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tham mưu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đang tổ chức triển khai có kết quả các đề án: Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng: Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đổi mới lý luận, phương pháp quy hoạch và phát triển đô thị; Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là các đề án có tính quyết định đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn xã hội và của từng công trình, dự án đầu tư xây dựng; góp phần phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng; góp phần hoàn thiện thị trường xây dựng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cùng đoàn công tác kiểm tra kết cấu, công tác vận hành an toàn hồ chứa tại hồ Tả Trạch (Thị xã Hương Thủy, TT-Huế). |
Nỗ lực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, thông qua các hoạt động như: Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh (trong đề án này đã phân tích đánh giá tình hình, kết quả, ưu nhược điểm của thị trường BĐS trong 10 năm trước đây; phân tích bối cảnh, đặc điểm trong nước và quốc tế; đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài và các giải pháp trước mắt, ngắn hạn để bảo đảm sự phát triển ổn định, hiệu quả, phòng chống các hiện tượng cực đoan của thị trường BĐS). Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án, thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và kiểm soát thị trường BĐS. Vì vậy, lần đầu tiên trong gần 6 năm liền thị trường BĐS phát triển ổn định, không có hiện tượng phát triển nóng, “bong bóng” hoặc trầm lắng, suy thoái, đóng góp quan trọng vào mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đồng thời, thị trường BĐS có sự phát triển, tăng trưởng cả về quy mô, cơ cấu hàng hóa và DN (hiện nay số vốn đăng ký và đang triển khai ở các dự án BĐS khoảng 4,5 triệu tỷ đồng; thu hút vốn FDI trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD; đóng góp khoảng 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; tổng thu liên quan đến xây dựng và BĐS khoảng 11% GDP). Đã xuất hiện nhiều DN phát triển BĐS lớn như VINGROUP, FLC, SUNGROUP, NOVALAND... Tiếp tục thực hiện có kết quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo ở nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở hộ nghèo ở khu vực thiên tai (từ năm 2001 đến nay là 6 chính sách hỗ trợ nhà ở). Đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa hơn 1,25 triệu căn hộ, đảm bảo chỗ ở cho khoảng hơn 5 triệu người.
Đô thị hóa và phát triển đô thị đạt nhiều kết quả tốt, tốc độ đô thị hóa đạt mục tiêu đề ra, hệ thống đô thị phát triển mạnh và phân bổ khá đồng đều trong cả nước, chất lượng đô thị được nâng cao hơn, khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của đất nước. Đã triển khai các chương trình, đề án phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quyết liệt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng: bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường BĐS; bãi bỏ 7 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 64 còn 31 sản phẩm (giảm 52%); quy định thời điểm kiểm tra đối với từng sản phẩm, hàng hóa; việc kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện bằng hình thức hậu kiểm. Chỉ số cấp phép xây dựng luôn đứng ở tốp đầu trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới).
Năng lực ngành Xây dựng nói chung và các DN xây dựng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, ứng dụng nhanh và làm chủ nhiều công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Về cơ bản có thể tự thiết kế, thi công các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, năng lượng... đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo thiết kế được duyệt. Đã có một số DN tham gia thị trường xây dựng ở nước ngoài.
Ngành sản xuất VLXD phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, gia tăng xuất khẩu, có một số thương hiệu sản phẩm uy tín, có khả năng cạnh tranh cao ở trong và ngoài nước.
Giải quyết thách thức trong đổi mới
Tuy nhiên, trước những điều kiện hoàn cảnh mới, thách thức mới đặt ra bài toán Bộ Xây dựng, ngành Xây dựng tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay. Việc bám sát, theo dõi, đánh giá tác động chính sách; xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời, chưa thường xuyên.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương còn chậm và thiếu đồng bộ giữa các chuyên ngành, dẫn đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở. Chất lượng một số đồ án quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý, còn tình trạng chồng chéo, chưa thống nhất, chưa ăn khớp giữa cấp độ quy hoạch, phương án nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa được tính toán cụ thể. Ở một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch ở một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ; công tác quản lý và triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt còn có hạn chế.
Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển nhanh về số lượng nhưng chủ yếu là đô thị nhỏ (loại IV, loại V), mật độ đô thị trong từng vùng kinh tế - xã hội thấp, phân tán, chất lượng phát triển còn hạn chế. Tính liên kết giữa các đô thị với nhau và với khu vực nông thôn chưa chặt chẽ, còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và hành lang kinh tế, chưa kiểm soát tốt sự gia tăng dân số đô thị. Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị.
Vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội (mới chỉ đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra), nhà ở thương mại giá thấp; định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ BĐS; thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường BĐS chưa đầy đủ.
Việc phát triển và sử dụng VLXD không nung và vật liệu thay thế cát tự nhiên còn hạn chế. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại một số Tổng công ty thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch.
Chặng đường phía trước rất nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là thách thức đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình sản xuất kinh doanh. Theo đó, Bộ Xây dựng, ngành Xây dựng trong năm 2021 và nhiệm kỳ tới, sẽ quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XIII, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật ngành Xây dựng; Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, tiếp tục chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển NƠXH; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường BĐS phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung - cầu; Từng bước phát triển ngành VLXD thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái; Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường, điều kiện đầu tư kinh doanh; Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong các lĩnh vực ngành Xây dựng; Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế…
Kỳ vọng, năm 2021 và nhiệm kỳ tới, trên đà phát triển ổn định, tăng trưởng cao của ngành Xây dựng trong năm 2020 và nhiệm kỳ vừa qua, cùng với việc thực hiện cương lĩnh cải cách mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành Xây dựng sẽ có bước ngoặt phát triển mới bền vững, làm nền tảng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Thanh Nga
Theo