Thứ sáu 19/04/2024 02:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Những tranh luận “nảy lửa”!

14:34 | 31/10/2019

(Xây dựng) - Chỉ hơn mười ngày, phiên họp Quốc hội lần thứ 8 đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi những tranh luận, phản biện “nảy lửa” của các ĐBQH. Tiếng dân, lòng dân được các đại biểu của dân trải thẳng ngay trên nghị trường với nhiều tiếng nói thẳng thắn và tranh luận đến cùng!

ky hop thu 8 quoc hoi khoa xiv nhung tranh luan nay lua
Người lao động có mấy ai muốn tăng giờ làm, nếu không vì sức ép thu nhập và cả sức ép của ông chủ các DN.

Quốc hội trong phiên họp bàn thảo để xây dựng Luật Lao động đã nóng ran với nhiều tiếng nói sắc sảo và tranh luận khá quyết liệt. Rõ ràng Luật phải bám sát cuộc sống, bám sát người dân mới có thể “bật ra” những quyết sách đúng!

Phải nhìn rõ đất nước tăng trưởng nhanh, nhưng năng suất lao động lại quá thấp. Vậy cách nhìn về đời sống, thu nhập lương bổng của người lao động ra sao khi yêu cầu cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần không thể như xưa! Càng nhìn rõ hơn kinh tế tuy tăng trưởng, nhưng hối thúc của việc trả nợ công đến hạn không thể không lo. Bất an về nợ công liệu có không? Nguồn thu tăng, nhưng đã thật bền vững? Dự trữ ngoại hối bứt phá ngoạn mục với 73 tỷ USD rõ ràng không thể không mừng!

Bàn về tiền lương cho người lao động rõ ràng còn quá thấp. Nhưng mỗi lần bàn đến điều chỉnh lương, thì Bộ Tài chính lại như “đứng trên đống lửa” phải tính toán nguồn xem tìm từ đâu. Nhiều khi tăng lương không theo được mặt bằng giá, lương tăng không bù lại được sự trượt giá. Nhìn thẳng thế để thấy hai vấn đề việc làm và tiền lương thu nhập của người lao động là một bài toán không phải lúc nào cũng có ngay lời giải.

Hai luồng ý kiến ngược chiều nhau tranh luận đến “nảy lửa” về tăng giờ làm, và không nên tăng giờ làm quá sức với người lao động, đủ thấy cách nhìn về người lao động cũng rất đa chiều.

Hãy xuống với người lao động ở các nhà máy, các KCN mới hiểu người lao động nói gì, nghĩ gì? Sức ép công việc, sức ép thu nhập lương bổng với quyền có việc làm, khát khao giấc mơ thu nhập sao cho đủ sống cũng là cả câu “chuyện dài nhiều tập” với đủ các cung bậc nỗi niềm.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rất trúng: Người lao động có mấy ai muốn tăng giờ làm, nếu không vì sức ép thu nhập và cả sức ép của ông chủ các DN. Nếu lao động 8 giờ vàng ngọc mà thu nhập đủ đầy, liệu có vai muốn tăng giờ làm thêm? Trong khi đó thì ĐBQH Vũ Tiến Lộc lại cho rằng: Người lao động thích làm thêm giờ, khát khao ủng hộ việc làm tăng giờ, xem ra chả trúng với thực tế. Hãy nhìn sâu xa người lao động đang phải bươn chải thế nào. Nhiều người gửi con ở quê cho ông già bà cả trông vài năm chưa về nhìn mặt con. Thử hỏi có cha mẹ nào không muốn gần con, bên con hàng ngày? Nhưng vì “sinh kế” mà phải xa con cũng là những ngẫm ngợi chả thể đặng đừng. Hãy nhìn xem nhiều cặp vợ chồng trẻ ở các KCN đang sống thế nào, trang trải ra sao với đồng lương của các DN trả? Thôi thì tự lo nơi ăn ở, lo nơi gửi trẻ, nơi đi học cho con. Nhìn xem có nhiều không các DN lo chỗ ở cho người lao động, lo nhà trẻ, trường học cho con em họ? Tất cả đều như còn “thả nổi” phó cho mặc người lao động “tự bơi”. Nói người lao động làm tăng giờ cũng từ sức ép thu nhập mà bỏ mặc cả tuổi xuân và sức khỏe trôi đi theo năm tháng. Sự mệt mỏi của người lao động do làm tăng giờ thêm ca, liệu ĐBQH Vũ Tiến Lộc có hay?

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu tiếng nói phản biện về tăng giờ làm thêm rất thích đáng. Ông đã dẫn cả lịch sử Karl Marx đã từng phản đối tăng giờ làm thêm, đủ thấy cả lý luận và thực tế nhìn về cái sự tăng ca tăng giờ làm thêm của người lao động phản cảm thế nào. ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rất thẳng: Người lao động làm thêm từ 40 giờ một tuần trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng. Nói đâu xa, cả những người làm việc hành chính, làm việc trí óc, không ca kíp gì nặng nhọc, nếu chỉ thức một đêm, hay một đêm ít ngủ thôi, hôm sau đã thấy mệt nhoài rồi. Sức khỏe con người ông trời sinh ra đâu có phải vô hạn cứ “thả phanh” để lăn vào tăng ca tăng giờ. Phải nhìn rõ trước mắt nếu hô hào người lao động tăng giờ thì DN thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập, nhưng hậu quả nhìn ngay trước mắt là sức khỏe và bệnh tật nhanh chóng theo về. Vậy Luật có cần quy định người lao động làm tăng giờ 300 hay 400 giờ một năm không? Ấy là chưa nói đến hạnh phúc gia đình, thời gian dành chăm sóc con cái, và cả sự phục hồi sức khỏe thế nào sau mỗi lần tăng kíp tăng ca? Cũng bởi một thực tế có những người lao động cần làm thêm để có thêm bạc tiền lo cho con cái gia đình đang có vấn đề cấp bách. Nhưng số này không nhiều. Chính những người lao động này cũng hiểu nếu làm tăng giờ quá mức thì sức khỏe không thể không lo. Bệnh nghề nghiệp sẽ “theo tay”, sức khỏe suy giảm là khó tránh.

Cần chỉ thẳng tăng giờ làm thêm quá mức chính là vắt kiệt sức người lao động không đi đúng với mục tiêu nâng chất lượng cuộc sống của người lao động mà đất nước đang quyết tâm hướng tới!

Bà Quyết Tâm nghẹn ngào rớt nước mắt khi phản biện lại quan điểm tăng giờ của ĐBQH Vũ Tiến Lộc cũng bởi bà rất gần người lao động, hiểu thấu tâm tư của người lao động ở các DN hiện nay! Nhưng chính ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH lại đưa ra những con số suy nghĩ. Đó là nếu người lao động không tăng giờ, tăng ca, xuất khẩu sẽ hụt đi 20 tỷ USD, GDP sẽ giảm 0,5%. Chả biết ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn những con số ấy từ đâu, nhưng thời công nghiệp 4.0 phải tính đưa công nghệ tiên tiến vào để giải phóng sức người, để tăng năng suất lao động, chứ không thể đặt ra những quy định tăng giờ, tăng ca rồi đưa vào luật định mà không tính đến hiệu quả và hệ lụy thế nào. Tư duy như thế sao gọi là tư duy thời công nghiệp 4.0? Còn ĐBQH Vũ Tiến Lộc mới chỉ nhìn một phía, nói một chiều ủng hộ DN, nói thay các ông chủ DN tư nhân mà lại quên đi quyền lợi chính đáng của người lao động, dư luận nghe chả lọt tai. Cả cách viện dẫn số liệu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chưa đủ sức thuyết phục trong vai trò quản lý nhà nước!

Tranh luận quyết liệt, mổ xẻ đến tận cùng để tìm ra kế sách xây dựng các đạo luật cho trúng, nhưng qua đó cũng như đọc được trí tuệ, tư duy, trình độ của những học giả, những tiến sĩ chỉ nói một chiều nhưng lý thuyết lại như đi quá xa thực tiễn. Nên nhớ thực tiễn phải quyện chặt với lý luận. Chỉ có lý luận thôi, thì đó chính là thứ lý luận suông!

Hãy đọc lại những lời của các vĩ nhân, của Bác Hồ cũng đã chỉ rất thẳng. Tiếc một điều nói học Bác, học cha ông nhưng một bộ phận những “công bộc” trong cái đầu sao cứ nghĩ khác, cứ làm khác? Cần phải soi lại chính mình!

Nghị trường Quốc hội trong những ngày làm việc đầu tiên đã nóng ran lên những tranh luận rất thẳng. Đó chính là những đổi mới của hoạt động Quốc hội rất đáng mừng. Vì nó thể hiện tính dân chủ của một Quốc hội bàn việc dân, lo việc dân.

Khi bàn về chọn người tài, dùng người tài, những tranh luận của ĐBQH Dương Trung Quốc và ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn cũng rất hay và thú vị. Liệu cách nhìn của ĐBQH Dương Trung Quốc về chọn tài có mới không? Liệu cách nhìn về người tài của ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn đã quá cũ chưa? Nói gì thì cách nhìn nhận người tài, chọn tài của cha ông, và Bác Hồ không hề cũ chút nào đâu mà vẫn nóng bỏng tính thời sự. Người tài xin đừng cứ nói đến tiền bạc mà họ đã “đầu quân” ngay đâu. Tất nhiên không có tiền có gạo sao có thể vực được “đạo”. Nhưng bạc tiền không phải là tất cả. Điều cần hơn chính là cách nhìn, cách đánh giá người tài năng. Hơn thế, phải biết trân trọng họ, tạo cho họ đất để dụng võ, để họ cống hiến, sáng tạo. Đừng nói thời bây giờ khác trước để nói ai yêu nước hơn ai? Cũng chớ vội “tung hê” những ngôn mới lạ rồi hùa theo những tư duy mượn sự đổi mới để xóa nhòa lịch sử, như tự vỗ ngực cho mình là hiểu biết trí tuệ hơn người(?).

Người tài đang ở đâu? Họ đang ở trong chính NHÂN DÂN. Nhân dân ấy là con em những cán bộ giỏi tài, tâm huyết thực sự. Nhân dân ấy, chính là những lớp trẻ con cháu cô bác thường dân nghèo khó, nhưng có tố chất thông minh, học hành bài bản. Nếu nhìn rõ, biết chọn lọc để đào tạo bồi dưỡng với chính sách tốt thì đó chính là nhân tài của quốc gia, “báu vật” vô giá của quốc gia chứ đâu khác. Không nên nghi kỵ “con ông cháu cha” mà nói rằng đều ngu dốt hết. Con cháu lãnh đạo giỏi giang thật sự rất quý. Nhưng con cháu cô bác dân thường mà thực giỏi, thực tài càng quý biết bao nhiêu. Dùng người, chọn người cần con mắt vô tư khách quan là vì thế. Nhiệm kỳ Đại hội XIII phải làm sao không bỏ sót người tài, nhưng dứt khoát không để lọt những người cơ hội non đức kém tài, giỏi luồn lọt vào đội ngũ cấp chiến lược!

Mới thấy bàn về xây dựng các đạo luật, bàn về “thiết kế” chính sách, bàn về chọn người tài, dùng người tài, không gì khác phải đi vào thực tế, lắng nghe thực tiễn một cách khách quan và công tâm!

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load