>> Kỳ 1: Kiên cường chiến đấu và sản xuất
Nếu trong thời chiến, sự hình thành và phát triển Cty Thi công Cơ giới (năm 1979 đổi tên thành Liên hiệp Các xí nghiệp Thi công Cơ giới và cũng từ đây được biết đến với cái tên ngắn gọn, gần gũi LICOGI) và Cty Kiến trúc Uông Bí (sau đổi tên thành Cty Xây dựng số 18) luôn gắn liền với quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc thì trong thời bình, cả hai đều tự hào đã góp phần quan trọng vào sự đi lên của ngành, của đất nước.
Người LICOGI trên công trình thủy điện Trị An.
Chiến tranh kết thúc, tổ quốc thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hàng loạt các công trình qui mô lớn được mở ra. Đội quân hùng hậu LICOGI khoác ba lô tới mọi miền, tham gia xây dựng các công trình trọng điểm của đất nước. Ở bất cứ công trường nào, đội quân thi công nền móng cũng luôn là những người đầu tiên. Lúc đó, công trường vẫn chỉ là những vùng đồi núi hoang vu, rừng rậm, đầm lầy. Người LICOGI phải đối diện với vô vàn gian truân, thiếu thốn. Điện không, nước không, nơi ăn chốn ở không, ngủ với muỗi, họ bắt tay san gạt tạo mặt bằng, dựng các công trình phụ trợ, phá đất đá, đào móng công trình… Để rồi, khi đội quân xây dựng đến tiếp quản, khi công trường đông vui tấp nập cũng là lúc người LICOGI ra đi, đặt nền móng cho những công trường mới.
Ôn lại những kỷ niệm đã ăn sâu trong ký ức, bằng giọng nói có đôi chút ngậm ngùi, ông Vũ Khoa (nguyên Tổng giám đốc Liên hiệp) đúc kết: “Chỗ nào vất vả nhất, lem nhem nhất chính là nơi người LICOGI sống và làm việc.”
Nhưng ngay sau đó, ông trở nên sôi nổi: “Thi công nền móng vất vả đấy nhưng cũng đầy vinh quang. Bởi bằng lao động sáng tạo, nghiêm túc, kỷ luật, kỹ thuật và tác phong công nghiệp, đội quân cơ giới đã cùng với các đơn vị xây lắp để lại cho thế hệ mai sau nhiều công trình to lớn. LICOGI tự hào đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”.
Giờ đây nhìn lại lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của TCty LICOGI, người ta không thể không nhắc đến những công trường nổi tiếng một thời như nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy xi măng Hoàng Thạch, xi măng Bỉm Sơn, thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, thủy điện Vĩnh Sơn, thủy điện An Điềm, công trình thủy lợi Thạch Nham, Khe Tân, công trình Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Thụy Điển, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Đài truyền hình Trung ương...
Còn nhớ, năm 1978 Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 440MW được khởi công. Đây là công trình trọng điểm số 1 của cả nước, được yêu cầu xây dựng khẩn trương vì đất nước thiếu điện phát triển kinh tế, để phục vụ xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - thủy điện Hòa Bình. Khi đó, "Công trình thanh niên cộng sản nhà máy nhiệt điện Phả Lại” được coi là trận đánh hợp đồng binh chủng với quy mô lớn, phát huy sức mạnh tổng hợp bởi vào thời kỳ cao điểm, công trường tập trung đến 16.000 người của 23 đơn vị thuộc các lực lượng cơ giới, xây dựng, lắp máy, quân đội, giao thông, điện lực… Cty Xây dựng số 18 vinh dự được giao làm B chính (tổng thầu) và trực tiếp thi công nhiều hạng mục phức tạp như nhà máy chính, trạm bơm tuần hoàn, ống khói bê tông, nhà điều khiển trung tâm… Còn lực lượng cơ giới LICOGI thì đào đắp, san lấp, vận chuyển hơn 9 triệu m3 đất đá (trong đó có tới 3 triệu m3 đá gốc). Chính ở công trường này, LICOGI đã lập kỷ lục: Đơn vị đầu tiên áp dụng phương pháp nổ mìn khối lớn bằng biện pháp đào lò, tạo buồng và điểm hỏa khối nổ lớn nhất trong lịch sử ngành Xây dựng Việt Nam (tính đến thời điểm đó) với lượng thuốc nổ lên tới 78 tấn. Một kỷ lục khác cũng không kém phần tự hào là với điều kiện thiết bị, công nghệ ngày ấy, LICOGI đã hoàn thành trước thời hạn hạng mục hố móng trạm tuần hoàn ở độ sâu -18m, trên địa hình vừa đá vừa bùn chảy. Trước đó, ngay cả với những người lạc quan nhất cũng nhìn nhận hạng mục theo hướng “khó như không thể làm nổi”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở công trình nhiệt điện Phả Lại, người LICOGI và Cty Xây dựng 18 tiếp tục đến với công trình thế kỷ - thủy điện Hòa Bình. Trên công trường này, riêng LICOGI đã thi công trên 9 triệu m3 đất đá các công trình phụ trợ, đào kênh dẫn dòng nắn bờ phải, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phục vụ kịp thời ngăn sông Đà đợt 1, đắp đập ngăn sông Đà đợt 2, bảo đảm ngăn lũ thắng lợi. Cùng các nhà thầu, nhất là TCty Sông Đà, LICOGI đã góp phần đưa các tổ máy số 1, số 2 của nhà máy sớm đi vào vận hành, cung cấp điện năng cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
LICOGI tham gia thi công nhà máy thuỷ điện Hoà Bình
Cùng thời điểm xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình ở miền Bắc, một bộ phận người LICOGI Nam tiến đến với công trình thủy điện Trị An. Họ tham gia thi công các hạng mục quan trọng như kênh dẫn ra, tuyến năng lượng, bể áp lực… với tổng khối lượng đào đắp, vận chuyển trên 8 triệu m3 đất đá. Đặc biệt, họ đã lập thành tích đáng nể trong việc xử lý sự cố đường ống dẫn nước vào tổ máy số 1, tổ chức thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng móng nhà máy chính từ cốt 46 xuống cốt - 49. Bởi ở công trường khi đó, điều kiện thi công chật hẹp, lượng nước ngầm lớn, đá gốc cứng, mà tiến độ lại đòi hỏi khẩn trương, gấp gáp. Bởi theo yêu cầu công việc, LICOGI phải bàn giao hố móng trước ngày 23/8/1985 để các đơn vị xây dựng kịp đổ mẻ bê tông đầu tiên kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến… Kết thúc công trình thủy điện Trị An, một số người LICOGI tiếp tục ở lại, gắn bó với các công trình lớn ở các tỉnh phía Nam tổ quốc và trở thành nòng cốt, chủ lực của Cty LICOGI 9 ngày nay…
Một công trình khác không thể không nhắc đến là nhà máy tuyển Apatit Lào Cai. Tại đây, LICOGI đã thi công trên 10 triệu m3 đất đá ở các hạng mục phức tạp như mặt bằng sân công nghiệp, móng nhà máy chính, móng nhà đập thô, móng silô quặng tinh, đập thải xỉ và tuyến đường sắt Xuân Giao… Hạng mục công trình nào cũng được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và được các chuyên gia Liên xô (cũ) đánh giá cao. Ông Đào Ngọc Nam (Tổng giám đốc TCty LICOGI giai đoạn 1995 - 2006) nhớ lại: “Công việc gian khổ nhưng trên toàn công trường, người lao động thực sự thương yêu, gần gũi, gắn bó, đồng lòng, quyết chí”.
Không chỉ ông Nam, mà bất cứ ai từng gắn bó với LICOGI trên các công trình trọng điểm của đất nước hẳn sẽ chẳng thể quên về một thời sống và làm việc sôi nổi, về tình người ấm áp trên mỗi mái ấm công trường, về cái nôi tôi luyện năng lực, bản lĩnh con người…
Năm 1995, do yêu cầu của sự phát triển, Bộ Xây dựng đã quyết định thành lập TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) trên cơ sở sắp xếp Liên hiệp Các xí nghiệp Thi công Cơ giới và Cty Xây dựng số 18. Ông Lê Văn Sang (Nguyên Thứ tưởng Bộ Xây dựng, nguyên Giám đốc Cty Kiến trúc Uông Bí) đã từng nhận định: Đây là cuộc “kết duyên” “môn đăng hộ đối”, “xứng đôi vừa lứa” giữa đơn vị bộ binh với đơn vị cơ giới, thành một lực lượng đồng bộ, tạo thế mạnh trong cạnh tranh và phát triển…
Từ đây, TCty LICOGI bước vào một thời kỳ mới, phát triển đa ngành nghề, có khả năng thi công trọn gói các công trình có quy mô lớn từ khâu thiết kế, thi công nền móng đến xây lắp, vận hành và nhất là vươn lên làm chủ đầu tư các dự án…
(Còn nữa)
Ông Vũ Khoa (nguyên Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Thi công cơ giới giai đoạn 1981 - 1988) so sánh: Thời kỳ xây dựng công trình thủy điện Thác Bà (100 MW), đích thân Văn phòng công nghiệp Thủ tướng phụ trách. Thủ tướng và Phó Thủ tướng trực tiếp điều từng thiết bị xe máy trở đi. Ngày nay, nghe những điều này thật xa vời và lạ lẫm. Riêng tôi, chứng kiến các đơn vị trong ngành đầu tư, xây dựng những công trình thủy điện có quy mô tương tự và hơn thế một cách nhẹ nhàng, tôi thấy phục quá, “Quân ta” giỏi quá. |
Hòa Bình
Theo baoxaydung.com.vn