Kỳ1: “Nghìn lẻ một” lý do chậm
Thời gian thực hiện các dự án phát triển nguồn điện thường kéo dài, thời hạn vay vốn tối thiểu là 5 năm. Trong khi hiện nay các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều ưu tiên cho vay vốn ngắn hạn khiến việc huy động vốn cho các dự án điện càng khó khăn. Vì vậy, cần phải tìm kiếm các nguồn khác.
Vướng quy định khi huy động vốn
Theo một đại diện của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), vốn là vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định đến việc phát triển ngành năng lượng hiện nay và đóng vai trò quyết định trong việc hoàn thành dự án. Hiện tại dư nợ của BIDV đối với ngành năng lượng khoảng 23 nghìn tỷ đồng, trong đó 16 nghìn tỷ đồng được đầu tư vào ngành điện.
Bàn về những khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án phát triển nguồn điện, người đại diện cho BIDV cũng cho rằng: Quy mô đầu tư của các dự án năng lượng là rất lớn, từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD, do đó nằm ngoài khả năng đáp ứng, cân đối vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước. Bên cạnh đó, việc giới hạn vốn cho vay đối với một khách hàng/dự án theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể các ngân hàng thương mại chỉ được phép cho vay tối đa 15% vốn tự có đối với mỗi doanh nghiệp và chỉ được phép sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn tối đa là 30% đã ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại cho các dự án năng lượng nói chung.
Liên quan đến những khó khăn khi huy động vốn cho các dự án phát triển nguồn điện, một đại diện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, các dự án năng lượng nói chung và dự án phát triển nguồn điện nói riêng có công nghệ phức tạp và mang tính đặc thù cao. Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định dự án ở nhiều nội dung như: đánh giá yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn máy móc thiết bị, nhà thầu cung cấp thiết bị… dẫn đến thời gian thẩm định bị kéo dài.
Một khó khăn khác cũng được Vietinbank nêu ra, thời gian thực hiện các dự án phát triển nguồn điện thường kéo dài, khoảng 2 - 3 năm xây dựng và nhiều năm khai thác sau đó, thời hạn vay vốn của các dự án phát triển nguồn điện tối thiểu là 5 năm. Trong bối cảnh huy động vốn dài hạn ngày càng khó khăn như hiện nay thì các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều ưu tiên cho vay vốn ngắn hạn, giảm tỷ lệ cho vay dài hạn trên tổng dư nợ, điều này tác động lớn đến việc huy động vốn cho các dự án phát triển nguồn điện.
Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để đầu tư sản xuất 1 nhà máy nhiệt điện 2 tổ máy có công suất 1.200MW thì cần khoảng 40 nghìn tỷ đồng, thời gian hoàn thành mất 7 năm. Vì vậy với hàng loạt dự án nhiệt điện sẽ được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011 - 2020, cần hàng chục tỷ USD để đầu tư cho các dự án phát triển nguồn điện. Ông Ngãi cũng cho rằng, để đầu tư cho các dự án phát triển nguồn điện, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào vốn vay của các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại mà cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư thông qua các hình thức đầu tư BOT, IPP, BOO…
Một số dự án BOT trong lĩnh vực phát triển điện tại Việt Nam thường áp dụng hình thức chỉ định thầu, nên đã giảm tính cạnh tranh. |
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thời gian qua nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoài có đủ kinh nghiệm, chuyên môn và năng lực tài chính như Tập đoàn AES của Mỹ đang thực hiện dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 công suất 2x600MW; Tập đoàn CSG của Trung Quốc đang thực hiện dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 công suất 2x600MW; Tập đoàn Janakuasa của Malaysia đang thực hiện dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 công suất 2x600MW… Một số dự án BOT khác trong lĩnh vực phát triển nguồn điện cũng đang thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư như Nhiệt điện Ô Môn 2, Nhiệt điện Sơn Mỹ, Nhiệt điện Vân Phong 2… Việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án phát triển nguồn điện, đặc biệt là các dự án nhiệt điện là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh chúng ta đang cần vốn cho phát triển nguồn điện. Tuy nhiên nên lựa chọn được các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thì tiến độ dự án và chất lượng thiết bị sẽ đảm bảo hơn.
Đồng quan điểm trên, BIDV cho rằng, ở các nước, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện theo hình thức đầu tư BOT, nhà thầu thường được lựa chọn thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, một số dự án BOT trong lĩnh vực phát triển nguồn điện tại Việt Nam thường áp dụng hình thức chỉ định thầu, nên đã giảm tính cạnh tranh, không lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất. Do đó, việc huy động vốn cho các dự án điện cũng khó khăn hơn một phần do năng lực tài chính của nhà đầu tư, một phần do khả năng thể hiện phương án đầu tư để thuyết phục các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính tài trợ vốn.
Đặng Huyền
Theo baoxaydung.com.vn