(Xây dựng) - “Ký Quảng Ninh 1964-1974” do Hội Văn nghệ Quảng Ninh ấn hành là cuốn sách quý, vì đây là cuốn sách tuyển chọn các tác phẩm thể loại ký trong thời gian 10 năm của Hội văn nghệ Quảng Ninh. Hơn nữa, tác phẩm tuyển trong tình cảnh xuất bản khi ấy cực kỳ khó khăn, đương nhiên cuốn sách ra đời đã là một giá trị không thể so sánh.
Khi tôi đọc các tác phẩm, thì hiện ra tên tuổi các tác giả gạo cội của Quảng Ninh đều góp mặt ở đây. Thú thực, nhìn 13 tên tuổi các tác giả thì đủ thấy chất lượng của các tác phẩm bút ký vạm vỡ đến nhường nào. Nào Lý Biên Cương với “Khúc hát ngày qua”, Tô Ngọc Hiến với “Tiếng nói một nhà máy”, Lê Hường với “Đường lửa”, Tạ Kim Hùng với “Một chuyến đi xa”...
Trang bìa tập sách.
Đọc xong hơn hai trăm trang sách với 13 bút ký của 13 tác giả thì bút ký nào cũng chứa chất những vấn đề xã hội thời điểm đó rất rõ. Nó trở thành một cuốn tư liệu quý giá nếu như ai có muốn tìm hiểu về Quảng Ninh những năm tháng phải “vừa tay súng, vừa tay búa”. Các tác phẩm bút ký ấy chứa đựng những thông điệp về người dân Quảng Ninh trên công trường, xưởng máy, sản xuất vì miền Nam ruột thịt và trực tiếp tham gia tự vệ mỏ. Những thợ mỏ trở thành chỉ huy đại đội tự vệ, đại đội pháo cao xạ với khí chất hiên ngang anh hùng, quả cảm giữa thời chiến tranh ác liệt. Nhưng họ cũng vô cùng hồn hậu với cuộc sống đời thường và họ, còn rất trẻ. Đó là “Chi đội trưởng ra khơi” của Võ Khắc Nghiêm, là “Người con của quê hương” của Sỹ Hồng.
Các tác giả mô tả, khắc hoạ về hình ảnh người và đất Quảng Ninh rất rõ, ở đó ta sẽ gặp những con người cụ thể, những công việc cụ thể, bình dị mà vô cùng đặc biệt. Ở đó, chúng ta sẽ được thấy các nhà văn thời đó tái hiện sinh động cuộc sống lao động, sản xuất và chiến đấu của quân và dân vùng mỏ với những nét rất riêng mà không chỉ những người ở thời điểm lịch sử đó cảm nhận được. Ngay cả chúng ta, những thế hệ hôm nay vẫn nhận ra những muôn vàn sự trìu mến về thế hệ cha anh trong công cuộc vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc, chống chiến tranh phá hoạ của đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cuốn “Ký Quảng Ninh 1964-1974” còn là một tác phẩm mang “chiếc áo” của thể loại ký văn học khá dầy dặn. Mỗi tác phẩm bút ký trong tập đều hàm chứa yếu tố văn học trội hơn tính báo chí. Vì thế đọc các tác phẩm ở cuốn sách này ta như được độc một thiên truyện ngắn hay chứa đựng ngôn ngữ văn học phong phú và sâu sắc. 13 tác giả là 13 vẻ đẹp ngôn ngữ khác nhau với những vấn đề xã hội rất gần nhau nhưng ta vẫn nhận ra sự lao động của họ cho một tác phẩm bút ký thì không hề nhẹ nhàng.
Ta hãy cùng đọc một đoạn trong bút ký của nhà văn Lý Biên Cương trong tác phẩm “Khúc hát những ngày qua”: “Bấy giờ là mùa thu. Mùa thu thường có những thay đổi không ngờ. Tôi sống qua nhiều mùa thu, bao giờ cũng bỡ ngỡ với những đổi thay mình không thể lường trước, nhiều khi chỉ mới qua một đêm ngủ... Heo may đã rải đồng rồi đó... Buổi tối trời se tái lành lạnh. Bỗng ầm vài tiếng sấm nhỏ... Mùa thu đối với riêng tôi bao giờ cũng có cái háo hức mới mẻ ấy. Từ nhà tôi lên đồi pháo trận địa phải đi qua một tràn than. Một tràn than ôm quanh một ngọn đồi nhiều thông...”. Nhà văn Lý Biên Cương điềm tĩnh kể về câu chuyện cuộc đời của người thợ mỏ phải buông tay búa làm than để cầm súng bảo vệ quê hương với lối dẫn dụ người đọc bằng văn phong rất sâu xa, rất chậm rãi nhưng vô cùng mãnh liệt của sự sống. Ta sẽ đọc được cách viết của các tác giả cùng thời các ông đều coi trọng tinh thần văn chương lên hàng đầu, chứ thông tin thì có lẽ cũng chỉ là cái cớ để có thêm gia vị cho bài viết của mình.
Và tôi nhận ra, định hình phong cách viết của thế hệ nhà văn Quảng Ninh thời kỳ này thật sung sức và luôn đề cao nghệ thuật ngôn từ. Từ phong cách viết đó, các nhà văn đã dâng tặng bạn đọc những tác phẩm ký văn học có giá trị cao. Nó mang thông điệp của một thời sống và viết có trách nhiệm với trang viết của mình, dù viết về một nông dân hay một anh hùng. Gấp cuốn “Ký Quảng Ninh 1964-1974” thật sự tôi đã có những bài học bổ ích về cách viết bút ký có dấu ấn riêng của mỗi tác giả. Và thật sự thấy cuốn sách có giá trị lâu dài riêng về lao động chữ nghĩa với thể loại sáng tạo này.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Theo