Kỳ I: Sự thật về dự án “Hà Hoa Tiên”
Kỳ II: Biến tấu cụm công nghiệp thành… khu đô thị
Khi đã biết “chân tướng” dự án Cụm công nghiệp Hoàng Đông đã bị biến tấu thành khu đô thị, người dân ở địa phương rất bất bình đòi chính quyền thu hồi lại dự án. Thực tế, trong suốt 7 năm qua kể từ ngày Cty CP Hà Hoa Tiên xin giấy phép thành lập cũng như hứa hẹn, người dân và địa phương chưa bao giờ nhận được sự thiện chí của Cty này.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Đông trao đổi với phóng viên.
Đất đai lãng phí
Dẫn chúng tôi đi khắp các khu đất mà phía Cty CP Hà Hoa Tiên đã thu và những chỗ chưa thu để dự định làm cụm công nghiệp, khu đô thị… ông Vũ Văn Tuyên- Trưởng thôn bất bình nói: “Nếu cứ để cho các DN về đây làm dự án rồi lại bỏ cho cỏ mọc như thế này, lãng phí đất sản xuất quá”. Ông Tuyên cho biết: Năm 2004, khi Cty CP Hà Hoa Tiên vào đây, ông Đặng Lê Hoa xuống vận động, hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng từ 3.000 - 5.000 con em địa phương đi làm công nhân. Thực tế, cho đến nay đã tròn 7 năm, chưa có 1 người nào vào đó làm công nhân cả. Thỉnh thoảng, bí người đi cắt cỏ, Cty CP Hà Hoa Tiên ra hai làng vùng ven để thuê người vào… cắt cỏ.
Bà Nguyễn Thị Yến, một người dân đang lội ngoài cánh đồng, thấy phóng viên đã “tố”: 7 năm qua nhà tôi phải làm thuê đủ kiểu để sống. Ruộng đất lấy làm khu công nghiệp, nhưng nào có thấy công nghiệp đâu. Vậy lấy đâu là niềm tin vào những ông chủ DN như thế này nếu như Nhà nước không can thiệp.
Có một thực tế là khi xin được giấy phép đầu tư vào đây và nhận được mặt bằng, phía DN đã đổ một lượng cát rất lớn (chi phí thấp hơn đổ đất), nên rất khó quay trở lại làm nông nghiệp. Các “bờ xôi, ruộng mật” đều bị hoang hóa một cách tàn nhẫn.
Khi được hỏi, hầu hết người dân đều kiến nghị, không chấp nhận cho Cty CP Hà Hoa Tiên xin đất để biến khu vực này thành khu đô thị nữa.
Người dân Hoàng Đông không còn mặn mà với các dự án.
Địa phương cũng bị “coi thường”
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Sìu - Chủ tịch UBND xã Hoàng Đông cho biết: Kể từ năm 2004 đến nay, Cty CP Hà Hoa Tiên chưa có một đóng góp gì cho địa phương cả. Các chương trình từ thiện do UBMTTQ vận động như ủng hộ bà con bị lũ lụt, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ gia đình chính sách… khi các cán bộ mặt trận, hội chữ thập đỏ địa phương đến Cty đề nghị hưởng ứng, giúp đỡ nhưng Cty này chẳng có ý kiến gì, họ coi như không; các chương trình khác như giúp các em vui tết trung thu, chào mừng ngày 27/7, hội làng… có vận động thì cũng bằng không. Nếu so sánh với các DN khác cùng đóng trên địa bàn (DN nhỏ hơn), nhưng họ rất nhiệt tình ủng hộ. Bởi vậy, nhắc đến Cty CP Hà Hoa Tiên, ai ai cũng thất vọng. Vừa rồi, địa phương có kiến nghị Cty trợ giúp làm cho con đường bê tông vào trường học cấp 1 của xã, nhưng Cty này cũng hứa. Vì vậy, đã mấy năm con đường vẫn chưa làm xong.
Tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết: Năm 2005 Cty TNHH Cán thép Tam Điệp (một trong chuỗi Cty của ông Đặng Lê Hoa) cũng bị tố cáo về hành vi “trốn thuế” và lách luật. Theo công văn của Bộ Thương mại, Cty TNHH Cán thép Tam Điệp sẽ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép trong năm 2005, số lượng là 110 nghìn tấn phôi thép, hiệu lực kéo dài đến hết tháng 12/2005. Điều này cũng có nghĩa chỉ riêng năm 2005 Cty này sẽ được lợi ít nhất trên 30 tỷ đồng so với các DN khác khi không phải chịu mức thuế suất 5% khi nhập khẩu phôi thép về sản xuất. Phát hiện ra sự “ưu ái” khó hiểu của Bộ Thương mại lúc đó, các DN ngành thép đã làm đơn “tố”. Tuy nhiên, sau đó vụ việc cũng nhanh chóng bị chìm vào quên lãng một cách khó hiểu.
Đà Giang – Nam Long
Theo baoxaydung.com.vn