(Xây dựng) – Ngoài những ấn tượng về sân bay, cái nóng khủng khiếp, những công trình xây dựng khủng tại Dubai như đã đăng ở Ký sự Dubai phần I, tôi còn bị choáng ngợp bởi những trải nghiệm shopping, thiên đường sa mạc và khu chợ “ngàn lẻ một đêm”.
Mua sắm ở Dubai: Shop ơi là shop
Thiên đường mua sắm mà trong số 17 quốc gia tôi đã từng đi qua là Singapore, Nhật Bản, Ý… nhưng đến Dubai, nhận định này đã thay đổi. Dubai mới chính là thế giới mua sắm bậc nhất hấp dẫn cả già, trẻ, trai, gái ở mọi quốc gia…….
Khu mua sắm Dubai Mall
Tôi đoán, có lẽ điểm cộng ở Dubai khiến người ta từ khắp cac nẻo phương trời thế giới đổ về đây để shopping là tax free (toàn thể các nước tiểu vương quốc Arập thống nhất UAE đều không có thuế VAT). Điều này giải thích tại sao các mặt hàng từ quần áo thời trang, nước hoa, mỹ phẩm, vàng bạc châu báu, đồ điện tử, xe hơi hạng sang ở Dubai đều có giá rẻ hơn so với thị trường chung thế giới từ 10 – 20%. Ai mà chẳng thích mua rẻ cho cùng một mặt hàng nên vì thế mua sắm ở đây như mời chào rút hầu bao và cứ như chưa bao giờ được mua sắm, ngắm nhìn nên hoa cả mắt bởi vì một phần là vậy.
Thiên đường mua sắm không phải là Singapore, Nhật Bản, Ý… mà là Dubai
Shopping hàng hiệu ở Dubai trên như Hermes, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Prada, Dior, Armani, D&G, Balenciaga, Chlóe, Tiffany, Salvatore Ferragamo, Cartier, Bottega Veneta… nhan nhản ở các shop. Tôi đâu có ngờ, phụ nữ Arập trong trang phục áo thụng đen trùm kín hết tóc trông huyền bí, uẩn khúc với đôi mắt đen nhánh, ánh mắt bất cần xung quanh. Tuy nhiên, ít ai lại biết rằng, bên trong bộ trang phục lụng thụng huyền bí đó, những người phụ nữ này rất thời thượng, hết sức sành điệu với những thương hiệu đắt tiền nhất thế giới mà mình chẳng dám mơ.
Chợ vàng ở Dubai!
Chợ vàng có khác, cơ man toàn vàng nhưng trông như giả ý bởi nó nhiều quá. Cứ như chợ rau chợ quần áo. Có vô số chợ vàng ở Dubai, khu bán vàng tập trung dọc hai bên đường ở rất nhiều khu vực, hẳn phố toàn vàng với vàng, choáng vì tất cả đều là vàng thật. Nhưng thực ra, điều đó cũng bình thường thôi đây chính là mỏ kim cương, vàng bạc mà. Đại gia nào thích vàng thì đến đây sẽ được thỏa lòng mang cả thế giới vàng về nhà!
Chợ vàng có khác cơ man là vàng
Chợ Vàng là những hình ảnh của một Dubai truyền thống và cổ xưa nhất. Không khí chợ vàng không ồn ào, không gọi mời níu kéo, chỉ đơn giản là nụ cười thật ngọt của người Ả Rập. Mà mình thấy họ đẹp thế, khuôn mặt họ hệt như “trai đẹp, gái đẹp” trong tranh vẽ. Ngắm họ không biết chán.
Đại gia nào thích vàng thì đến đây sẽ được thỏa lòng mang cả thế giới vàng về nhà!
“Phiên chợ Ba Tư” đưa ta về thế giới “Ngàn lẻ một đêm”
Trước khi đến đây, tôi tự hứa với bản thân là bằng bất cứ giá nào cũng phải có trải nghiệm của một phiên chợ xưa mà trí tưởng tượng đã dẫn dắt. Trên đường đi đến đó, hầu như đi qua các khu nhà hàng, khách sạn, quán xá đều có mở bản nhạc như trong phim alibaba. Nghe như buồn, như vui, như nuối tiếc tuổi thơ, như hạnh phúc hiện tại! Tôi đã được sống trong cảm giác của ngày con trẻ, ngày mà như nuốt từng chữ trong cuốn truyện “Ngàn lẻ một đêm”.
Hình ảnh chợ vương vấn dáng dấp của câu truyện cổ “ngàn lẻ một đêm”
Dubai vẫn mang nét đặc trưng nền văn hóa Ba Tư trong lòng các phố cổ, chính là linh hồn của những “chợ phiên” rộn ràng, tấp nập, vội vã, nhạc vui…Có thể nói rằng đây chính là cảm xúc tái hiện văn hóa Ba Tư đã từng tồn tại và lưu truyền qua thời gian.
Dubai vẫn mang nét đặc trưng nền văn hóa Ba Tư trong lòng phố cổ
Những “phiên chợ Ba Tư” của quá khứ…. Những phiên chợ vẫn náo nhiệt diễn ra trong lòng những khu phố dọc ngang. Tất cả các loại hàng hóa đều có mặt. Gương mặt dù mệt mỏi nhưng đẹp quá bởi nụ cười với du khách dù khách ghé qua nhiều khi chỉ ngắm nhìn mà không mua bất cứ sản phẩm nào. Tôi cũng thích mua nhưng làm sao mang được về nhà bởi thế, như ngắm nhìn, như nuốt vào trong không khí chợ Ba Tư. Ôi chợ Ba Tư!
Thiên đường sa mạc Dubai
Những giờ phút tận hưởng cuối cùng của tôi ở Dubai mới thực sự gọi là hạnh phúc nhất khi tôi đặt chân lên sa mạc, lên những hạt cát trắng nóng ran.
Những giờ phút tận hưởng trên sa mạc
Có lẽ cảm giác đi trên chiếc xe đặc chủng dành cho sa mạc, bồng bềnh lên xuống, lúc ngụp sâu lúc thả nổi trên không trung, cảm giác này không bao giờ phai nhạt. Cả đoàn trên xe rú lên mỗi lần ngụp lặn, thán phục anh tài xế và cảm ơn anh đã mang đến cho du khách cảm giác mạnh nhưng rất an toàn.
Những chú lạc đà mang cảm giác bồng bềnh cho mỗi du khách
Có lẽ ai đó đã rất thông minh khi sáng tạo ra một khu du lịch từ cát, biết tận dụng cát, biết trân trọng và nâng niu cát nên giờ đây cát sa mạc Dubai trả lại ơn cho chính chủ của nó. Quả thật là một sự đầu tư quá thông minh và hoàn hảo với những chú lạc đà, trại đêm “ngàn lẻ một đêm” bồng bềnh cho mỗi du khách.
Trại đêm mang cho du khách cảm giác sống lại trong câu truyện cổ thời xưa
Phía sau sự hào nhoáng
Tôi có chút nhận xét khi nói về nhân quyền ở đây. Dù thời gian ngắn, nhưng qua tham khảo sách báo, cùng với tận mắt chứng kiến, tôi nhận thấy ở Dubai giàu thì nó giàu thật, hiện đại thì cũng có thể nói là nhất nhưng thiếu văn minh bởi trong xã hội của thế kỷ 21 mà ở đây vẫn tồn tại nặng nề sự phân biệt kỳ thị giữa nam và nữ; giữa người bản xứ và người ngoại quốc. Sự kỳ thị ở đây là khá lớn.
Sự kỳ thị ở đây khá lớn: Phụ nữ được xem là công dân hạng II
Ở Dubai phụ nữ vẫn bị cho là những công dân hạng II và khi bước ra đường phần lớn họ đều phải che khăn, bịt mặt. Có người còn bịt luôn cả mắt, thậm chí khăn đen chùm cả mặt. Cả người từ đầu đến chân trông rất giống như đống vải đen di động, huyền bí, lạ lẫm, xa lạ và gờn gợn sờ sợ... Trong khi đó, đàn ông được phép có nhiều vợ, nhiều bóng hồng của riêng mình. Ngoại tình ở phụ nữ là điều cấm kỵ tại đây, số phận phụ nữ ngoại tình xem như chấm hết nếu bị phanh phui
Đàn ông được phép có nhiều bóng hồng
Sự kỳ thị giữa người bản xứ và người ngoại quốc: Theo thống kê của năm 2010 thì mặc dù dân số của UAE lên đến 8.2 triệu nhưng chỉ có 13% là người bản xứ. Phần còn lại là người ngoại quốc đến làm việc (expatriates) và phần lớn những người trong số này đều là người lao động đến làm công từ những nước như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Philippines.
Tiền lương được trả khác rất xa với người bản xứ, người lao động nước ngoài hoàn toàn không hưởng được bất kỳ sự trợ cấp nào từ chính phủ UAE. Ngược lại nếu như là người UAE thì được hỗ trợ từ tiền nhà, tiền điện, được nhận vào làm những nơi có điều kiện tốt, có cơ hội vững vàng và hiển nhiên sẽ có cơ hội thăng tiến.
Kết luận
Thời gian ở Dubai không nhiều tuy nhiên tôi cũng đã dành trọn từng giây phút để tận hưởng hết max cảm giác Dubai để viết lên những dòng ký sự trên đây. Dù biết đó chưa hẳn là sâu sắc bởi có những hoạt động chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi nhưng chắc chắn, những dòng viết trên đây là một phần mô tả sự thật về Dubai. Một lời kết cho cả chuyến đi, đó là sự thán phục Dubai, dù rằng về mặt xã hội vẫn còn đó những góc khuất!
Khánh Phương
Theo