Thứ năm 12/09/2024 14:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Ký ức phía sau cổng làng

15:00 | 29/01/2017

(Xây dựng) - Như bao miền quê khác của vùng đồng bằng Bắc bộ, cổng làng tôi nằm êm đềm bên dòng sông Đáy thơ mộng, nó là kiến trúc độc đáo mang chiều sâu văn hóa của  làng quê. Phía sau chiếc cổng làng còn im đậm ký ức của những người con đi xa, để mỗi khi ta nhớ về không khỏi bồi hồi với hai tiếng “quê hương”. Bởi đôi khi chúng ta biết sống và yêu thương cũng nhờ vào hai từ “hoài niệm” ấy.

Kiến trúc cổng làng tôi không quá cầu kỳ, chiếc cổng có hình mái vòm được xây bằng gạch nung già cùng những hình vẽ tỉ mỉ tinh xảo của bác thợ cả khéo tay thủa ấy. Cạnh cổng được trồng một cây đa, theo thời gian cây đa mọc rễ lan nhanh bám vào thành cổng, phủ bóng mát ôm trọn lấy mái vòm cũ kỹ. Nó được xây lên như để phân biệt được rõ thôn Đoài với thôn Đông.  Bước vào cổng làng, là bước vào một không gian thuần việt với những ngõ ngách ngoằn ngèo như hình chiếc xương cá nằm úp cùng những nếp nhà mái gói, trước sân nhà là những hàng cau thẳng đứng. Bên trong làng còn có đình làng nằm uy nghi bên cây đa, bến nước, nơi chứng kiến biết bao câu chuyện vui buồn, những câu chuyện của cuộc sống làng xã ấy đã trở thành hoài niệm trong một quá trình sống dài của mỗi người con của làng.

Đi xa quê, mỗi khi trở về, bước đến cổng làng, tôi thường lắng mình tĩnh lại hít một hơi thật dài, như để trút đi những bon chen của phố thị ồn ào. Tôi lần tìm ký ức tuổi thơ của mình trên bức tường loang lổ, trên những rễ đa bám vào thành cổng. Tuổi thơ tôi là những ngày cuối năm gió mùa đông bắc thổi hun hút trên cánh đồng chiều khô nẻ, sương đang giăng mắc ngày một đặc lại khiến con đường dẫn về lối cổng làng  như co lại, bé nhỏ mịt mùng. Tôi dắt tay đứa em kế, bế đứa em út đang đói lả lếch thếch đi bộ ra cổng làng đứng chờ mẹ đi dạy học xa chưa về.

Để dỗ các em nín khóc tôi đã bày trò chơi bứt lá đa xếp hình mặt trăng chú cuội, do trèo lên thành cổng bứt lá rồi nhìn thấy một tổ chim, tôi cứ chíu chít với lũ chim non mà để em út tôi đã ăn một bụng lá đa vì đói quá. Em tôi lả đi, tôi vội bế em vào quán bác Sỉu cầu cứu, bác móc họng cho em tôi nôn ra hết rồi bác pha cho mỗi chị em một cốc sữa đặc nóng. Chưa bao giờ tôi từng được uống thứ gì ngon như cốc sữa hôm ấy. Vừa uống tôi vừa khóc tấm tứt, đến nỗi bác Sỉu phải mắng “Tông môn nhà bay, uống đi khóc gì, con gái mà nhiều cảm xúc thế mai kia rồi khổ con ạ”.

Cổng làng cũng là nơi mẹ tôi đứng tần ngần tiễn bố đi phục vụ đất nước trong những ngày binh lửa. Nơi bà tôi cứ chiều đến lại ra ngồi trên gờ cổng nơi có rễ cây đa to trồi lên chờ bố tôi trở về. Tuyệt vọng, bà lê bước về trong khói bếp lam chiều đang loãng dần vào đêm tối.

Cổng làng cũng là nơi chứng kiến tôi lớn lên và ra đi rồi lại trở về để tìm nơi trú ẩn cho tâm hồn trên những nhánh cong nhánh gầy của cây đa cổ thụ. Khi nào cũng thế, bước qua cổng làng tôi sẽ rẽ vào quán bác Sỉu, bác đón tôi như đón cô con gái bé bỏng có tâm hồn mãi mắc kẹt lại nơi này trở về. Bác sẽ lại pha cho tôi một cốc sữa đặc nóng rồi nhìn tôi mắng mỏ “Tông môn nhà bay, sao bay nhớ dai quá”. Bác bây giờ đã già lắm rồi, trên mặt bác chồng chéo những nếp nhăn tựa như những đoạn gấp khúc của năm tháng cũ mòn được xếp lại. Bác kể, anh con trai cả nhà bác bây giờ làm to ngoài thị xã, giục bác ra ở cùng để tiện bề chăm sóc lúc đau ốm tuổi già, nhưng bác nhất quyết không đi vì bác sinh ra và lớn lên bên cạnh chiếc cổng làng, nó như một phần máu thịt trong bác làm sao xa cho được. Khi ấy tôi ôm bác, cúi xuống dụi dụi vào bộ ngực gầy guộc của bác mà cười “Đấy, bác cũng nhớ dai như con nhé”.

Dạo gần đây, bác Sỉu thường hay nhìn chiếc cổng làng rồi buông tiếng thở dài trĩu nặng. Chiếc cổng làng tôi bây giờ không còn như trước, nó được người ta xây một cái miếu và quây những tấm tôn sắt màu xanh dương quanh năm khói hương nghi ngút. Chiếc cổng làng trở nên biến dạng một cách kỳ quặc. Cùng với hơi thở của cuộc sống hiện đại, làng quê ngày một chuyển mình, thì việc bảo tồn, gìn giữ những di sản của làng, xã là một việc làm hợp lý, nhưng công việc ấy cần được giao cho những nhà chuyên môn và người có đủ sự tinh tế về mặt thẩm mỹ, để chiếc cổng làng được bảo tồn nguyên trạng như vốn có. Bởi cổng làng là đại diện cho sự chỉn chu, nề nếp, chuẩn mực của dân làng.

Ở mỗi làng quê, cổng làng là kết tinh văn hóa, là cái hồn mang đậm chất thi vị, và cả sự linh thiêng của dân làng. Trải qua bao năm tháng bom rơi đạn lạc, người dân đã có lúc phải bỏ làng bỏ xóm đi tránh nạn, chiếc cổng làng cùng cây đa cổ vẫn ngày đêm sừng sững bám rễ nơi đất mẹ để đợi những người con trở về và nó cũng bám rễ trong tâm hồn mỗi người con xa quê.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Dồn hết tâm huyết cho “Vinh quang thầm lặng 2024”

    (Xây dựng) – Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024''. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng, tiếp sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương đã mang đến cho khán giả những phút giây hào hùng, lắng đọng đầy cảm xúc.

  • Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các nghệ sỹ tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Tối 10/9, tại Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 và trao giải Cánh diều vàng Phim truyện điện ảnh xuất sắc cho phim Mai, đạo diễn Huỳnh Trấn Thành.

  • Sắp diễn ra Triển lãm “Otherwise – Mặt khác”

    (Xây dựng) - Dự án nghệ thuật “Mặt khác – Otherwise” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực hội họa, văn học và điêu khắc, gồm họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Triển lãm trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, dự kiến khai mạc vào ngày 13/9 tại Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Triển lãm được coi là một lời tri ân của ba nghệ sỹ hàng đầu với nơi họ sinh ra và lớn lên – Hà Nội.

  • Cánh diều vàng 2024: Lan tỏa giá trị nhân văn qua chuỗi hoạt động thiện nguyện

    (Xây dựng) - Nằm trong chuỗi hoạt động của giải thưởng Cánh diều vàng 2024, sáng 10/9, ngay trước thềm lễ trao giải, Ban tổ chức cùng các nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu và đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân đã tham gia thực hiện chương trình thiện nguyện “Chắp cánh yêu thương” tại Làng trẻ em SOS Nha Trang, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa.

  • Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

    Các nhà khoa học trong nước và quốc tế khẳng định Lạng Sơn có đầy đủ giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở thành công viên địa chất toàn cầu.

  • Hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ tham dự với 163 tác phẩm tranh giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 sẽ diễn ra vào ngày 10/9 tại quảng trường Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến có hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham dự.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load