Thứ tư 22/01/2025 22:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Định cư dân vạn đò Huế: Qua rồi một kiếp lênh đênh

Kỳ 2: Gian nan bài toán vốn

10:34 | 02/08/2012

 Kỳ 1: Chấp chới dòng đời

Sau nhiều năm trăn trở với công tác cải thiện điều kiện sống cho cư dân vạn đò, năm 2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh TT-Huế lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã quyết liệt đưa nhiệm vụ định cư dân vạn đò Huế vào Nghị quyết. Triển khai Nghị quyết, năm 2006, UBND TP Huế đã tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học về đời sống cư dân vạn đò. Các năm tiếp theo, dưới sự chỉ đạo và phê duyệt dự án của UBND tỉnh, UBND TP Huế chính thức triển khai dự án Định cư và cải thiện đời sống cư dân vạn đò TP Huế (dự án). UBND tỉnh đã chủ động đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương việc quy hoạch và xây dựng trước quỹ nhà, quỹ đất tái định cư cho cư dân vạn đò bằng vốn ngân sách.


Khu Phú Mậu mang dấu ấn của cuộc sống văn minh như điện, thùng thu gom rác.

Vướng luật

Theo các quy định của nhà nước, việc đầu tư xây dựng quỹ nhà chung cư phục vụ tái định cư (TĐC) không được sử dụng vốn ngân sách mà phải huy động nguồn vốn từ xã hội. Nhưng trên thực tế, đối tượng TĐC là dân vạn đò sống lênh đênh mặt nước, tài sản gần như chỉ là “hai bàn tay trắng” nên không DN nào dám bỏ vốn tạo dựng quỹ nhà TĐC cho dân vạn đò cả. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh TT-Huế đã làm tờ trình Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách tạo quỹ nhà TĐC.

Chủ tịch UBND TP Huế Phan Trọng Vinh kể lại: Mặc dù được Chính phủ ủng hộ (tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng với lãnh đạo tỉnh TT-Huế tháng 8/2007) nhưng UBND tỉnh vẫn phải thuyết phục, tìm kiếm sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Tài chính. Lúc đầu, chúng tôi nhận lại được không ít sự hoài nghi vì các bộ, ngành đều cho là công tác định cư dân vạn đò quá phức tạp. Hơn nữa đây là dự án đầu tiên của quốc gia về giải quyết định cư có dân vạn đò nên chưa có những cơ chế cụ thể, khó khăn trong việc điều hành, quản lý dự án. Các bộ, ngành càng không tin TT-Huế nói chung và TP Huế nói riêng triển khai thành công dự án.

Dẫu vậy, cùng với sự ủng hộ của Chính phủ, sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Thành ủy, TP Huế mạnh dạn ứng vốn ngân sách xây dựng trước 4 nhà chung cư 3 tầng rồi cho người dân vạn đò bốc thăm và di chuyển đến ở. Sau khi người dân ổn định cuộc sống, lãnh đạo tỉnh và TP mời đại diện các bộ, ngành Trung ương trực tiếp đến khu định cư (KĐC) tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ khi đó, các bộ ngành mới thực sự tin tưởng vào tính khả thi, khả năng thành công của dự án. Tháng 01/2008, Thủ tướng Chính phủ có công văn về việc tạm ứng vốn thực hiện dự án TĐC và cải thiện cuộc sống của dân vạn đò Huế. Tháng 8 cùng năm, Bộ Tài chính chính thức ban hành công văn về việc ứng vốn đầu tư xây dựng nhà chung cư, nhà liền kề phục vụ dự án định cư và ổn định cuộc sống dân vạn đò TP Huế…

Như vậy là dù rất khó khăn, trắc trở nhưng việc triển khai dự án định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò TP Huế vẫn luôn có đủ các cơ sở pháp lý - Chủ tịch TP Huế Phan Trọng Vinh nhận định.

Trong các năm từ 2008 - 2010, từ nguồn vốn ngân sách, TP Huế đã quy hoạch và xây dựng 3 KĐC. Đó là KĐC Phú Hậu (trên địa bàn TP Huế), diện tích 1,12ha, gồm 8 chung cư 3 tầng, diện tích sàn 11.086m2, bố trí 208 căn hộ. KĐC Hương Sơ (cũng thuộc TP Huế), diện tích 8,355ha, gồm 5 chung cư (với 216 căn hộ) và 336 căn hộ liền kề. KĐC Phú Mậu (huyện Phú Vang), diện tích 11,88ha, bố trí 262 lô đất và 170 nhà liền kề. Cả 3 KĐC đều được quy hoạch đầy đủ cùng với khu ở là các thiết chế như hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, giao thông), hệ thống hạ tầng xã hội như trường học… Tổng vốn đầu tư 3 KĐC là 260,186 tỷ đồng. Ngoài ra, chính quyền TP cũng huy động các nguồn vốn khác 22,93 tỷ đồng để xây dựng mở rộng các trường tiểu học Phú Mậu, THCS Nguyễn Văn Linh, tiểu học và mầm non Hương Sơ, tiểu học Phú Mậu… nhằm phục vụ nhu cầu học tập của cư dân vạn đò tại các KĐC, cũng như nhu cầu của nhân dân trong vùng.

Lắng nghe nguyện vọng của dân

Công tác sắp xếp nguồn vốn tạo quỹ nhà, quỹ đất 3 KĐC đã khó nhưng sử dụng, phân bổ nguồn vốn ngân sách hiệu quả, vận dụng cơ chế chính sách hợp lý, công bằng còn khó hơn. Giải pháp chính quyền TP Huế lựa chọn là… áp dụng tổng hợp các cơ chế chính sách nhà nước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện chính sách chế độ đặc thù cho riêng dự án…

Trước khi di dời hơn 1 nghìn hộ dân đến định cư nơi ở mới, TP một lần nữa điều tra nguyện vọng nơi đến của dân. Từ đó, TP quy hoạch những hộ dân còn hành nghề liên quan đến sông nước như đánh bắt cá, cát sạn, thuyền du lịch… (chiếm khoảng 1/4 tổng số hộ) di dời đến KĐC Phú Mậu nằm bên bờ sông Hương trên địa bàn huyện Phú Vang, thành lập lên thôn mới Lại Tân, tạo điều kiện để người dân tiếp tục theo nghề. Các hộ dân khác làm các nghề dịch vụ đô thị như xích lô, bốc vác, bán hàng rong… định cư ở 2 khu KĐC Hương Sơ và Phú Hậu, gần trung tâm TP hơn. Và để bảo đảm khách quan, công khai, các hộ đều được bốc thăm vị trí căn hộ, nhà liền kề, lô đất… TP hỗ trợ 1 triệu đồng cho các hộ dân tháo dỡ đò. Những hộ nhận đất tự xây dựng nhà được hỗ trợ 15 triệu đồng với điều kiện là phải xây dựng nhà xong. Những nhà liền kế, nhà chung cư cũng được khấu trừ 15 triệu đ/hộ. Số tiền còn lại hộ dân được trả góp trong 30 năm, 10 năm đầu không phải trả lãi. Đối với hộ dân có từ 10 nhân khẩu trở lên, hoặc có 3 cặp vợ chồng trở lên, TP ưu tiên xem xét cho mua thêm căn hộ, hoặc một nhà liền kế (tùy KĐC). Đối với hộ có từ 20 nhân khẩu trở lên, hoặc có 5 cặp vợ chồng trở lên được xem xét mua thêm 2 suất nhà chung cư hoặc 2 suất nhà liền kế. Giá trị mỗi căn hộ, nhà liền kế 65 triệu đồng. Hộ dân mua thêm sẽ phải trả trước 30% giá trị căn hộ, 50% giá trị nhà liền kế, số còn lại được trả góp trong 30 năm, 10 năm đầu không phải trả lãi. Ngoài ra, TP còn có chính sách miễn giảm học phí, vay vốn, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo…

Cùng với việc bố trí TĐC cho dân vạn đò, chính quyền TP tăng cường quản lý các khu vực mặt nước đã giải tỏa các hộ dân vạn đò, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp đã được bố trí TĐC nhưng vẫn tiếp tục quay trở lại sinh sống trên mặt nước…

Triển khai dự án bài bản, hợp ý Đảng, lòng dân, nên sau 3 năm TP Huế đã có 969 hộ vạn đò với 5.690 nhân khẩu được định cư nơi ở mới, chấm dứt tình trạng người dân sống lênh đênh, tạm bợ trên mặt nước. Đáng mừng hơn nữa là nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên tuyền, bố trí TĐC công khai, công bằng, dân chủ nên trong suốt quá trình triển khai, dự án luôn nhận được sự đồng tình của người dân, không nảy sinh các khiếu kiện.

Vũ Tâm - Nguyên Hương

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load