Chúng tôi đến khu định cư (KĐC) vạn đò Phú Hậu (TP Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 6km) vào chiều muộn. KĐC gồm 8 chung cư 3 tầng này khá gây ấn tượng bởi căn hộ nào cũng có một 1 - 2 bàn thờ thiên ở mặt tiền.
Hồng Ngân thích ở nhà mặt đất vì có chỗ chơi chỗ học.
Dường như giọng Bắc của chúng tôi khó nghe nên ông Hà Văn Vinh (74 tuổi) cùng cậu con trai, bà hàng xóm chỉ cười, gật, lắc trước lời gợi chuyện của chúng tôi. Chỉ có cháu nội của ông Vinh là em Hà Văn Thanh, 20 tuổi là có thể tiếp chuyện được. Thanh kể: Gia đình em có 8 người, gồm ông, bố mẹ và các con, trước cùng ở trên một con đò dài chừng chiều dài của căn hộ nhưng rộng chỉ bằng 1/3 . Em không biết nhà mình sinh sống trên đò từ khi nào chỉ biết em được sinh ra trên đò và lớn lên ở trên đò.
Nhìn ngắm cơ ngơi nhà Thanh, sạch sẽ, ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi tivi, tủ lạnh, xe máy chúng tôi hỏi: Ngày trước, trên đò có điện, nước sạch, gia đình em có mua sắm, sử dụng những vật dụng này không? Thanh cho biết: Điện được đưa từ trên bờ xuống, giăng từ đò nọ sang đò kia. Nước dùng thì lấy từ bể cấp nước tập trung do tổ chức từ thiện xây dựng trên bờ. Còn sinh hoạt hàng ngày thì đều… xuống thẳng sông (trả lời đến đây, Thanh cười ngượng nghịu). Vì đò chòng chành, sụt - trồi theo con nước, lắc lư theo gió nên gia đình chỉ sắm duy nhất một thiết bị điện tử là chiếc tivi bé xíu.
Thanh thừa nhận, ở nhà chung cư văn minh, sạch sẽ và an toàn. Từ ngày lên bờ, bố vẫn đi đánh cá ở biển Thuận An, anh trai vẫn chạy xe thồ… Gia đình đã sớm quen với văn minh sống ở mặt đất, quen với việc dùng điện, nước sạch phải trả tiền.
Hàng xóm của em Thanh là chị Phan Thị Huyền (41 tuổi), háo hức khoe: Năm nay con lớn sẽ thi đại học Y dược, con thứ hai lên lớp 8. Ngày ngày, chồng đi đạp xích lô, vợ bán hàng lặt vặt tại nhà. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng anh chị mừng nhất là đã có nhà ở ổn định, từ nay chỉ cần tập trung lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Một cư dân khác của Phú Hậu thì nằng nặc kéo tay nhờ chúng tôi phải chụp ảnh cho bằng được cô con dâu và đứa cháu trai mới hơn một tuổi. Ông giải thích: Ngày trước, con trai yêu vợ hiện nay (cũng là cư dân vạn đò) nhiều năm mà 2 gia đình cứ chần chừ mãi không cho cưới. Là vì cưới xong không biết cho cặp vợ chồng trẻ ở đâu. Đò nhà ông chỉ rộng 20m2 nhưng đã có đến 3 cặp vợ chồng là vợ chồng ông, vợ chồng 2 cậu con trai lớn. Khi chuyển về nhà ở liền kề rộng rãi, 2 đứa mới làm lễ cưới, sinh được thằng cu tý này…
Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục đến với KĐC Phú Mậu (thuộc địa phận huyện Phú Vang, cách trung tâm TP Huế) chừng 12km. Đây là KĐC dành cho các hộ dân vạn đò vẫn có ít nhiều theo nghề sông nước thế nên, cuối KĐC, sát mép nước sông Hương chính quyền quy hoạch xây dựng một âu tàu nhỏ dành cho các hộ dân neo đậu tránh mưa bão tàu câu cá. Trên bờ, nhìn ra kênh và âu tàu là dãy nhà dân tự xây trên lô đất được chia đã hình thành dáng vóc. Ghé thăm ngôi nhà rộng rãi của gia đình bác Dương Văn Cá, 58 tuổi, chúng tôi được biết: Gia đình bác tự xây dựng ngôi nhà trên lô đất rộng 80m2 nhà nước cấp, hết tất cả 76 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ cho 15 triệu đồng, bán đò được 15 triệu đồng, số tiền còn lại góp trong cả nhà, dòng họ nên không cần phải vay mượn trả lãi. Giờ đây, bác trai vẫn theo nghề thả lưới đánh cá, bác gái ở nhà phụ trách cơm nước và chăm nom tổng cộng 6 đứa cháu nội. Các con trước làm nghề mộc, nghề hàn thì nay vẫn theo nghề đó. Chỉ có cậu út là mới lấy thêm vợ. Cả nhà hài lòng với nơi ở mới.
Sang dãy nhà liền kế, mặt bằng cũng rộng 80m2 nhưng nhà chỉ xây dựng một nửa diện tích, để trống sân trước và sân sau. Theo như lời giải thích của anh Hoàng Thiện - Phó giám đốc Ban Đầu tư Xây dựng TP Huế: Đối với nhà liền kề, TP chủ trương xây dựng phần nhà lõi, xây cao để các gia đình nếu có điều kiện, làm thêm gác xép ở trong nhà lõi và nếu có điều kiện kinh tế hơn nữa thì xây thêm các gian nhà cho hết phần đất được chia.
Cuộc sống định cư ở nơi mới dường như mới bắt đầu. Người dân Phú Mậu sẽ còn cần nhiều thời gian để thích nghi với sự đổi thay, thích nghi với những thói quen sinh hoạt mới. Chẳng hạn như việc bỏ rác vào thùng rác công cộng đặt sẵn ở mỗi dãy nhà. Việc trồng rau cải thiện bữa ăn ở chính khoảnh đất còn lại của hộ gia đình. Hay như việc đưa trẻ đến trường một cách chính quy, đàng hoàng. Ở xã Phú Mậu này, ngày cư dân vạn đò về KĐC Phú Mậu định cư, thôn mới Lại Tân hình thành. Trường tiểu học Phú Mậu được sửa sang, xây thêm 10 lớp học mới phục vụ trẻ con Lại Tân. Lũ trẻ không phải học bạ, học nhờ như trước kia nữa…
Vũ Tâm - Nguyên Hương
Theo baoxaydung.com.vn