Theo Thanh tra Nhà nước Cao Bằng kiểm tra công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường (TN&MT) sau khi thực hiện xong việc cấp sổ đỏ đã bàn giao 329 hồ sơ giai đoạn 1997 - 2000 cho Phòng TN&MT thị xã Cao Bằng. Năm 2008, thanh kiểm tra đã phát hiện 33 hồ sơ thất lạc, 147 hồ sơ đã cấp GCNQSDĐ nhưng chưa đủ thủ tục theo quy định. Cấp nhầm, cấp trùng nhiều trường hợp từ đất nông nghiệp sang đất ở, 109 hộ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đã được cấp sổ đỏ, trong đó có 29 trường hợp sử dụng vượt 1.139,88m2, có 6 trường hợp cơi nới, lấn chiếm, nhưng lại được cấp GCNQSDĐ.
“Hò nhau” làm trái pháp luật
Trao đổi với phóng viên, một số người dân ở địa phương bất bình tố cáo: chúng tôi thấy có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai nên đã làm đơn tố cáo và gửi các cơ quan chức năng. Sau đó, Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Cao Bằng đã vào cuộc và đã có kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai tại thị xã Cao Bằng và huyện Phục Hòa.
Khu tái định cư được phê duyệt một đằng, làm một nẻo
Trong lúc người dân Cao Bằng đang gồng sức để cùng nhau xây dựng địa phương như: chỉnh trang đô thị, cơ sở hạ tầng, giao thông… để thị xã Cao Bằng sớm vươn tầm lên đô thị loại III, thì ngược lại, vẫn có một số quan chức, cán bộ được giao trọng trách ở đây lại cố tình đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, cố ý làm trái nguyên tắc, quy định của pháp luật và có dấu hiệu tham nhũng. Đã có thanh kiểm tra, có kết luận và kiến nghị xử lý sai phạm. Tuy nhiên, chính lãnh đạo chủ chốt ở địa phương lại lờ đi sự việc, không giải quyết dứt điểm khiến cho người dân địa phương bức xúc, bất bình và khiếu kiện kéo dài. |
Trong hàng loạt bất cập xảy ra. điển hình là hộ ông Đặng Trung Bằng. Đến trú tại P.Sông Bằng từ năm 1993, ông Bằng tùy tiện cho san gạt ta-luy đường làm quán bán hàng. Phòng Xây dựng nhà đất thị xã lập biên bản đình chỉ, ông Bằng đã thừa nhận việc làm sai trái của mình. Sau đó, mảnh đất này nằm trong quy hoạch giao đất cho Trung tâm Nước sạch- sinh hoạt nông thôn tỉnh Cao Bằng làm trụ sở. Năm 2005 ông Bằng làm đơn trình bày nguồn gốc thửa đất, được ông La Đại Lèn - Phó chủ tịch UBND P.Sông Bằng xác nhận, rồi xin chuyển quyền sử dụng đất cho con gái là Đặng Thị Yến. Không hiểu lý do gì ngày 13/7/2006 bà Yến được UBND thị xã Cao Bằng cấp sổ đỏ với diện tích sử dụng 36,3m2. Các hộ liền kề, thuộc diện lấn chiếm đất công cũng được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ (?).
Một trường hợp khác, gia đình bà Phạm Thị Bích, trú tại tổ 1, xã Đề Thám, đang tranh chấp nhau về quyền thừa kế mảnh đất 1.046m2 do ông Phan Văn Lâm (đã chết 1992), vậy mà Chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng vẫn ký 3 GCNQSDĐ mang tên các ông, bà: Phạm Thị Quyên, Phạm Văn Bé, Phạm Văn Vượng. Qua tìm hiểu, 3 bộ hồ sơ này đều thiếu nhiều tiêu chí để được cấp sổ đỏ. Điều ngạc nhiên là bà Hoàng Thị Quyên, là con riêng của bà Vương Thị Nậu (sinh 1978, sau khi bà Nậu và ông Lâm đã ly hôn), lại được quyền thừa kế, được Phòng TN&MT phù phép biến đổi chị Quyên từ họ Hoàng sang họ... Phạm.
Dự án khu tái định cư II ở Nà Cáp, P.Sông Hiến với tổng diện tích đất thu hồi 30.414m2, thế nhưng qua các “ảo thuật gia” thực thi công việc đã làm tăng tổng diện tích đất đai thêm 5.995,4m2. Các cán bộ này cũng không báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, tự ý đưa vào bồi thường diện tích “dôi dư” 985,42. Đoàn thanh tra kết luận, trách nhiệm thuộc UBND thị xã Cao Bằng, trong đó BQLDA Đầu tư và xây dựng thị xã là đơn vị tham mưu, đề xuất phải chịu trách nhiệm chính.
Những “phù thủy” cao tay
Trong những ngày tìm hiểu ở địa phương, chúng tôi được biết có khá nhiều dư luận lan truyền về vụ ông Đàm Việt Hùng - cán bộ Phòng TN&MT thị xã Cao Bằng trộm phôi của cơ quan làm giả nhiều sổ đỏ đem bán. Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Cao Bằng, từ tháng 3/2006 đến tháng 8/2008, Hùng đã trộm 17 phôi bìa, sau đó sử dụng phần mềm chuyên dụng để làm nhiều GCNQSDĐ mang tên mình, có đầy đủ chữ ký, con dấu của lãnh đạo thị xã Cao Bằng. Hùng viết giấy bán 3 lô đất khu tái định cư 3, xã Đề Thám, thị xã Cao Bằng cho chủ tiệm vàng Minh Hòa, P.Hợp Giang, thị xã Cao Bằng. Với 3 sổ đỏ giả đó, Hùng kiếm được 450 triệu đồng. Được đà, Hùng thế chấp 1 sổ đỏ khác cho anh Thẩm Thái Dương trú tại P.Sông Hiến lấy 120 triệu đồng. Sau đó sự việc vỡ lở, Hùng chuộc lại 4 sổ đỏ này, đồng thời đốt phi tang và chạy trốn khỏi địa phương. Ngày 9/11/2009, Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố hình sự vụ “Chiếm đoạt tài sản cơ quan Nhà nước”, bắt giam Hùng để điều tra. Hiện Phòng TN&MT thị xã báo cáo vẫn còn… 13 phôi bìa bị mất, chưa tìm thấy.
Một trường hợp khác, được coi là “chuyện lạ” ở tỉnh miền núi này, đó là chuyện hộ ông Đào Ngọc Ngựa, trú tại tổ 4 P.Sông Bằng, chỉ thời gian ngắn dù không có kết quả thẩm tra của Văn phòng đăng ký QSDĐ, không có ý kiến của Phòng TN&MT; thậm chí trong đơn xin đăng ký cấp GCNQSDĐ đề ngày 20/7/2007, cũng không có xác nhận của UBND và cán bộ địa chính, ông Ngựa vẫn có sổ đỏ trong tay và bán cho bà Hoàng Thị Như Hoa ở P.Tân Giang. Kiểm tra hồ sơ, các cơ quan chức năng phát hiện chữ viết trong đơn xin cấp GCNQSDĐ và chữ ký không phải của ông Ngựa, mà là của Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ thị xã Cao Bằng - ông Vũ Hoài Anh. Tại biên bản làm việc ngày 9/7/2009 với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Cao Bằng, ông Anh thừa nhận: Do quen biết và được ông Ngựa nhờ nên đã trực tiếp viết đơn và giả mạo chữ ký để thực hiện trót lọt việc làm sổ đỏ.
Sự việc đã được làm sáng tỏ, thế nhưng các tập thể, cá nhân sai phạm vẫn chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều người còn thăng quan, tiến chức một cách... ngoạn mục.
(còn nữa)
Đà Giang - Nam Long
Theo baoxaydung.com.vn