Kỳ 3: Bình yên cuộc sống trên mặt đất
Theo cảm nhận của chúng tôi, KĐC Hương Sơ khá khang trang với 336 căn hộ liền kề và 5 chung cư (gồm 216 căn hộ). Sau 3 năm gây dựng, những hàng cây ở mặt tiền các dãy nhà liền kề đã tỏa bóng mát xanh tươi. Nhà nhà tươm tất. Cư dân vạn đò ở Hương Sơ đang dần trở thành những công dân đô thị văn minh, hiện đại...
Dấu ấn văn minh đô thị hiện hữu ở khu nhà định cư Hương Sơ.
Hòa nhập cộng đồng
Chia sẻ cảm nhận trên với anh Trần Văn Lệ - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy P.Hương Sơ, chúng tôi nhận được sự đồng tình. Anh Lệ cho biết: Ngày đầu tiếp nhận các hộ dân vạn đò đến định cư và trở thành công dân của 3 tổ dân phố 12, 13, 14, cấp ủy Đảng và chính quyền phường không khỏi lo lắng. Bởi dân trí của dân vạn đò thấp. Bằng đấy hộ gia đình chỉ có một cháu học hết trung cấp và hiện đang làm việc ở phường. Số còn lại, không có cháu nào học đến lớp 8. Nhiều trẻ không có giấy khai sinh. Nhiều thanh niên không biết chữ. Thậm chí, cộng đồng vạn đò ở Hương Sơ cũng không có thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, không có đoàn viên thanh niên, không có đảng viên. Bản thân cư dân vạn đò rất phức tạp. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, sống trên những dòng sông, kênh khác nhau, rất khó cảm thông, dễ gây lộn”.
Anh Lệ dẫn chứng tiếp: Ngày trước, tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Sơ chỉ có hơn 10% nhưng sau khi tiếp nhận cư dân vạn đò, tỷ lệ hộ nghèo nhảy vọt lên gần 14%. Sau 3 năm, đến nay, tình hình đã cải thiện hơn một chút, tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Sơ cũng mới giảm xuống còn xấp xỉ 10,7%.
Điều đáng mừng nữa là ngoài tỷ lệ hộ nghèo giảm, Hương Sơ còn có những đổi thay khác. Hiện tại, 100% hộ gia đình cư dân vạn đò ở Hương Sơ được cấp hộ khẩu. 100% người dân được xác minh, cấp giấy khai sinh và cấp chứng minh thư (với những người đủ độ tuổi). Trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Cuộc sống đô thị được cải thiện và dần đi vào nề nếp. Đặc biệt, có 2 người thuộc 3 tổ dân phố mới đã được kết nạp Đảng…
… Nhưng cũng còn những cách nghĩ cũ
Vậy là những người dân vạn đò TP Huế đã có ngôi nhà, chỗ ở tươm tất trên mặt đất, có cuộc sống ổn định, an toàn để khởi đầu một cuộc sống mới có chất lượng tốt hơn. Họ thực sự có cơ hội đưa các công dân thế hệ tương lai thoát ra khỏi vòng sự đói nghèo, thất nghiệp, thất học, sống nheo nhóc trên mặt nước. Còn với chính quyền địa phương cũng vơi đi được phần nào nỗi lo kéo dài nhiều thập niên về sự tồn tại nhếch nhác, thiếu an toàn của các khu vực dân vạn đò neo bám.
Cơ hội cải thiện thế hệ tương
Nhưng chúng tôi cũng cho rằng sẽ phải cần nhiều thời gian hơn nữa để người dân vạn đò đã “an cư” mới có thể “lạc nghiệp” thành công. Bởi dù ở nhà mới nhưng vẫn có không ít hộ gia đình như anh Nguyễn Văn Khoa ở KĐC Phú Mậu vẫn giữ thói quen cũ. Nhìn bề ngoài anh Khoa khoảng 35 - 36 tuổi song có đến 4 đứa con thơ. Đứa lớn nhất mới 8 tuổi, đứa nhỏ nhất còn bế ẵm. Ngày ngày anh đi câu cá, bán lấy tiền nuôi cả nhà, còn vợ chỉ ở nhà trông con. Chúng tôi hỏi anh bao nhiêu tuổi, câu trả lời nhận được là “không nhớ, không biết”. Hỏi nhà mới rộng bao nhiêu mét vuông, cả vợ cả chồng đều toét cười hồn nhiên: “Không biết, Nhà nước cấp cho nhà, cứ thế ở thôi”. Chúng tôi lại hỏi: Thu nhập trông cả vào các mẻ cá của anh thì liệu gia đình có khả năng trả tiền nhà cho Nhà nước không? Cả hai vợ chồng cùng người hàng xóm cũng vẫn cười òa: “Không biết đâu. Cũng thấy bảo nhà nước sẽ thu tiền nhà nhưng chưa thấy ai thu. Mà nếu Nhà nước thu cũng không trả. Không có tiền trả Nhà nước. Chúng tôi rủ nhau không trả…(!).”
Và những mối lo mới
Như vậy là một bộ phận cư dân vạn đò vẫn ỉ lại, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa thực nỗ lực lao động để thoát nghèo. Vấn đề này cũng đang trở thành một mối lo mới của chính quyền TP Huế. Căn cứ chính sách hỗ trợ về nhà ở, TP tổ chức ký hợp đồng mua bán nhà tại các KĐC Phú Hậu, nhà liền kế Hương Sơ tuy nhiên đến nay toàn bộ các hộ định cư đều không thực hiện trả góp tiền mua nhà hàng tháng theo quy định. Phần đông các hộ dân vạn đò mua thêm căn hộ, nhà liền kế theo quy định phải trả trước 30% giá trị căn hộ và 50% giá trị nhà liền kế nhưng đến nay vẫn chưa nộp tiền lần đầu. Tệ hơn nữa còn có 7 trường hợp thực hiện giao dịch dân sự trái với quy định của UBND tỉnh. Chủ nhà do đi làm ăn xa, cho người khác ở không thuộc danh sách trong hợp đồng.
KĐC Phú Mậu thậm chí còn chưa có đơn vị đại diện ký hợp đồng mua bán nhà, đất cho các hộ dân vạn đò cho nên công tác thu tiền sử dụng đất, tiền mua trả góp các căn hộ liền kề chưa được thực hiện. Một số hộ đã nhận đất phân lô hiện vẫn chưa xây dựng nhà. Một số hộ đông vẫn còn sống tạm bợ trên âu thuyền, nhà chồ trên đất gây nhếch nhác, mất mỹ quan. Hiện tại, UBND TP đã đề xuất với UBND tỉnh giao UBND huyện Phú Vang là đơn vị tiếp nhận, quản lý hợp đồng và theo dõi thu tiền sử dụng đất và tiền căn hộ liền kế tại KĐC Phú Mậu.
Phát huy thành quả đạt được, UBND TP Huế đang chủ trương triển khai dự án định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò TP Huế giai đoạn 2. Theo đó, 203 hộ dân có nguồn gốc vạn đò bị chìm đò trong các đợt lũ lụt năm 1985, 1999 hiện tạm cư trên đất di tích và khu đất không phù hợp quy hoạch của TP sẽ được di dời tới quỹ nhà căn hộ chung cư tại P.Hương Sơ. Toàn bộ dự án giai đoạn 1 và 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012. |
Vũ Tâm - Nguyên Hương
Theo baoxaydung.com.vn